Hiểu đúng về các nhóm chất dinh dưỡng
Hiểu đúng về các nhóm chất dinh dưỡng là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp người ăn kiêng biết cách chọn các loại thực phẩm theo nhu cầu của bản thân, đảm bảo vừa đủ năng lượng, khỏe mạnh mà không béo phì.
Cụ thể, có 4 nhóm chất dinh dưỡng chính, gồm nhóm chất bột đường (Gluxid/carbohydrat), nhóm chất béo (lipid), nhóm chất đạm và nhóm Vitamin - khoáng chất (bao gồm cả chất xơ).
1. Chất bột đường (carbohydrates) giữ vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mỗi gam 1g carbohydrat cung cấp 4 kcal năng lượng.
Carbohydrat có vai trò cấu tạo nên tế bào và các mô, hỗ trợ sự phát triển não, hệ thần kinh của trẻ và điều hòa hoạt động của cơ thể.
2. Chất béo (Lipid) giúp cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất, 1g chất béo cung cấp 9 kcal năng lượng và là nguồn dự trữ năng lượng (mô mỡ).
Chất béo cũng giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K và phát triển các tế bào não, hệ thần kinh của trẻ.
3. Chất đạm (Protid) là nguyên liệu xây dựng tế bào cơ thể, các cơ, xương, răng... đồng thời tạo dịch tiêu hóa, các men, các hormon trong cơ thể giúp điều hòa hoạt động của cơ thể, nguyên liệu tạo các kháng thể giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật.
Chất đạm còn có chức năng vận chuyển các dưỡng chất, điều hòa cân bằng nước và cung cấp năng lượng. Mỗi gam chất đạm cung cấp 4 Kcal năng lượng (tương đương với nhóm chất bột đường).
4. Còn khoáng chất, vitamin và chất xơ, mặc dù chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng cơ thể cần tới trên 20 loại vitamin và trên 20 loại khoáng chất cần thiết như can xi, Sắt, Kẽm, Iốt, Vitamin A, B (B1, B2, B6, B12, PP...), C, D, Axitfolic,... để cố thể vận hành một cách trơn tru.
Sau khi vào cơ thể, các thực phẩm thuộc nhóm carbohydrates có thời gian lưu lại bao tử ngắn nhất, tiếp đến là nhóm các protein (chất đạm) và lâu nhất là nhóm lipid (chất béo).
Quan điẻm sai lầm về ăn uống?
Dựa trên vai trò của từng nhóm chất dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên mọi người phải ăn đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể đủ chất. Trong đó, do chất béo cung cấp năng lượng ở mức cao hơn (1 gam chất béo cung cấp 9kcl, gấp 2 lần so với chất đạm hoặc tinh bột) nên thường được khuyên chỉ sử dụng ở mức độ hạn chế.
Không những vậy, khi cơ thể thừa năng lượng do lượng ăn vào cao hơn so với năng lượng đốt đi thì thường tích lại dưới dạng mỡ nên chất béo bị coi là nguyên nhân hàng đầu gây béo phì.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quan điểm này đã trở nên lỗi thời vì việc ăn quá nhiều tinh bột và đường mới là nguyên nhân chính gây béo phì và nhiều bệnh khác như tiểu đường, huyết áp cao,... và gián tiếp gây ra các bệnh khác như tim mạch, xương khớp, đột quỵ,... chứ không phải chất béo.
Đây cũng chính là quan điểm của những người theo phương pháp ăn kiêng kê tô.
Kê tô là gì?
Với cách ăn kiêng kê tô, người thực hiện có thể rau không hạn chế, protein và lipid có thể ăn ở mức giới hạn nhưng phải giảm tinh bột và đường (bao gồm cả đường trong hoa quả ngọt) đến mức tối thiểu mà tốt nhất là cắt giảm hoàn toàn.
Thông thường, khi thức ăn vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành các chất dễ hấp thụ và đi nuôi cơ thể. Trong trường hợp lượng đồ ăn nạp vào cơ thể vượt quá nhu cầu năng lượng hàng ngày thì số calo dư thừa sẽ được cơ thể tích trữ dưới dạng mỡ.
Không những thế, khi cơ thể quen với việc sử dụng năng lượng từ các loại thức ăn thuộc nhóm carbohydrates (tinh bột, đường) thì lượng mỡ khi đi vào cơ thể sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng mà liên tục được tích trữ lại. Điều này khiến nhiều người dù ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau nhưng nếu thiếu tinh bột và đường thì vẫn bị đói nên thường thất bại khi giảm cân bằng cách giảm tinh bột và đường trong khẩu phần ăn.
Khi ăn theo phương pháp kê tô, hàm lượng glucose trong máu sẽ bị hạ thấp, cơ thể sẽ tăng đưa axit béo từ mô mỡ tích trữ ra máu, đưa đến gan, chuyển hóa thành thể xe tôn, đưa đến các cơ quan để cho năng lượng, gọi là "đốt" mỡ.
Trạng thái tăng thể xê-tôn trong máu gọi là trạng thái ketosis, cũng là lý do vì sao phương pháp ăn kiêng này có tên gọi kê tô.
Bên cạnh đó, việc ngừng cung cấp tinh bột và đường sẽ khiến nồng độ insulin trong máu sẽ thấp, nhờ đó, toàn bộ quá trình chuyển hóa tạo mỡ mới, vì không bị insulin thúc giục, sẽ dừng lại và không tiếp tục tích mỡ như trước đó.
Đây cũng chính là lý do mà người ăn kiêng kê tô sẽ nhanh giảm cân hơn so với một số hình thức khác.
Những người mới theo phương pháp ăn kiêng kê tô có thể sẽ bị mệt mỏi, bải hoải, hoa mắt,... do chưa quen với cách ăn này. Thông thường, mọi người sẽ cần 6-8 tuần, để tế bào não, tim, cơ quen hoàn toàn với "lối sống" mới. Tuy nhiên, cũng có người không gặp cản trở gì.
Kê tô được coi là hình thức ăn kiêng phù hợp với hầu hết mọi người, tuy nhiên những người bệnh tim mạch, đường huyết,... nên xin ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng. Riêng những người bị bệnh gan cần tránh ăn theo phương pháp kê tô vì có nguy cơ hại gan.
* Bài viết tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là từ các tài liệu của bác sĩ, giảng viên Trọng Viễn.
Chất bột đường (carbohydrates) có trong các loại ngũ cốc, khoai củ: gạo, mì, bánh mì, nui, bún, miến, khoai lang, khoai môn, đường, bắp, bo bo, trái cây.... Chất béo (Lipid), có trong dầu, mỡ, bơ,... Chất đạm (Protid) có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành, tàu hũ... và một số loại rau giàu đạm như chùm ngây, rau chân vịt. Khoáng chất, vitamin và chất xơ có nhiều trong rau củ quả, các loại hạt và các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. |