Theo nhận định của các chuyên gia đầu ngành, đây chính là thời điểm để chuẩn bị dần các hoạt động nhằm phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh thời gian qua.
Triển vọng nào cho kinh tế 2020?
PGS. TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định tác động của dịch Covid-19 là rất lớn và khác lạ so với những khủng hoảng tài chính trước đây.
Để khống chế bệnh dịch, các quốc gia phải tiến hành biện pháp phong tỏa. Điều này dẫn đến ngưng trệ nền kinh tế, trong khi các chi phí như nhân công, chi phí tài chính, thuê nhà xưởng không hề giảm.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1 đạt 3,82%, thấp nhất trong 11 năm trở lại đây. Song nếu so với thế giới, tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang ở mức tích cực.
Theo tiến sĩ Anh, con số tăng trưởng kinh tế trong quý 1 chưa phản ánh hết khó khăn trong bức tranh nền kinh tế. Gần như nửa đầu quý 1, nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tác động bên ngoài đến nền kinh tế vẫn chưa nhiều. Chỉ bắt đầu vào tháng 3, khi các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn thì nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã bắt đầu suy giảm.
“Tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Việt Nam có độ trễ. Chúng tôi dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động mạnh nhất tới nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ quý 2/2020, cho dù thời điểm được kiểm soát được dịch bệnh là khi nào”, ông Anh phát biểu.
Cũng theo chuyên gia này, điều cần lưu ý là tác động của đại dịch lần này khác với các khủng hoảng kinh tế tài chính trước đây. Covid-19 tác động mạnh hơn đến khu vực phi chính thức của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, tỷ trọng phi chính thức đóng góp vào kinh tế tương đối lớn, ước tính từ 25-35%.
Trong những đợt khủng hoảng trước đây, khu vực này ít bị ảnh hưởng và được xem là “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Nhưng trong đại dịch lần này, khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng mạnh nhất khi các biện pháp phong tỏa khiến khu vực này dừng hoạt động. Số việc làm hay số hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động do dịch lần này là rất lớn. Tuy nhiên con số này lại không được phản ánh trong GDP.
Trên cơ sở đó, ông đưa ra ba kịch bản cho nền kinh tế dựa trên ba kịch bản về khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước và trên thế giới.
Với kịch bản thứ nhất, bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý 2/2020.
Kịch bản thứ hai kém lạc quan hơn, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 3/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 3/2020.
Với kịch bản thứ ba, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 4/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 4/2020 và đầu quý 1/2021.
Dù trong bất kỳ kịch bản cho thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, vị tiến sĩ này cho rằng “sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh”.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đặt ra hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch. Với kịch bản đầu tiên, đến cuối tháng 6/2020 bệnh dịch sẽ được kiểm soát, và sau quý 2 thì bệnh dịch được chặn đứng, từ đó nền kinh tế thế giới có thể có thể đi vào hồi phục. Nền kinh tế sẽ bắt đầu đi vào tiến trình hồi phục vào quý 3.
Tuy nhiên giai đoạn hồi phục cũng sẽ rất lâu, ít nhất phải 6 tháng đến 1 năm để trở lại như bình thường. Với kịch bản khá lạc quan này, ông Hiếu cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 5%.
Với kịch bản thứ hai, đến cuối tháng 6, Việt Nam và thế giới vẫn chưa kiểm soát được bệnh dịch thì cả nền kinh tế thế giới và kinh tế sẽ đi vào khủng hoảng. Thậm chí, kinh tế Việt Nam có thể đối diện với áp lực tăng trưởng âm, quy mô nền kinh tế của Việt Nam có thể dưới 300 tỷ USD.
Cần tư duy mới, cách tiếp cận mới
Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam sẽ xây dựng kịch bản phát triển quốc gia để đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch thế nào?
“Chúng ta cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch Covid-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất - kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 sẽ khiến các cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Vì thế, đây chính là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế mà Việt Nam đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu; đồng thời, hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp toàn cầu và khu vực trong xử lý các cú sốc kiểu Covid-19.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam hiện nay, không thể chỉ giải quyết được bằng tiền. “Chưa thấy nước nào giải cứu được nền kinh tế vượt qua khủng hoảng bằng tiền. Tại khủng hoảng 2008-2009, nhiều nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế lớn, nhưng không cứu được nền kinh tế, mà hệ lụy là dẫn tới khủng hoảng nợ công. Để giải quyết, phải xử lý bằng thể chế, chính sách. Chúng ta đang có nhiều dư địa để cải cách thể chế, chính sách. Nhân cơ hội này, phải đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế”, chuyên gia Võ Đại Lược nói.
Cú sốc Covid-19 đang đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái nhanh hơn, nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cốt tử của phương thức kinh doanh cũ, gồm cả vấn đề phát triển và các rủi ro xung quanh chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng hưởng thêm tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, thì cấu trúc kinh tế thế giới sẽ còn có những biến đổi sâu sắc hơn nữa.
Bởi thế, nói như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây chính là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời. Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh…, nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch, mà dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh.
“Không thể lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.