Hơn một tháng sau khi vắc xin COVID-19 Pfizer/BioNTech đầu tiên được phê duyệt cũng như được triển khai tiêm chủng, ít nhất 4 vắc xin nữa đã được chấp thuật sử dụng. Tuy nhiên, nguồn cung vắc xin thiếu hụt đang đe dọa đến chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
Thiếu hụt nguồn cung vắc xin COVID-19
Ngày 2/12, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp giấy chứng nhận sử dụng khẩn cấp cho vắc xin của Pfizer/BioNTech. Sau đó lần lượt vắc xin của Moderna, AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm cũng có được giấy phép để triển khai tiêm chủng trên diện rộng.
Chưa dừng lại ở đó, một số ứng viên vắc xin COVID-19 mới cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm ở các cấp độ, với những tín hiệu khá lạc quan và điều này sẽ mang lại hy vọng có thể một vài vắc xin mới sẽ được cấp phép.
Trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, khiến gần 100 triệu người nhiễm bệnh và hơn 2,1 triệu ca tử vong trên thế giới, vắc xin COVID-19 xuất hiện thắp lên hy vọng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Tuy nhiên, sự lạc quan vừa mới được nhen nhóm ấy lại nhanh chóng bị phủ bóng bởi nỗi lo về cách thức phân phối, khi hầu hết các quốc gia giàu có giành mua phần lớn vắc xin từ các công ty dược phẩm.
Ngày 8/1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ sự lo ngại về chủ nghĩa dân tộc vắc xin trong một thông báo rằng, nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa tiếp cận được nguồn cung cấp vắc xin. Đồng thời, ông kêu gọi các quốc gia giàu có chấm dứt các thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất.
Nỗi lo của ông Tedros mới đặt ra đã nhanh chóng bị “lỗi thời”, bởi ngay cả những đơn đặt hàng từ các quốc gia giàu có như Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu… cũng đứng trước nguy cơ không được cung cấp theo dự kiến.
Đầu tháng 1/2021, Ban lãnh đạo hãng dược phẩm BioNTech của Đức cảnh báo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vắc xin virus Corona. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng hối thúc Cơ quan Dược phẩm châu Âu nhanh chóng phê duyệt vắc xin của Moderna và AstraZeneca nhằm bổ sung sự lựa chọn cho việc thúc đẩy tốc độ tiêm chủng.
Các chuyên gia cho rằng, quyết định phê duyệt muộn làm chậm quá trình sản xuất vắc xin. Theo một nguồn tin, công ty AstraZeneca dự kiến sẽ cung cấp ít hơn hàng triệu triệu liều vắc Covid-19 so với kế hoạch cho Liên minh châu Âu trong những tháng tới, đe dọa kế hoạch tăng cường tiêm chủng của EU và cũng gây ảnh hưởng đến uy tín đối với các nhà sản xuất thuốc.
Đại diện của AstraZeneca cho biết, họ có thể chỉ cung cấp khoảng 30 triệu trong số khoảng 80 triệu liều mà các nước EU dự kiến có trong tháng 2 và tháng 3, giảm khoảng 60% so với ước tính trước đó của công ty.
Nguyên nhân của sự thiếu hụt vắc xin AstraZeneca là một cơ sở sản xuất ở Bỉ thuộc sở hữu của Novasep Holding SAS đã không thể sản xuất số lượng lớn vắc xin như dự kiến.
Quy mô của sự thiếu hụt vắc xin dự kiến đã làm dấy lên báo động ở các thủ đô châu Âu, vốn đang chạy đua để đẩy nhanh các đợt tiêm chủng đã tụt hậu so với các nước trong đó có Anh và Mỹ. Vì điều đó, một số quan chức châu Âu đã xảy ra bất đồng với Pfizer/BioNTech do các công ty này quyết định cắt giảm việc cung cấp vắc xin Covid-19 theo kế hoạch của riêng họ cho khối này.
AstraZeneca dự kiến sản xuất 3 tỷ liều vắc xin trong năm 2021 và không thu lợi nhuận từ trong giai đoạn đại dịch, hoặc đối với các nước nghèo hơn, nhưng với tốc độ hiện tại, khả năng này không dễ đạt được.
