Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, hiện nay cử tri phản ánh giá sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm 2020 - 2021 đã quá cao so với các năm trước đây, gây khó khăn cho học sinh nhất là học sinh các vùng nông thôn, miền núi.

Vì vậy, nhiều cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét, kiểm soát chặt chẽ về giá sách do các nhà xuất bản, phát hành SGK đưa ra.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có ý kiến trả lời như sau: Theo quy định của Luật giá 2012 và các văn bản hướng dẫn, SGK là mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính (là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giá), theo đó doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.

Bộ GD&ĐT: Sẽ có chính sách để kiềm chế giá sách giáo khoa tăng cao!
Ảnh minh họa

Trong thời gian vừa qua, để tránh tình trạng giá SGK tăng quá cao, ảnh hưởng đến phụ huynh và học sinh, Bộ GD&ĐT đã triển khai các nội dung liên quan đến quản lý giá SGK.

Như Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát phương án kê khai giá SGK lớp 1 của các nhà xuất bản, đã có nhiều văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản nghiêm túc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất để giảm tối đa giá SGK và không tăng giá nhằm mục tiêu bình ổn giá, hỗ trợ người học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ.

Sau 5-6 lần thực hiện rà soát, phương án kê khai giá SGK của các nhà xuất bản gửi Bộ Tài chính đã giảm so với lần đầu từ 5-18% theo giá bìa từng cuốn.

Việc sách giáo khoa vẫn cao hơn so với bộ sách cũ, do một số nguyên nhân khách quan như số đầu sách nhiều hơn so với bộ SGK cũ, cụ thể bộ sách mới thêm 5 môn học bắt buộc là Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nên các nhà xuất bản phải tính các các chi phí biên soạn, biên tập bản thảo, dạy thực nghiệm, chi phí nhuận bút lần đầu... vào giá SGK, trong khi bộ sách cũ không bao gồm các chi phí này, do được ngân sách nhà nước hỗ trợ;

Về quy cách chất lượng có thay đổi so với sách giáo khoa hiện hành (khổ sách lớn hơn, in màu nhiều hơn...).

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc diện đối tượng chính sách, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Học sinh hộ nghèo và cận nghèo đảm bảo tất cả học sinh có đầy đủ sách giáo khoa đến trường (Công văn số 1088/BGDĐT-KHTC ngày 27/3/2020 gửi các nhà xuất bản).

Đồng thời hiện nay, Bộ GD&ĐT đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến hết năm học 2020-2021.

Theo dự thảo Nghị định đã đề xuất mức hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo từ 100.000 đồng/học sinh/tháng (quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP) tăng lên 150.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK để hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn bộ SGK phù hợp.

Do SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa và tháng 7/2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ thực hiện đánh giá toàn diện, cụ thể những tác động của chính sách đề xuất để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9021/VPCP-KTTH ngày 29/10/2020, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tổng kết quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1, đánh giá những tác động về chủ trương xã hội hóa, về quản lý nhà nước trong quản lý sách giáo khoa, giá sách giáo khoa theo chức năng của Bộ GD&ĐT, từ đó đề xuất phương án quản lý sách giáo khoa trong thời gian tới cho phù hợp, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, sửa đổi Luật Giá theo quy trình sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Trinh Phúc/congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/bo-gddt-se-co-chinh-sach-de-kiem-che-gia-sach-giao-khoa-tang-cao-post121946.html