Clip: Giáo viên Trường THCS Thái Thịnh trong một buổi ghi hình bài giảng trực tuyến.
Tập dượt dạy học từ xa
Trong thời gian học sinh nghỉ phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virrus corona, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn tiến hành giao và chữa bài trực tuyến đối với các môn Toán, Văn, Tiếng Anh theo từng khối.
Thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng nhà trường cho hay, việc này nhằm giúp học sinh không quên kiến thức, sẵn sàng trở lại với nhiệm vụ học tập khi có thông báo trở lại trường.
“Việc ghi hình giải đáp bài tập trước đây một số giáo viên đã tự làm rải rác với nhóm kín của lớp. Nhưng từ đầu tuần này, phụ huynh và học sinh tải phiếu bài tập các môn Toán, Văn, Anh các khối lớp 6,7,8,9 tại website của trường để làm. Sau đó nhà trường tổ chức ghi hình phần chữa và thông báo chi tiết thời gian chữa bài để học sinh theo dõi”.
Học sinh được giao 3 ngày hoàn thành 1 phiếu. Nhà trường thống nhất phiếu bài tập các môn Toán, Văn, Anh được phát theo khối lớp. Cứ 3 ngày trường lại tổ chức ghi hình 12 video hướng dẫn, chữa bài cho các khối 6,7,8,9.
“Như vậy, học sinh có thời gian làm bài mà giáo viên cũng đủ thời gian để chuẩn bị ghi hình. Các thầy cô sẽ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công. Về kỹ thuật và máy móc, chúng tôi kêu gọi sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của cha mẹ học sinh”, thầy Cường nói.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội), cho hay khi học sinh nghỉ học, nhà trường cũng đã chỉ đạo giáo viên giao bài tập về nhà các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh cho học sinh qua phần mềm VioEdu. Qua đây, giáo viên cũng có thể kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học sinh.
“Trong thời gian này, nhà trường cũng triển khai hình thức học tập trực tuyến VNPT E-learning tới toàn bộ cán bộ giáo viên. Hình thức này cũng rất thuận lợi khi giáo viên có thể tổ chức được các lớp học online. Học sinh có thể sử dụng nhiều loại thiết bị học tập như Ipad hay máy vi tính để có thể truy cập vào bài giảng của giáo viên. Giáo viên cũng có thể đưa những bài giảng giải đáp những thắc mắc”, bà Hạnh nói.
Còn giáo viên của Trường Phổ thông liên cấp Wellspring (Hà Nội) đã thu được những kinh nghiệm dạy học trực tuyến nhất định sau những tuần học sinh không tới trường.
Để duy trì thói quen và nề nếp của học sinh cũng như hỗ trợ phụ huynh giúp con học tập, sinh hoạt có kế hoạch tại nhà, trường đã đưa ra thời khóa biểu online cho các môn học trên các hệ thống như Email, Google Classroom, Facebook Social Learning, Microsoft Office 365 Teams, Edmodo…
Các nền tảng, công cụ này được sử dụng tùy theo tình hình thực tế cấp học và bộ môn. Qua đó, giáo viên giảng dạy, gửi tài liệu, giải đáp, hướng dẫn, tương tác các bài học online với học sinh cũng như chấm chữa bài, đánh giá qua hệ thống theo khung thời khóa biểu hàng ngày.
Riêng với cấp tiểu học, do học sinh còn nhỏ nên cần tới sự hỗ trợ của phụ huynh. Các giáo viên đã hướng dẫn phụ huynh và học sinh cách tương tác, thời gian giao và trả bài. Ngoài ra, thầy cô cũng trực tiếp trao đổi với học sinh qua các công cụ giao tiếp trực tuyến như Messenger, Skype…
Thời gian này, các trường học ở Đà Nẵng cũng tính tới chuyện kết nối với học sinh qua trực tuyến.
Ở một số trường tiểu học, THCS - giáo viên giao bài cho các em thông qua các phần mềm dạy học hay Facebook, Zalo, email...
Tại Trường TH Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) các giáo viên chuẩn bị phông vải xanh như một studio thu nhỏ để ghi hình giảng bài. Kiến thức của từng bài học được các giáo viên dùng điện thoại ghi lại.
Mỗi khối lớp sẽ có 6 giáo viên cùng thực hiện bài học, theo sự phân công, gồm các công đoạn: soạn bài, thu tiếng, quay phim, dựng video, cắt âm thanh.
Bên cạnh đó, nhà trường còn kết hợp mềm powerpoin để soạn bài giảng, đưa lên mạng cho học sinh tự ôn bài ở nhà.
Cô Huỳnh Thị Thanh Hòe, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết bài học online hướng đến việc giúp các học sinh ôn tập kiến thức hiệu quả, đặc biệt là kiểm soát việc tự học của các em.
