Dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng Công ty XNK V.A (tại KCN Vĩnh Lộc, TP.HCM) vẫn duy trì sản xuất, ổn định nguồn hàng xuất khẩu.
Các sản phẩm giá trị gia tăng từ thuỷ - hải sản của Công ty XNK V.A cung ứng gần 400 tấn mỗi tháng sang thị trường Nhật, Châu Âu, Úc, Mỹ, Hongkong, Trung Đông… đủ giải quyết việc làm ổn định cho 400 lao động.
Không chỉ vậy, trong quý I/2021, Công ty XNK V.A còn có mức tăng trưởng khá cao (29% doanh số), từ vị trí thứ 20 đã lọt vào top 10 DN XNK hải sản.
Để ổn định sản xuất, công ty đưa vào áp dụng các quy định phòng chống lây nhiễm dịch bệnh của Bộ Y tế ngay từ đầu. Ngoài ra, tại nơi làm việc, công ty cũng đưa ra một số quy định nhằm thắt chặt để phòng chống lây lan dịch bệnh.
“Tất cả các CB-CNV phải khai báo y tế và đo nhiệt độ mỗi ngày. Bộ phận y tế sẽ theo dõi lịch sử tiếp xúc, đi lại của mỗi nhân viên. Nếu có công việc riêng thì phải báo cáo, xin phép, khai báo, nhưng hạn chế tối đa đi lại. Cần thiết thì cách ly ngay", đại diện công ty nói.
Cũng như Công ty XNK V.A, đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, để đảm bảo vừa sản xuất kinh doanh vừa thực hiện tốt chống dịch Covid-19, Công ty đã thực hiện làm việc luân phiên chia nhóm. So với ngày thường tình hình sản xuất vẫn đạt tiến độ đề ra, đảm bảo cung ứng phân bón cho bà con đang chuẩn bị bước vào vụ Hè Thu cũng như bà con trồng cà phê.
Nhờ ứng phó linh hoạt trong công tác vừa phòng chống Covid-19 vừa ổn định sản xuất, năm 2020 Công ty CP Phân bón Bình Điền vẫn đạt mục tiêu: Sản lượng đạt 602.000 tấn, tổng doanh thu đạt 5.690 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng công ty mẹ đạt 115 tỷ đồng.
Việc những doanh nghiệp sản xuất lớn, có đầu ra ổn định, thì mối lo lắng nhất vẫn là sự lây nhiễm của dịch bệnh đối với CB-CNV. Lây nhiễm sẽ làm gián đoạn công việc sản xuất kinh doanh của công ty. Chính vì thế, những đơn vị này luôn đặt ra những quy trình làm việc khoa học cùng sự quản lý, giám sát chặt chẽ.
Không có thị trường ổn định như những công ty lớn, nhiều cá nhân, doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra cho sản phẩm do dịch bệnh.
Người nông dân Trần Nguyễn Hồ (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hiện đang duy trì 2 trang trại có diện tích rộng 3ha nuôi khoảng 200 nghìn con chim cút. Đây là trang trại nuôi chim cút có quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Hồ cho biết, mỗi ngày, trang trại cung ứng gần 200 nghìn quả trứng cút sang thị trường Nhật, giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động.
“Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra, giảm lợi nhuận, nhưng chúng tôi sẽ không chùn bước, quyết tâm duy trì mô hình nuôi chim cút thương phẩm đã gầy dựng hơn 20 năm qua. Mong Nhà nước khống chế dịch được sớm nhất”, ông Hồ nói.
Còn ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bê tông Minh Tâm tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, do chủ động được nguồn nguyên liệu, giữ uy tín với khách hàng nên trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, nhưng hoạt động của doanh nghiệp vẫn bình thường, đảm bảo có lãi, tạo việc làm cho hơn 100 công nhân lao động.
Gần đây, ông Nguyễn Minh Tâm còn mở thêm ngành nghề sản xuất, gia công kính cường lực phục vụ cho khách hàng ở khắp vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Minh Tâm phấn khởi cho biết, doanh nghiệp đón trước giá nguyên vật liệu lên cao, nhập hàng với lượng tồn kho lớn, thành ra doanh nghiệp đảm bảo được hợp đồng đã ký trước đó cũng như đảm bảo đời sống anh em công nhân.
Hiện tại doanh nghiệp cũng đang giảm giá thành, giảm lợi nhuận để tăng khách hàng, chất lượng thì lúc nào cũng đảm bảo.
"Mình vừa sản xuất vừa chống dịch, công ty trang bị đầy đủ các khẩu trang, y tế, cán bộ, nhân viên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ thường xuyên hàng ngày, làm sao cho an toàn tuyệt đối”, ông Tâm nói.
Tình hình dịch bệnh kéo dài đã tác động bất lợi đối với cuộc sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với phương châm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đang vượt khó khăn, tích cực chăm lo sản xuất, không chùn bước trước dịch bệnh.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các sản phẩm đầu ra có giảm sản lượng và lợi nhuận nhưng cũng duy trì và phát triển về chất.
Điển hình, nông dân tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục chăm sóc gần 80 nghìn hecta vườn cây ăn trái, hàng chục nghìn ha rau màu, nuôi 12 triệu con gia cầm, đàn gia súc hơn 300 nghìn con… vừa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh vừa phục vụ thị trường TP.HCM và các địa phương khác.
Ông Trần Văn Út, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, tại huyện Cái Bè, các cửa hàng, dịch vụ ăn uống đang thực hiện theo các quy định của tỉnh. Còn phát triển kinh tế nông nghiệp thì địa phương vẫn tạo điều kiện cho các điểm giao thương nhưng phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch.
Theo ông Út, để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh chưa lắng dịu, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh ở tỉnh Tiền Giang thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.
Không chỉ riêng Tiền Giang, mà trên cả nước, Chính quyền các địa phương đã xây dựng Kế hoạch Ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa; cũng như kịp thời chăm lo đời sống người dân nghèo, người thất nghiệp, những hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Có thể nói dù dịch bệnh đang bùng phát, gây sức ép lớn, bất lợi đối với đời sống, sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tinh thần đoàn kết, quyết tâm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Đảng bộ, chính quyền các địa phương tin rằng sớm đẩy lùi đại dịch, ổn định đời sống dân sinh.
Nguồn: https://congluan.vn/nhieu-doanh-nghiep-thuc-hien-muc-tieu-kep-vua-chong-dich-vua-phat-trien-kinh-te-post138302.html