Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ phải thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh, để tối đa hóa nguồn lực của người dân kinh doanh. Ảnh: TL Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ phải thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh, để tối đa hóa nguồn lực của người dân kinh doanh. Ảnh: TL

 

“Sẽ không thể có tình trạng hôm nay là chủ hàng phở, mai thành giám đốc công ty bán phở. Quan tâm đến khu vực này là tìm các cơ sở pháp lý để họ phát triển, chuyên nghiệp hơn, hoạt động thuận lợi hơn, chứ không phải bị săm soi bởi các quy định hành chính hay thanh tra, kiểm tra”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ quan điểm.

Mặc dù là người đề nghị xem xét tạo cơ sở pháp lý cho hộ kinh doanh, để hộ kinh doanh bình đẳng về pháp lý với các loại hình doanh nghiệp khác, song ông Lộc cho rằng, mục tiêu chính là cần quan tâm để khu vực này phát triển.

“Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hôm nay là mầm non của doanh nghiệp ngày mai. Họ vững thì doanh nghiệp vững. Họ thiếu minh bạch, không chuyên nghiệp thì cộng đồng doanh nghiệp tới đây khó mạnh mẽ. Quan điểm của chúng tôi là cần có môi trường thực sự thuận lợi để họ phát triển, chứ không phải là nơi cho các những người không muốn làm ăn minh bạch”, ông Lộc nói.

Ông Fushihara Hirota, Tổng giám đốc Công ty UIVN chia sẻ: “Ở Nhật Bản, 54,8% doanh nghiệp là cá nhân kinh doanh. Họ không phải đăng ký kinh doanh, nhưng phải đăng ký với cơ quan thuế để tuân thủ các quy định về thuế. Chúng tôi tạo ra hệ sinh thái riêng cho khu vực này vì những đặc trưng riêng của nó”, ông Fushihara Hirota cho biết.

Ở góc nhìn của Ban Soạn thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lần đầu tiên nhận trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp.

“Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ phải thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh, để tối đa hóa nguồn lực của người dân kinh doanh. Nguyên tắc là cái gì đang cản trở quyền kinh doanh của họ sẽ phải bãi bỏ, còn việc thiết kế chi tiết, đưa hộ kinh doanh vào hay đưa ra khỏi Luật Doanh nghiệp chỉ là kỹ thuật pháp lý”, ông Hiếu cho biết.

Với nguyên tắc này, lo ngại bắt ép các hộ kinh doanh phải trở thành doanh nghiệp, để xử lý tồn tại về sự không rõ ràng trong khái niệm hộ kinh doanh sẽ không diễn ra.

Theo congluan.vn