Tương tự, ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Thanh Khê) các giáo viên tập trung soạn bài giảng, sau đó đưa lên cổng thông tin điện tử của nhà trường.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết các đường dẫn bài giảng trường sẽ gửi trực tiếp về phụ huynh rồi tới học sinh. Bên cạnh đó, các lớp còn lập nhóm ở Facebook và Zalo để thuận tiện trao đổi.
Anh Nguyễn Tuấn, một phụ huynh của trường bày tỏ ủng hộ cách làm bày bởi theo anh “nếu các cháu nghỉ quá lâu thì sẽ rất dễ bị quên kiến thức. Bên cạnh đó phụ huynh cũng có thể theo dõi quá trình học của con thông qua bài giảng nhà trường gửi về".
Theo ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, để giảm ảnh hưởng khi học sinh nghỉ dài ngày, Sở đã gửi công văn đến tất cả các trường, giới thiệu hệ thống học tập trực tuyến, hệ thống giao bài tập về nhà và kho dữ liệu bài giảng điện tử của các nhà cung cấp dịch vụ có uy tín. Các ứng dụng này được cung cấp miễn phí hoàn toàn trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Còn tại Hải Phòng, mới ngày hôm qua - 11/2- Sở GD-ĐT tổ chức “Hội nghị triển khai các ứng dụng về chỉ đạo, điều hành và phương pháp giúp học sinh tự học trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo”.
Kênh học tập trực tuyến được tải về máy tính, điện thoại thông minh sẽ giúp các thầy cô giáo và học sinh các trường học trên địa bàn thành phố duy trì hoạt động dạy - học, tìm kiếm thông tin ngành học trong điều kiện hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người trong thời gian dịch bệnh.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết trong thời gian ngắn, mọi thứ đã sẵn sàng, một số trường đã cài đặt và dùng thử hệ thống điều hành cũng như hệ thống đào tạo, dạy học, giao bài qua mạng. "Tuy nhiên, khi triển khai toàn thành phố, sẽ có một lượng lớn phụ huynh học sinh quan tâm, cũng như nội dung học tập rất lớn được truyền tải qua mạng nên ngành giáo dục thành phố cần đảm bảo việc học tập được xuyên suốt", ông Hải nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT hiện có kho dữ liệu gồm 5.000 bài giảng điện tử E-Learning, đóng góp trên Hệ tri thức Việt số hóa, được tuyển chọn trong các cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng E-Learning do Bộ tổ chức. Kho dữ liệu này có bài giảng của các cấp học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT. “Đây là nguồn học liệu phong phú, đề nghị các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, lựa chọn những bài giảng phù hợp và hướng dẫn học sinh học tham khảo”, ông Hải nói.
Học trực tuyến khó đạt được hiệu quả bằng trực tiếp
Mặc dù nhiều địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, nhưng sau một thời gian, không ít phụ huynh, thậm chí cả các giáo viên đã nhận thấy những hạn chế trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, từ điều kiện cơ sở vật chất, kỹ năng sử dụng của cả thầy lẫn trò cho đến hiệu quả thực chất.
Theo cô Nguyễn Thu Ngân, giáo viên chủ nhiệm lớp 2Q2 Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, khó khăn gặp phải là không phải phụ huynh, gia đình nào cũng có máy tính cho con. Ngoài ra, việc học trực tuyến đòi hỏi phụ huynh phải kiểm soát việc và thời gian con làm bài trên máy tính. Nhiều trường hợp, giáo viên phải gửi bài tập qua email, zalo để phụ huynh hỗ trợ con bằng việc in ra giấy.
“Việc học trên lớp có hiệu quả tốt hơn nhiều so với hình thức này vì cô và trò được trao đổi trực tiếp với nhau. Còn với việc học trực tuyến ở nhà, trẻ sẽ phải nỗ lực tự học rất nhiều bởi các em chỉ xem bài giảng và qua đó nắm bắt kiến thức”.
Cô Nguyễn Thị Lê Hà tổ trưởng chuyên môn khối 1 của Trường TH Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, soạn bài giảng trực tuyến khiến các thầy cô mất nhiều công sức khi phải kết hợp nhiều thứ, không như đứng dạy ở lớp.
“Các thầy cô phải chuẩn bị chân máy để quay video không bị rung, rồi dựng hình ảnh, chỉnh âm thanh... công việc này tự mò mẫn nên tốn thời gian”, cô Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, theo cô Ngân, hình thức này sẽ phát huy ưu thế và thuận lợi hơn cho việc giao bài cho học sinh hằng ngày. “Nếu như trước đây, cô giáo giao bài và phải hướng dẫn rất tỉ mỉ cho học sinh, thì giờ qua các ứng dụng học trực tuyến, cô chỉ cần giao bài và học sinh chỉ cần đăng nhập vào tài khoản. Như vậy, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm thời gian hơn”.
