Giáo viên được trả lương theo vị trí việc làm nhận được sự đồng tình của nhiều nhà giáo. Ảnh minh họa: Q.Anh

Giáo viên được trả lương theo vị trí việc làm nhận được sự đồng tình của nhiều nhà giáo. Ảnh minh họa: Q.Anh

Lương hiện nay đang nặng về thâm niên

Thời gian qua, câu chuyện lương giáo viên trong ngành Giáo dục liên tục được đề cập đến như một nỗi trăn trở của nhiều nhà giáo tâm huyết, trong đó có cả các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục. Tuy nhiên, dù nhiều lần được đưa ra bàn thảo, đề xuất mức lương cao ngang bằng với lực lượng công an, quân đội, song đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể nhằm có mức lương tương xứng, giúp giáo viên yên tâm, gắn bó với nghề. Mặt khác, nhà giáo hiện nay lại đang được hưởng mức lương theo hình thức “cào bằng”, chưa phản ánh đúng năng lực khiến nhiều người không có động lực phấn đấu.

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, đến ngày 1/1/2020 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm. Câu chuyện trả lương theo vị trí việc làm trong đó áp dụng cả đối với giáo viên, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà giáo. Hiện nay, nhiều nhà giáo đã chỉ ra sự bất cập trong cách tính tiền giờ lên lớp, bậc lương. Cùng đối tượng dạy giống nhau nhưng hai người đi dạy lại có mức lương chênh nhau quá lớn, trong khi hiệu quả công việc tương đương nhau. Bởi vậy, khi Bộ Nội vụ đưa ra phương án trả lương cho công chức, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng theo vị trí việc làm được nhiều người đồng tình.

“Tôi công tác dạy học được hơn 5 năm, song mức lương còn quá thấp, khi lĩnh lương cùng vị trí việc làm, giờ lên lớp như nhau, thậm chí giáo viên trẻ chúng tôi còn tham gia rất nhiều việc “không tên” hay làm các sự kiện của trường, song mức lương thì thấp, phụ cấp đứng lớp cũng thấp do công tác ít năm, dẫn đến cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có chính sách tiền lương hợp lý theo vị trí, năng lực mới kích thích được tinh thần sáng tạo, tâm huyết của giáo viên. Giáo viên trẻ cũng gắn bó với nghề hơn, bởi lương thấp ít người trụ được với nghề, nhất là giáo viên hợp đồng”, một giáo viên công tác tại tỉnh Hòa Bình tâm sự.

Chỉ ra một số bất cập trong cách trả lương hiện nay đối với giáo viên, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), cho rằng: “Giữa các giáo viên trong cùng một trường, thường những giáo viên dạy môn quan trọng được trường trả lương cao. Giáo viên được học sinh tín nhiệm nhiều cũng được xếp lương cao hơn người không được đánh giá tốt. Nhà trường cũng căn cứ vào việc thầy cô dạy học sinh có chất lượng để nâng bậc lương, có thể là 3 năm, 2 hoặc 1 năm. Ngoài ra, việc trả lương cao cần căn cứ vào các đánh giá khác một cách chính xác, khoa học, khách quan khác nữa”.

Cần một cách tính lương hợp lý hơn

Nếu đề xuất trả lương công chức, viên chức theo vị trí việc làm được chấp thuận và đi vào thực tế, thì sẽ tác động sâu rộng đến ngành Giáo dục. Bởi theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng biên chế sự nghiệp ngành Giáo dục là 1,2 triệu. Việc trả lương giáo viên theo vị trí việc làm được kỳ vọng sẽ từng bước "gỡ rối" bài toán thừa - thiếu giáo viên tồn tại trong ngành Giáo dục nhiều năm qua. Đây cũng sẽ là động lực cho giáo viên tích cực đổi mới sáng tạo để đáp ứng được vị trí việc làm. Nếu có nhiều đóng góp, hiệu quả trong công việc thì sẽ nhận được đồng lương xứng đáng.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là tín hiệu tốt góp phần giảm thiểu tình trạng ì ạch của một bộ phận giáo viên hiện nay và tạo động lực cho đội ngũ giáo viên trẻ. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Khoa học giáo dục Hà Nội cho rằng: “Khi trả lương cho giáo viên phải khuyến khích được họ tập trung làm việc, phát huy năng lực và chọn lọc được người tài. Để nhiều người đồng thuận với cách trả lương theo vị trí việc làm, trước hết phải làm rõ cách xếp lương mới có lợi hơn như thế nào so với trả lương theo bậc hiện nay. Đặc biệt, đối với những giáo viên chủ nhiệm lớp thì phải có mức lương tương xứng bằng khoản lương riêng”.

Một số giáo viên phổ thông kiến nghị, để thay đổi cách tính tiền lương giáo viên cho phù hợp, đặc biệt là theo vị trí việc làm cần có bậc lương như nhau nhưng ai làm nghề lâu năm sẽ được thêm phần trăm thâm niên để ghi nhận sự cống hiến. Việc tăng lương cũng cần có sự đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên theo giai đoạn. Ví dụ 3 năm đến kỳ lên lương, nhà trường đánh giá giáo viên theo kết quả dạy từ các đồng nghiệp, học sinh. Nếu giáo viên được đánh giá cao, có năng lực trong công tác giảng dạy sẽ được xem xét tăng lương, còn chưa đạt vẫn chỉ ở mức lương cũ để giáo viên cố gắng.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức và hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức tại phiên họp tháng 8 trong đó có nội dung quan trọng đối với công chức, viên chức trong đó có giáo viên về việc dự kiến trả lương theo vị trí việc làm kể từ ngày 01/01/2020 và nhiều vấn đề quan trọng khác.

 

Quang Anh

Theo Giadinh.net.vn