Mới đây, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đã công bố báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 ước đạt 6,9 – 7%. Tuy nhiên, GDP là Tổng sản phẩm quốc nội, tính cả giá trị hàng hóa của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi, thu nhập quốc dân – GNI, chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của nước ta lại không cao như mong đợi.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Trinh, Chuyên gia kinh tế.
PV: Thưa TS, ông đánh giá sao về Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 ước đạt 6,9 – 7%?
TS Bùi Trinh: Nhìn vào báo cáo này thì có thể thấy đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm thuỷ sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế, tổng sản phẩm nội địa, tức tổng sản phẩm quốc nội hay GDP là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra của nước ta trong một năm. Trong khi, GNI - chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của Việt Nam lại chiếm tỷ lệ không cao và đây lại là chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia. Ví dụ, lợi nhuận của một công ty Mỹ hoạt động tại Việt Nam sẽ được tính vào GNI của Mỹ, nhưng cũng được tính cả vào GDP của nước ta.
Chúng ta “đừng mê cuồng tăng trường GDP”, phải hiểu giá trị tăng trưởng thực sự nước ta là gì. Đừng tự hào GDP tăng trưởng 7%, vì tiền của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ khá cao.
TS. Bùi Trinh - chuyên gia kinh tế.
PV: Ông nói GNI của nước ta không cao, vậy ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
TS Bùi Trinh: Theo Tổng cục Thống kê, khu vực FDI đã tạo ra khối lượng lợi nhuận rất lớn, chiếm khoảng 48% tổng lợi nhuận khu vực doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam và nó đang hoạt động có hiệu quả trong nền kinh tế. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp FDI đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng công nghiệp cũng như vào nền kinh tế. Trước đó một năm, trong sản xuất công nghiệp, chỉ riêng 2 doanh nghiệp lớn đó là Samsung và Formosa đóng góp khoảng hơn 46% vào mức tăng chung của khu vực công nghiệp cả nước. Xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo số liệu điều tra cho thấy, giai đoạn 2011-2016, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực ngoài quốc doanh trong nước hơn 181%. Lợi nhuận này của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là lợi nhuận đã khai báo với cơ quan thuế, tức là lợi nhuận sau khi đã trừ đi các khoản chi phí nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu (có thể còn bị nâng giá trị (chuyển giá) để làm giảm lợi nhuận, tránh thuế thu nhập doanh nghiệp), thực tế lợi nhuận của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài so với lợi nhuận của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có thể còn cao hơn khá nhiều.
Trong khi, thuế và các khoản nộp ngân sách (bao gồm cả thuế gián thu và trực thu) của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ bằng 81% khu vực ngoài Nhà nước. Khoản thuế gián thu về bản chất không phải của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp vào ngân sách, mà đấy chính là khoản người dân Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua tiêu dùng sản phẩm của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khoản thuế không bao gồm thuế gián thu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nộp vào ngân sách chỉ bằng 51% khu vực ngoài Nhà nước.
PV: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế của đất nước và nó chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Vậy sẽ xảy ra tình trạng gì khi luồng tiền của các đơn vị này chuyển về nước họ thưa ông?
TS Bùi Trinh: Chúng ta có thể thấy GDP dù có tăng trưởng cao 7% hoặc hơn thế thì dân Việt Nam được gì? Lợi nhuận của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài họ có thể chuyển về nước họ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2017, luồng tiền ra khoảng 10,6 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 5% GDP, tăng 28% so với năm 2016 theo giá hiện hành và tăng gần 24% so với năm 2016 nếu loại trừ yếu tố giá. Như vậy, tốc độ tăng của luồng tiền ra cao hơn tăng trưởng GDP khá nhiều (hơn 3 lần).
PV: Mặt trái đằng sau việc tăng trưởng GDP ở nước ta hiện nay là gì thưa ông?
TS Bùi Chinh: GDP nhìn từ phía cầu cuối cùng bao gồm tiêu dùng của hộ gia đình, tiêu dùng của Nhà nước, tích lũy gộp tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Khi tín dụng tăng sẽ tăng tiêu dùng cá nhân, đương nhiên làm tăng GDP, nhưng gây rủi ro về nợ xấu và lạm phát. Tiêu dùng nhà nước tăng cũng làm tăng GDP nhưng rủi ro về bội chi ngân sách. Cụ thể, theo số liệu trong website của Bộ tài chính, trong phần “công khai quốc tế” cho thấy, số liệu ước tính 9 tháng đầu năm 2018 chi thường xuyên hơn 79% tổng chi và 82% tổng thu, bội chi ngân sách giảm do không tính phần trả nợ gốc vào bảng cân đối ngân sách. Về thặng dư thương mại, Việt Nam có được thặng dư thương mại hoàn toàn do khu vực FDI, khu vực này trong suốt nhiều năm qua luôn có thặng dư thương mại ngày càng cao và khu vực trong nước thặng dư thương mại luôn âm và ngày càng âm sâu hơn.
Như vậy, một trong những nút thắt của nền kinh tế chính là sự mê cuồng tăng trưởng GDP.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!