Các giáo viên của Trường Phổ thông liên cấp WellSpring (Hà Nội) lại chia sẻ khó khăn lớn nhất khi triển khai học trực tuyến với cấp tiểu học là học sinh còn nhỏ và chưa tự chủ về thiết bị nên nhiều khi không online đúng giờ để theo dõi đầy đủ tiết học. Vì vậy, giáo viên phải giảng lại cho những em tham gia muộn. Chưa kể, đường truyền mạng của mỗi gia đình là khác nhau nên đôi lúc có thể bị gián đoạn, khó nghe khiến học sinh khó tập trung…
Ở cấp THPT, sự tự giác và khả năng làm chủ công nghệ của học sinh tốt hơn. Do đó, các giáo viên chỉ gặp vấn đề trong việc bị giới hạn giáo cụ trực quan và phối hợp cùng lúc với nhiều học sinh qua mạng do sự hạn chế của các công cụ online. Để khắc phục điều này, nhiều giáo viên đã chủ động quay clip hướng dẫn học sinh tại phòng thí nghiệm và biên tập tài liệu môn học một cách chi tiết hơn để học sinh có thể chủ động nghiên cứu tại nhà.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh cũng cho hay trường nhận được sự phản hồi của phụ huynh về việc học sinh còn nhỏ nên khi giao máy tính, các con không tập trung vào học nhiều. Quản lý con học trực tuyến cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn...
Còn đối với phụ huynh, “Thực ra là học cho vui, cho con “có việc khỏi ngồi không” trong những ngày nghỉ. Bởi tôi nghĩ ôn tập kiến thức thì được chứ với kiến thức mới e rằng với học sinh nhỏ không mấy hiệu quả”, phụ huynh một trường tiểu học tư ở Hà Nội chia sẻ.
Anh Hoàng, một phụ huynh Trường Tiểu học Newton (Hà Nội), thì bày tỏ sự bất cập với việc học trực tuyến đối với học sinh quá nhỏ: “Con không thể tự thực hiện các thao tác nên trường yêu cầu phụ huynh hỗ trợ chụp ảnh, quay clip trả bài. Con nghỉ học nhưng bố mẹ vẫn đi làm cả ngày nên phải thực hiện những việc này, tôi thật sự mệt mỏi”.
Một phụ huynh có con học lớp 1 của Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, để rèn cho HS không lơ là việc học - cô giáo sẽ kết nối với phụ huynh qua email cá nhân. Mỗi hôm cô sẽ gửi phiếu bài tập Tiếng Việt và Toán để phụ huynh kèm con ở nhà, trong thời gian nghỉ.
Tuy nhiên, cũng theo vị phụ huynh này, đây chỉ là giải pháp để con rèn kỹ năng viết chứ không được bài bản như chương trình học trên lớp...
Nhiều phụ huynh được hỏi bày tỏ mong muốn dịch bệnh sớm được khống chế để việc học tập của các trường được trở lại bình thường, bởi họ không thể ở nhà hỗ trợ con học trực tuyến mãi được.
Có thể thấy, dù còn bộc lộ nhiều hạn chế khi dạy học từ xa cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng các cơ sở giáo dục đã chủ động tìm các giải pháp để tăng cường chuyên môn cho giáo viên. Đây cũng là dịp xem xét giải pháp học tập hiện đại trong môi trường giáo dục phổ thông sao cho hiệu quả.
Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc vừa có khen thưởng đột xuất một hiệu trưởng về việc tổ chức dạy học trực tuyến trong chiến dịch phòng chống dịch nCoV.
Cụ thể, Quyền Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến đã trao giấy khen cho thầy Đào Chí Mạnh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) với thành tích xuất sắc trong việc chủ động, sáng tạo, hỗ trợ tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến miễn phí cho học sinh trong thời gian nghỉ học.
Ngay sau khi có thông báo học sinh được nghỉ học, trường đã gửi tin nhắn tới 100% phụ huynh về kế hoạch hướng dẫn ôn tập cho học sinh thông qua hệ thống trực tuyến của trường. Hiện nay, trường đang sử dụng 2 kênh học trực tuyến là hệ thống Vio.edu.vn và kênh của riêng nhà trường là Eteachers.edu.vn.
Hiện, trên cả 2 hệ thống có rất nhiều học sinh tham gia, con số lên tới gần 1.000 và tăng lên hàng ngày. Thầy Mạnh cũng đã trực tiếp tập huấn cho các thầy cô cốt cán và huy động các thầy cô cùng tạo bài giảng, ra đề kiểm tra cho học sinh. Và hiện nay 100% học sinh tham gia được học tập miễn phí.
Cẩm nang phòng chống nCoV trong trường học
Hiện nay Bộ GD-ĐT đã đăng tải cẩm nang phòng chống nCoV trong trường học lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, lên hệ thống Tri thức Việt số hóa và cơ sở dữ liệu của ngành tới tài khoản của tất cả các trường mầm non và phổ thông trên cả nước nhằm phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm phòng chống nCoV tới tất cả các nhà trường, qua đó phổ biến đến giáo viên và học sinh các biện pháp phòng chống dịch bệnh nCoV hiệu quả.