Buổi Giao lưu trực tuyến có sự tham gia của TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế tài chính; TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính Đại học Kinh tế Quốc dân; Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch HĐTV công ty luật Basico; Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng - NHNN; Ông Đặng Thanh Hùng -Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit -đơn vị đang nắm hơn 50% thị phần tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.

Tại buổi Giao lưu, TS. Cấn Văn Lực khẳng định Tài chính tiêu dùng là một phạm trù rộng bao gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, cho vay 1 phần chứng khoán, bảo hiểm… Đối với người dân, tài chính tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân, đặc biệt cũng làm cho quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.

Đối với DN, đặc biệt là DNNVV, có 2 tác động: Đáp ứng nhu cầu về vốn cho các DNNVV khó tiếp cận vốn; Giúp các doanh nghiệp này quay vòng đồng vốn thúc đẩy SXKD.

Đối với nền kinh tế, có 3 tác động: Tích cực phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt tiêu dùng cá nhân hiện chiếm 67-68% GDP; Góp phần phát triển thị trường tài chính; Góp phần giảm tệ nạn tín dụng đen.

TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực (Ảnh: CafeF)

“Về quy mô, vai trò của công ty tài chính, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng đến 30/6/2017 khoảng 744 nghìn tỷ chiếm 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ cho vay của các công ty tài chính khoảng 97 nghìn tỷ, chiếm 13% tổng dư nợ tiêu dùng, đóng góp việc làm cho xã hội, có khoảng 30 nghìn nhân viên trong các công ty tài chính.

Như vậy cho vay tiêu dùng có vai trò quan trọng là phần kết nối thị trường tài chính lớn và tiêu dùng cá nhân, tăng sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là giảm tín dụng đen”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Đồng ý với TS. Cấn Văn Lực, TS. Đỗ Hoài Linh cho rằng, tài chính chiêu dùng là một mảng lớn và trong đó có một phần rất quan trọng là tài chính cá nhân.

Tại Mỹ, tín dụng tiêu dùng được quan niệm là tất cả những khoản vay để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình (không bao gồm vay để mua nhà).

Hoạt động cho vay tiêu dùng rất phổ biến ở các nước phát triển. Chỉ trong vòng 20 năm từ 1996 đến 2016, dư nợ của mảng hoạt động nay đã tăng từ 1.200 tỷ USD lên 4.100 tỷ USD, tương đương 3,4 lần. Để đạt được kết quả này là sự nỗ lực trong một thừoi gian dài của rất nhiều bên như hệ thống pháp luật phải được cải thiện và ngày càng chặt chẽ; có sự ra đời của Ủy ban bảo vệ tài chính khách hàng; sự cố gắng của các nhà cung cấp dịch vụ… và quan trọng nhất là nhu cầu và nhận thức của người tiêu dùng về tài chính nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng.

Bà Linh cho rằng tại Việt Nam, cần xóa bỏ các lầm tưởng của người dân về tài chính tiêu dùng, để hoạt động này đến được với người dân và xã hội.

Theo bà Linh, việc hiểu sai này đến từ việc thông tin về tài chính tiêu dùng tới người dân còn yếu và còn thiếu. Do đó cần có những giải pháp ngắn hạn thực hiện song hành với giải pháp dài hạn để thay đổi quan niệm của người dân về loại hình hoạt động này.

Có rất nhiều loại hình đa dạng như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, hiệp hội tiết kiệm và cho vay, công ty bảo hiểm nhân thọ, các tổ chức tài chính vi mô, công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company), Trung tâm thương mại (rent to own centers)…

Cũng tham gia buổi giao lưu, ông Đặng Thanh Hùng - Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit cho biết, những người có thể vay từ các công ty tài chính là nhóm khách hàng không có khả năng vay từ Ngân hàng, tức những khách hàng có thu nhập trung bình và thấp (3- 7 triệu). Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần có giấy tờ căn bản như CMND, hộ khẩu và 1 số giấy tờ chứng minh thu nhập (HĐ làm việc, hóa đơn điện thoại…). Giá trị khoản vay không cao (3-10 triệu) để mua sản phẩm tiêu dùng. Ngoài ra, đối với vay tiền mặt và thẻ tín dụng thì FE Credit cũng cấp hạn mức từ 20 – 70 triệu.

Ông Đặng Thanh Hùng

Ông Đặng Thanh Hùng -Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit (Ảnh: CafeF)

Trả lời cho câu hỏi “Công ty tài chính tiêu dùng hoạt động theo các cơ sở pháp lý nào?”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng - NHNN cho biết Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng hoạt động theo các cơ sở pháp lý:

- Luật các tổ chức tín dụng 2010

- Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07/5/2014 của Chính phủ về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính (Nghị định số 39).

- Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

- Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư số 43).

- Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Cũng ở góc độ Pháp lý, LS Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico - cho biết, nếu hiểu chặt chẽ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì lãi suất cho vay không quá 20%/năm. Tuy nhiên, những năm qua cũng như tại thời điểm hiện nay, thì đang được hiểu rằng tổ chức tín dụng, trong đó có công ty tài chính tiêu dùng, được phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận mà không bị giới hạn mức trần 20%/năm.

“Theo quy định tại khoản 3, Điều 9 về “Lãi suất cho vay tiêu dùng”, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN thì Công ty tài chính phải dựa vào cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng (lãi suất cao nhất và thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng), các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính”, LS Trương Thanh Đức khẳng định.

Cùng quan điểm với LS Trương Thanh Đức, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, các quy định của NHNN, thông tư 43 đã quy định rõ về trách nhiệm của các công ty tài chính. Các công ty tài chính phải thực hiện theo thông tư 43 và phải công khai, minh bạch. NHNN thông qua giám sát và phối hợp với các công ty tài chính để làm rõ nguyên nhân của các phản ánh của người dân và đảm bảo lợi ích của phía khách hàng của các công ty tài chính.

 

 

Theo Reatimes.vn