Trải qua 2 năm “đóng băng”, ngành du lịch trong thời gian gần đây đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Những nơi hút khách du lịch trong thời gian vừa qua, không thể không nhắc tới các “thủ phủ” Sa Pa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Thanh Hóa, Tây Ninh...

Dấu ấn khởi sắc của các điểm đến hàng đầu cho thấy, du lịch “ngủ đông” chỉ là tạm thời. Ngay khi “bình thường mới”, những nơi được đầu tư du lịch bài bản, chuyên nghiệp đang trở thành thỏi “nam châm” hút khách. 

Cơ hội cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng năm 2022

Tại hội thảo “Xung lực cho thị trường bất động sản (BĐS) du lịch - nghỉ dưỡng vùng duyên hải Bắc Bộ” tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, cơ hội cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển rất lớn. Do vậy, các bộ, ngành cần sớm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Khi thị trường du lịch khởi sắc thổi bừng sinh khí mới cho thị trường địa ốc. Trong đó phân khúc BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ bật tăng mạnh mẽ. Hội môi giới BĐS Việt Nam đánh giá, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng hấp dẫn đầu tư năm 2022, với vai trò tiên phong trong thúc đẩy đô thị hoá.

Giới chuyên gia cho rằng, các sản phẩm quy hoạch bài bản, đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn về môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín sẽ có tỷ lệ hấp thụ tốt. Về lâu dài, du lịch vẫn là kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, nên BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng được coi là “mỏ vàng”. Dự kiến, đến 2025-2030, Việt Nam sẽ đón trên 50 triệu khách quốc tế và gần 200 triệu lượt khách nội địa.

BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được kỳ vọng bật tăng mạnh mẽ trở lại trong năm 2022
BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được kỳ vọng bật tăng mạnh mẽ trở lại trong năm 2022

Theo báo cáo “Tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam năm 2022”, nhu cầu sở hữu nhà ở của người Việt Nam rất cao, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong khảo sát đưa ra thông tin rằng 61% người được khảo sát mong muốn sở hữu BĐS có không gian xanh, sân vườn. Dự báo, giai đoạn năm 2022 - 2025, bên cạnh những phân khúc BĐS truyền thống sẽ có sự nổi lên của những BĐS nghỉ dưỡng, sinh thái. Và xu hướng này càng hình thành rõ hơn khi nhiều DN BĐS lớn trong những năm gần đây đã có danh mục các dự án quy mô lên đến hàng nghìn héc ta và vốn đầu tư vài tỷ USD. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo.

"Các tổ chức quốc tế đều đánh giá, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển" - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính thông tin.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết thêm, BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ “nóng” trong năm 2022, phân tích: “Thị trường BĐS gắn với du lịch dưỡng bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô lớn, chức năng đa dạng, thay cho những dự án nhỏ lẻ, đơn độc. Những đại đô thị du lịch chất lượng rất cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư đang là hướng đi mới, là sự cơ cấu lại của phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng”.

Cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, vướng mắc

Như một tất yếu của nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, bất động sản du lịch đã từng bước “du nhập” vào thị trường Việt Nam, các sản phẩm bất động sản du lịch một mặt đã đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch, mặt khác đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà đầu tư khai thác và thu lợi nhuận.

Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý xoay quanh loại hình bất động sản này vẫn để lại nhiều vướng mắc cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Thực tế tư vấn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản có mong muốn đầu tư vào bất động sản du lịch cho thấy, pháp luật về bất động sản du lịch còn chưa đầy đủ, thống nhất, chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường.

Chính vì vậy, vô tình tạo nên tâm lý dè dặt, hoang mang cho các nhà đầu tư khi đầu tư thực hiện xây dựng, kinh doanh các dự án liên quan đến loại hình bất động sản này và cả người có nhu cầu sở hữu.

Các bộ, ngành cần sớm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Các bộ, ngành cần sớm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn.  Các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung quy định đối với công tác quản lý Nhà nước, trong Luật Kinh doanh BĐS 2014 tích hợp chặt chẽ giữa hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS, BĐS du lịch với vấn đề bảo vệ môi trường. Xây dựng tiêu chí, sản phẩm BĐS du lịch xanh; xác lập cơ chế đồng bộ, thống nhất về chính sách ưu đãi, khuyến khích chủ đầu tư kinh doanh tạo lập sản phẩm BĐS du lịch xanh hoặc lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS du lịch.

Ngoài ra, cũng cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch năm 2014 nhằm bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS du lịch thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia phân khúc thị trường BĐS du lịch.

Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho hay, các hình thức phát triển của BĐS du lịch nghỉ dưỡng ngày càng đa dạng nên phương pháp quản lý cũng phải đa dạng. Đại diện Bộ Xây dựng thông tin thêm, một số luật về đất đai, xây dựng, nhà ở đang được các bộ chức năng sửa đổi, bổ sung. Trong đó, về cơ sở pháp lý và vướng mắc đối với BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ được Bộ Xây dựng kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, để thị trường phát triển lành mạnh.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nam-2022-co-hoi-cho-phan-khuc-bds-du-lich-nghi-duong-phat-trien-rat-lon-20201231000006008.html