Sáng ngày 30/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo công bố thông tin về các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết: "Không phải ngay sau 30/9, thành phố sẽ mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động mà mở cửa từng bước và có lộ trình. Đưa sinh hoạt người dân từng bước về trạng thái bình thường mới nhưng không phải mọi người đồng loạt ra đường".

Các loại hình được hoạt động trở lại

Theo đó, các hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ như: Cung cấp lương thực, thực phẩm; Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống; dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; Dịch vụ quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư... 

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế cũng sẽ được trở lại hoạt động.

TP.HCM: Nhiều dịch vụ được hoạt động từ sau 1/10
TP.HCM: Nhiều dịch vụ được hoạt động từ sau 1/10

Đối với dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, tham quan bảo tàng hoạt động tối đa 30% công suất.

Riêng nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán mang đi, trừ trường hợp địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán ăn uống tại chỗ; chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ bán lẻ.

Ngoài ra, các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, đám cưới, đám tang, du lịch, nghỉ dưỡng... cũng được phép hoạt động trở lại nhưng trong giới hạn số người tham gia và có sự giám sát của cơ quan y tế.

Các hoạt động tiếp tục dừng hoạt động, gồm: Quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; Các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động, trừ trường hợp được cơ quan thẩm quyền cho phép; Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.

Đáng chú ý, người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố  khác; Trừ trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì thực hiện theo quy định của Sở GTVT TP.HCM.

Ưu tiên người có "thẻ xanh" Covid

Đối với người dân, TP.HCM yêu cầu người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vaccine, đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động.

Trường hợp người dân không có mã QR thì xuất trình hai loại giấy tờ: Một là giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hai là giấy xác nhận đã tiêm chủng (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Hoạt động của người dân: Tối đa 10 người. Trường hợp có 100% người tham gia được tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh được hoạt động tối đa 50 người.

Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.

Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động, nếu hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được hoạt động tối đa 100 người.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-hoat-dong-lai-nhieu-dich-vu-khong-tu-y-di-lai-giua-cac-tinh-59881.html