Không chỉ có AstraZeneca, tình trạng thiếu hụt vắc xin của Pfizer cũng đang xảy ra. Tại Mỹ, chính quyền các tiểu bang và nhiều thành phố cho biết họ đang thiếu vắc xin virus Corona, dẫn đến hàng nghìn người phải hủy hoặc hoãn các cuộc hẹn tiêm chủng dù nước này đang đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng.
Các quan chức y tế yêu cầu cần sự rõ ràng từ chính phủ liên bang Mỹ về số lượng chính xác vắc xin COVID-19 được cung cấp để lập kế hoạch triển khai dài hạn thay vì có biết các số liệu trong một tuần và không nhất quán.
Tuy nhiên, ngay cả chính phủ liên bang cũng không có được sự chủ động, bởi “chúng tôi sẽ làm việc để đưa ra các dự báo về nguồn cung”, Jeff Zient, điều phối viên COVID-19 của Tổng thống Biden cho biết.
Những nỗi lo chồng chất
Gần như trùng với thời điểm vắc xin đầu tiên được cấp phép là sự xuất hiện của biến thể virus Corona mới. Biến thể mới này có khả năng lây lan nhanh hơn 70% được ghi nhận ở Anh vào tháng 9 và bùng phát mạnh mẽ khoảng tháng 11.
Ngoài biến thể mới tại Anh, các nhà khoa học còn phát hiện các biến thể ở Nam Phi và Brazil. Điều đáng lo ngại là biến thể mới này có thể kháng lại vắc xin COVID-19.
Ngày 22/1, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo 3 biến thể mới của virus Corona xuất hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil đang thổi bùng số ca nhiễm mới và điều này cũng khó tránh khỏi số ca tử vong tăng lên.
"Tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu đi ở những khu vực có nhiều biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2. Càng nhiều ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến càng nhiều ca nhập viện và tử vong cao hơn ở mọi nhóm tuổi", giám đốc Andrea Ammon của ECDC cảnh báo.
Trong một khuyến cáo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), ECDC cho biết"nên chuẩn bị hệ thống y tế để đối phó với dịch bệnh". Anh và một số nước EU đã hoặc đang xem xét đóng cửa biên giới với các nước khác để hạn chế sự lây lan của các biến thể mới.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng tình hình hiện tại của châu Âu là “rất nghiêm trọng” bởi sự tấn công của biến thể mới. Một kịch bản đóng cửa toàn bộ châu Âu hoàn toàn có thể xảy ra nếu các biện pháp ngăn chặn không hiệu quả và chương trình tiêm chủng không đạt được như mong muốn.
Từ 22/1, Hà Lan lần đầu tiên áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm đầu tiên kể từ Thế chiến II, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Corona. Theo đó, lệnh giới nghiêm sẽ chỉ cho phép những người có nhu cầu cấp bách rời khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 21h-4h30, và dự kiến kéo dài đến ngày 9/2. Người vi phạm có thể bị phạt 95 euro (115 USD).
Ngay sau khi tuyên thệ lễ nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra sắc lệnh sử dụng khẩu trang trên toàn quốc vào ngày 21/1. Việc phân phối vắc xin rời rạc và hạn chế được xem là bài kiểm tra khó đầu tiên đối với tân Tổng thống Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn COVID-19.
Nga, quốc gia đã cấp phép sử dụng vắc xin Sputnik V từ giữa tháng 9/2020 nhưng họ cũng vẫn đang phải đối đầu với nhiều nỗi lo khi mỗi ngày báo cáo có hơn 20.000 ca nhiễm mới. Nga đang xếp thứ tư trong danh sách có số ca nhiễm cao nhất thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil, với gần 3,7 triệu trường hợp nhiễm COVID và hơn 68.000 ca cử vong kể từ đầu đại dịch.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Tổng thống Vladimir Putin đã được triển khai trên diện rộng, nhưng hiệu quả của việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch vẫn chưa đạt như mong muốn.
Vào thời điểm khó khăn này, theo như bình luận của một số chuyên gia, các quốc gia ngoài việc tăng cường các hạn chế chống đại dịch, việc phê duyệt sớm vắc xin cũng sẽ giúp đa dạng nguồn cung vắc xin đang bị hạn chế và chủ động chương trình tiêm chủng quốc gia.
Nguồn: https://congluan.vn/thieu-hut-nguon-cung-vac-xin-covid-19-noi-lo-khong-cua-rieng-ai-post115456.html