Đáng lưu ý, đây là hai thị trường tiềm năng thuộc khu vực thị trường CPTPP.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong quý I đạt 4,62 tỷ USD, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn tính riêng tháng 3/2019, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,68 tỷ USD, tăng mạnh 62,25% so với tháng 2/2019 và tăng 2,71% so với tháng 3/2018.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản là hàng dệt may (đạt gần 900 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (trên 630 triệu USD), máy móc thiết bị (450 triệu USD), hàng thuỷ sản (trên 306 triệu USD)…
Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng phân bón có sự tăng trưởng đột biến trong quý I khi đạt 8.126 tấn, tương đương trị giá 3,7 triệu USD, tăng 509% về lượng và tăng 1.158% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản cũng có sự tăng trưởng mạnh trong quý I là sản phẩm hoá chất (tăng 70%); thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 56,8%); quặng và khoáng sản (tăng 52%); sắt thép các loại (tăng 49%); chất dẻo nguyên liệu (tăng 43%)…
Phân tích từ các chuyên gia thương mại cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhanh trong thời gian qua là nhờ Hiệp định CPTPP bởi Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Mặt khác, với hai hiệp định thương mại tự do (FTA) là Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản cũng được xóa bỏ rào cản thuế quan.
Song hành cùng với Nhật Bản, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Canada đã tăng gấp 3 lần từ 1,14 tỷ USD năm 2010 lên 3,85 tỷ USD trong năm 2018; trong đó Việt Nam xuất siêu sang thị trường này đạt 2,14 tỷ USD.
Đặc biệt, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những mặt hàng xuất khẩu chính Việt Nam sang thị trường Canada gồm dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, đồ gỗ…
Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm, nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả… cũng bước đầu có tăng trưởng xuất khẩu tích cực sang thị trường này.
Theo ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), ngoài thị trường lớn với 37 triệu dân, Canada còn có 250.000 người gốc Việt Nam. Do đó, đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng như các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam tiếp cận trong thời gian tới.
Hơn nữa, Canada có chính sách khá mở về nông sản nhiệt đới với thuế nhập khẩu bằng 0% và không có nhiều rào cản kỹ thuật. Vì vậy, nếu khắc phục được hạn chế do bảo quản và vận chuyển xa, hoa quả tươi xuất khẩu được nhiều hơn vào thị trường nước này.
Chia sẻ thêm về cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Canada, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, tuy thị phần hàng Việt Nam tại Canada hiện chiếm chưa đến 1% lượng hàng nhập khẩu của Canada nhưng nhiều mặt hàng của Việt Nam lại được đón nhận rất tốt tại thị trường này như dệt may, da giày, thủy sản, hàng nội thất...
Hơn nữa, với việc thực thi CPTPP, các doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam và muốn đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp nước này có thế mạnh như: cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, hàng không, giáo dục, lâm nghiệp.
Nhật Phương