Mặc dù chợ đầu mối đã xuất hiện ở nước ta từ lâu nhưng nó chưa thực sự phát huy được thế mạnh của mình, chủ yếu làm nhiệm vụ gom hàng là chính, còn thiếu nhiều điều kiện cơ bản để chợ có thể hoạt động một cách hoàn chỉnh. Điều này khiến cho chợ hoạt động một cách manh mún, nhỏ bé làm ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa cũng như môi trường.
Chưa kể, thị trường xuất hiện nhiều kênh phân phối hàng hóa hiện đại với những hình thức kinh doanh cải tiến, đem lại hiệu quả cao đã gây áp lực cạnh tranh đối với chợ đầu mối.
Ngoài ra, sau gần 10 năm đàm phán, chiều 30/6, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký kết. Việc hoàn tất đàm phán và ký kết 2 Hiệp định này mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt tại thị trường Châu Âu.
Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cùng lãnh đạo các hiệp hội, đơn vị của các nước, chợ đầu mối của Việt Nam cần phải có quy mô và kỹ thuật lớn. Như ở Hàn Quốc chợ đầu mối đã trở thành một trong những chợ có quy mô lớn nhất thế giới và hiệu quả sản xuất cao. Ngoài ra, khu chợ đầu mối này đi cùng với hệ thống đấu giá, như vậy, người nông dân mới có thể tự bán ra sản phẩm của mình với giá tốt.
Vậy làm cách nào để cải thiện vấn đề này, cũng như hiểu rõ hơn về vai trò của chợ đầu mối PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.
PV: Là một trong những chuyên gia có nhiều năm gắn bó và tâm huyết trong vấn đề xây dựng chợ đầu mối tại Việt Nam, theo ông, tại sao chúng ta phải có chợ đầu mối?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Vừa qua, tại cuộc hội thảo “Nông dân đi chợ thế giới” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức vào ngày 13/10/2019, trong Kỷ yếu hội thảo có một bài viết của lãnh đạo phòng Thương mại Hàn Quốc về khuyên Việt Nam phải có các chợ đầu mối.
Bằng những dẫn chứng cụ thể và sâu sắc, tác giả đã phân tích về nhiều cái lợi cho sản xuất và tiêu dùng của các chợ đầu mối ở Hàn Quốc mà chúng ta cần học tập. Đó là: Hàng hóa sau khi thu hoạch, nhất là hàng nông sản thực phẩm, thủy hải sản... nhất thiết cần phải gom vào các chợ đầu mối, đặt ở trong toàn quốc. Việc tổ chức này vừa quản lý được chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, vừa nắm vững cung cầu hàng hóa phục vụ cho từng địa bàn mà chợ đầu mối được phân công đảm nhiệm. Tất nhiên là các chợ đầu mối phải có đầu vào phục vụ là các vùng sản xuất lớn tập trung, sản xuất sạch để cung cấp hàng hóa cho chợ.
Điều lợi nữa là lợi nhuận trong chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến trao đổi, phân phối tiêu dùng được phân chia một cách tương đối hợp lý. Bài viết có đề cập tới ví dụ 1 kg rau sạch, trước đây người nông dân chỉ bán được 2.000 đồng/kg, sau khi tham gia chuỗi cung ứng cho chợ đầu mối đã bán được 7.000 – 8.000 đồng/kg. Giá rau đã tăng 3 - 4 lần trước đó.
Trước đây, những mớ rau sạch này vì không tham gia được vào chuỗi cung ứng ở chợ đầu mối hoặc các siêu thị thường bị thương lái không tử tế ép giá với một mức tương đương như rau không sạch.
PV: Chợ đầu mối của Hàn Quốc đã trở thành một trong những chợ có quy mô lớn nhất thế giới, hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản. Vậy so với chợ đầu mối của Việt Nam thì sao và chúng ta đang gặp những yếu kém nào trong việc phát triển chợ đầu mối?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Chợ đầu mối hiện đại ở Hàn quốc cũng như một số nước tiên tiến khác như Ý, Đức, Tây Ban Nha…, việc giao dịch buôn bán thông qua đấu giá công khai trên sàn giao dịch nằm trong từng chợ đầu mối. Đây là một mô hình mua bán rất minh bạch công khai và văn minh, trước hết đem lại lợi ích cho người sản xuất, sau đó cho cả người tiêu dùng xã hội.
Nhìn rộng ra, chợ đầu mối từng vùng còn là nơi thu hút các nhà đầu tư du lịch, kể cả mua lẻ ở siêu thị trong chợ đầu mối. Hệ thống hậu cần của chợ được tổ chức quy mô, văn minh và hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường và hiệu quả. Rác của chợ đầu mối được gom lại và cung cấp cho nhà máy điện rác, phục vụ ngược lại cho chính chợ đầu mối.
Còn ở Việt Nam thì sao, chúng ta có thể kể ra hàng chục chợ đầu mối trên toàn quốc đang hoạt động, nhưng kể cả những chợ khá lớn như Bình Điền - Thủ Đức ở phía Nam hay Đền Lừ - Minh Khai ở phía Bắc,… thì so với các chợ ở các nước trên thế giới còn rất nhỏ bé và còn thiếu nhiều điều kiện cơ bản để chợ có thể hoạt động một cách hoàn chỉnh. Chợ đầu mối Việt Nam chủ yếu làm nhiệm vụ gom hàng lại, có thể kiểm tra chất lượng sơ bộ và cung cấp cho các siêu thị, chợ nhỏ lẻ trong thành phố.
PV: Chúng ta nên làm gì để cải thiện tình hình chợ đầu mối ở nước ta, để nó có thể trở thành những chợ đầu mối lớn trong khu vực. Đồng thời, nó đem lại hiệu quả kinh tế không chỉ có Nhà nước mà còn cho người dân?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Riêng ở Hà Nội, cách đây hơn một năm, lãnh đạo thành phố cũng đã làm việc với các bạn Pháp, tham quan học tập một vài chợ đầu mối ở Pháp, đồng thời có những biên bản ghi nhớ để hỗ trợ Hà Nội xây dựng 1 chợ đầu mối phía Bắc có quy mô lớn. Tuy nhiên, thời gian đã trôi đi cho tới nay chưa có dấu hiệu của việc xúc tiến một cách mạnh mẽ ý tưởng tốt đẹp này. Nhìn những con lợn đã giết mổ, những tải rau được vận chuyển công khai , ít được kiểm soát thông qua các phương tiện chủ yếu là xe máy về trung tâm các thành phố lớn để phục vụ bán lẻ. Điều đó càng thôi thúc việc thiết lập các chợ đầu mối ở 3 miền Bắc, Trung, Nam của chúng ta.
Cái lợi thì cũng đã rõ, kinh nghiệm bạn đã làm và cũng sẵn sàng hỗ trợ, điều còn lại là chúng ta có quyết tâm đẩy nhanh việc quy hoạch, đầu tư cho các chợ đầu mối đó hay không? Trong đó cần có sự vào cuộc của Chính Phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và các tỉnh thành phố liên quan.
Chúng ta tin chắc rằng với xu thế phát triển của thời đại công nghiệp 4.0, đảm bảo chất lượng hàng hóa khi sản xuất chăn nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng xã hội thì sớm hay muộn, chợ đầu mối cũng phải được xây dựng. Đó là một yêu cầu tất yếu khách quan dù muốn hay không cũng phải làm. Hy vọng 3 - 5 năm nữa sẽ có một chợ đầu mối đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xã hội một cách hiện đại và văn minh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!