Làn sóng đổ bộ của các nhà đầu tư F0

Chứng kiến năm 2021, thị trường bất động sản ở khắp nơi có nhiều chuyển động tăng giá lên nhanh chóng. Anh Nguyễn Thịnh, nhân viên văn phòng, Hà Nội cho biết: “Năm qua, nhiều người bạn của tôi đã giàu lên nhờ bất động sản thông qua việc bỏ vốn nhỏ, hoặc chung vốn với vài người bạn mua đất ở các khu vực xa thành phố. Chỉ trong vài tháng, mọi người đều thu về được khoản lãi gấp 2 – 3 lần so với số vốn ban đầu”.

Cũng theo anh Thịnh, nếu chỉ đi làm và tiết kiệm thông thường mà không đầu tư thêm các lĩnh vực khác thì rất khó để có thể có khoản tiết kiệm dự phòng cho tương lai, nhất là khi giá cả ngày càng tăng cao mà thu nhập từ việc đi làm lại khá ít ỏi. 

“Theo tôi quan sát, năm nào sau Tết Nguyên đán giá đất cũng có xu hướng tăng, do đó, cận Tết là thời điểm thích hợp để mua bất động sản đợi ra Tết chốt lãi nhanh chóng.”, anh Thịnh cho hay.

Khá hứng thú với lĩnh vực đầu tư này, anh Thịnh không ngần ngại dồn hết số tiền tiết kiệm gần 2 tỷ đồng trong 8 năm qua của gia đình để về các vùng ven tìm kiếm cơ hội và đầu tư sinh lời. Sau thời gian tìm kiếm, anh đã mua được mảnh đất tại Ba Vì (Hà Nội) với mức giá hơn 2,2 tỷ đồng, rộng 1.200m2, số tiền còn thiếu anh chấp nhận vay thêm ngân hàng.

Chị Thu Hà, một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội cho biết, chị vừa quyết định rút nguồn tiền từ kênh đầu tư chứng khoán để mua một mảnh đất tại vùng Thạch Thất (Hà Nội) với mức giá 3 tỷ đồng, rộng hơn 100m2 để chờ cơ hội đón sóng đầu năm.

“Hiện tại, dịch bệnh còn quá phức tạp khiến cho việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đang trên đà tụt dốc sẽ có nhiều rủi ro trong thời gian tới. Vì vậy, để bảo toàn nguồn tiền, tôi đã rút bớt tiền và giữ lại một phần ở những cổ phiếu vùng an toàn, có tiềm năng. Phần lãi tôi rút toàn bộ để mua đất bảo toàn số tiền này và chờ cơ hội bất động sản tăng giá dịp ra Tết”, chị Hà chia sẻ.

Tương tự, chị Minh Giang (Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), đầu năm 2021, chị bắt đầu trở thành F0 tham gia thị trường bất động sản, mua một mảnh đất tại Hoài Đức, Hà Nội. Sau 3 tuần, chị sang tay cho người khác chênh được 200 triệu đồng. Nhờ vậy, mà chị đặt nhiều niềm tin vào thị trường bất động sản, nhất là dịp trước và sau Tết nguyên đán. 

Mới đây, chị đã chốt mua một bất động sản tại khu vực Thạch Cầu (Long Biên, Hà Nội) với kỳ vọng vào quy hoạch sắp tới sẽ giúp tăng giá, sang đầu năm mới nếu được giá chị sẽ bán ngay.

Làn sóng F0 đổ bộ về thị trường bất động sản dịp cuối năm
Làn sóng F0 đổ bộ về thị trường bất động sản dịp cuối năm

Nhà đầu tư F0 hết sức cẩn trọng rủi ro

Thực tế là "cơn sóng ngầm" từ các nhà đầu tư F0 đã gia tăng cường độ từ vài năm trước. Nhất là từ đầu năm 2021, nhóm đầu tư mới này đã làm cho một số khu vực trở nên nóng sốt. 

Nhận định từ các chuyên gia bất động sản, nhà đầu tư F0 dựa nhiều vào cảm quan cá nhân để đoán định thị trường, nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng, không có ý định sở hữu tài sản lâu dài. Đây được coi là nhóm nhà đầu tư rất hồ hởi vào thị trường, nhất là trước thời điểm thị trường ấm lên.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản vẫn chịu áp lực tăng giá, nhưng không phải vì tăng lượng nhà đầu tư F0, mà cơ bản là bởi nguồn cung thấp, chi phí giải phóng mặt bằng tăng, lãi suất ngân hàng quá thấp, giá nguyên vật liệu, thiết bị tăng “phi mã”…

Tuy nhiên, ở góc độ lý giải thế nào thì vẫn là nhu cầu tăng sẽ đẩy giá tăng theo. Việc các nhà đầu tư F0 tăng lên chắc chắn là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản tăng nhiệt. Trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư mới tiếp tục đổ xô mua nhà đất, bất chấp quy luật giá thành, không loại trừ khả năng sốt đất sẽ lại xảy ra.

Theo chuyên gia của Colliers Việt Nam, có những nhà đầu tư thu được lợi nhuận từ chứng khoán, vàng... rồi trở thành nhà đầu tư F0 ở lĩnh vực bất động sản. Họ vào thị trường lúc “nóng sốt” và khá nhiều người đã thắng đậm.

Khi bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, thị trường ghi nhận xu hướng chuyển dịch bất động sản từ trung tâm nội đô ra vùng ven, hoặc các địa phương lân cận, nơi có sẵn hệ thống hạ tầng đồng bộ. Điều này kéo theo không ít nhà đầu tư F0 tham gia thị trường nhằm tận dụng lợi thế giá “mềm”, chính sách bán hàng ưu đãi và tầm nhìn quy hoạch từ các địa phương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây vẫn là “cuộc chơi” đầy rủi ro với những người mang tâm thế muốn "đánh nhanh thắng nhanh", trong khi bất động sản sẽ có diễn biến khác nhau ở từng khu vực, từng thời điểm, chưa kể những tác động khó lường như đại dịch.

Do đó, để tránh rủi ro, nhà đầu tư F0 cần quản lý dòng tiền của mình, tham khảo những người có kinh nghiệm để có lược đồ rủi ro và thanh khoản. Việc có một khoản tiền dự trữ phù hợp rất quan trọng, phòng khi không thể tìm ra người mua lại bất động sản. Nếu tình hình tài chính không ổn định, có thể chuyển hướng một cách thận trọng với mức đầu tư dè dặt hơn vào cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi cố định.

Cùng với đó, các nhà đầu tư F0 cần kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin của dự án, như uy tín của chủ đầu tư, tính pháp lý… Nhà đầu tư cũng cần trang bị kiến thức về nhiều thuật ngữ pháp lý trong hợp đồng để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, giai đoạn này, nhà đầu tư mới cần đặc biệt lưu tâm đến việc học hỏi từ những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm hơn kết hợp với việc quan sát thị trường.

“Tuy nhiên, nhà đầu tư F0 cũng luôn cần xác định dựa vào bản thân là chính, vì không ai có thể đầu tư thay cho mình. Từ đó, học được cách đánh giá bất động sản, tìm ra cơ hội mà người khác thường không nhận ra”, ông David Jackson nhấn mạnh./.

Theo Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/lan-song-f0-do-bo-ve-thi-truong-bat-dong-san-dip-cuoi-nam-20201224000009721.html