Cải tiến chữ viết
Đầu tháng 11, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt được PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đưa ra đã làm dấy lên luồng dư luận và ý kiến trái chiều từ nhiều phía.
GS cho rằng, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian.
Một số chuyên gia và nhà nghiên cứu ủng hộ nhưng đa phần, nhất là cư dân mạng đã phản đối kịch liệt, kèm theo những hình ảnh chế về sự kiện này.
Dù cho dư luận ném đã thậm tệ nhưng mới đây, tác giả Bùi Hiền tiếp tục công bố phần hai của bản cải tiến hệ thống chữ cái tiếng việt.
Tuy nhiên, bản cải cách chữ viết chỉ là công trình nghiên nghiên cứu khoa học của cá nhân và đề xuất nêu ý kiến. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ và Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ.
Giải thể phòng giáo dục
Là đề xuất của một giáo viên nhưng cũng gây xôn xao không kém việc cải cách chữ viết.
Theo thầy giáo Bùi Nam – Tác giả của đề xuất thì việc xóa bỏ các phòng giáo dục quận huyện sẽ tiết kiệm được ngân sách, đủ để thêm vào cho giáo viên giảng dạy một khoản tiền không nhỏ.
Hơn nữa, việc quá nhiều khâu trung gian trong các tổ chức hành chính sẽ mang nhiều bất cập và làm áp lực cho giáo viên giảng dạy.
Thầy giáo đưa ra bằng chứng cho thấy, các bộ phận thuộc phòng/sở GD chiếm khá lớn, có nỏi lên đến 27% nhân lực trong ngành giáo dục.
Đa phần ý kiến người dân ủng hộ, nếu theo tinh thần về việc cắt giảm, tinh gọn cho bộ máy biên chế thì đề xuất rất phù hợp.
Đề xuất này đang được xem xét lại và nếu thực hiện cũng sẽ không hoàn toàn loại bỏ phòng giáo dục mà sẽ thí điểm trước ở một số địa phương.
Bỏ Ban đại diện phụ huynh
Chưa bao giờ, việc lạm thu đầu năm lại ồn ào nhiều như năm 2017. Chính vì thế khi một vị phụ huynh học sinh tại TP.HCM gửi đơn kiến nghị giải tán hội cha mẹ học sinh.
Thậm chí, một số giáo viên đầu ngành đã cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã tiếp tay cho nạn lạm thu, làm ảnh hưởng đến uy tín của trường cũng như hoạt động của học sinh.
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Ban đại diện phụ huynh rất cần thiết để tạo sự liên kết giữ gia đình và trường trong việc giáo dục học sinh và bộ sẽ tăng cường thanh tra để những hội này không bị biến tướng.
Bỏ biên chế giáo viên
Giữa tháng 5, trong kỳ họp Quốc hội thường niên, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã cho ý kiến bỏ biên chế giáo viên để khắc phục tình trạng “chỉ có vào mà không có ra” và tạo sự nỗ lực phấn đấu công bằng cho mọi giáo viên.
Thay vì biên chế thì bộ GD&ĐT cũng sẽ chuyển viên chức, công chức sang hợp đồng lao động.
Trước đề xuất này, nhiều người đã phân tích những bất cập xảy ra và nhiều giáo viên cũng thấp thỏm lo lắng cho số phận của mình nếu nó được hiện thực hóa.
Tuy nhiên, đề xuất này mới chỉ là ý kiến chứ chưa có chủ trương bỏ biên chế. Câu chuyện giữ hay bỏ biên chế không quan trọng bằng việc đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan chất lượng quản lý giáo dục.
Bỏ tác phẩm “Chí phèo” khỏi chương trình giảng dạy
Đề xuất của tác giả Sóng Hiền về việc loại bỏ tác phẩm kinh điển này khỏi sách giáo khoa Ngữ văn 11 đã tạo nên một làn sóng tranh luận không kém đề tài khoa học cải cách chữ viết.
Theo tác giả Sóng Hiền, tác phẩm “Chí Phèo” không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục. Ngược lại, nó có thể tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh” như đâm cướp, chém giết vì thế không nên để trong chương trình giảng dạy.
Sau khi đề xuất được một trang báo đăng tải, dư luận đã dậy sóng mạnh mẽ. Hầu hết, mọi ý kiến đều không đồng tình với đề xuất.
Góc nhìn của tác giả Sóng Hiền chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, thể hiện cái nhìn quá hiện đại. Rút cục câu chuyện đưa ra cũng chỉ để giáo huấn học sinh đi vào đường tốt.
Nhờ sự dẫn dắt, giảng giải, định hướng của giáo viên, học sinh sẽ hiểu tác phẩm đúng với hoàn cảnh ra đời và lịch sử của nó. Tác phẩm này vẫn mang những giá trị hiện thực và nhân đạo rất sâu sắc.