Tín dụng tiêu dùng trở thành xu thế tất yếu

Dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, điều tra, bắt giữ nhiều nhóm đối tượng vi phạm nhưng thực tế tín dụng đen vẫn hoành hành khắp nơi, nhất là ở những khu công nghiệp, các vùng quê nghèo, trường đại học - cao đẳng.

“Cho vay trả góp", "cho vay không thế chấp”, “Vay tiền gọi 09…”, “Hỗ trợ cho vay, thủ tục nhanh gọn”… là nội dung của hàng loạt tờ rơi được dán tường rào, cột điện, chợ, cổng trường đại học từ trung tâm thành phố lớn cho tới nông thôn. Rất nhiều người đã phải cay đắng gánh chịu hậu quả vì lỡ vay nóng với lãi suất cao.

Tín dụng đen vẫn hoành hành khắp nơi, là nỗi ám ảnh của nhiều người.

Ông Võ Văn L. (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi vay nóng thủ tục rất đơn giản, chỉ cần gọi tới số điện thoại trên tờ rơi và cung cấp thông tin hoặc thế chấp giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn… là được vay 20 triệu đồng trong 25 ngày. Nhưng họ chỉ đưa tôi 18 triệu vì phải trừ đi 2 triệu tiền chi phí đi lại. Mỗi ngày phải trả lãi 1,5 triệu đồng khiến tôi gần như kiệt quệ”.

Trước thực trạng này, nhiều công ty tài chính đã tiên phong trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng với tham vọng vừa thu lợi chính đáng vừa góp phần hạn chế hậu quả nặng nề của tình trạng tín dụng đen tràn lan.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho hay, cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao, kéo theo tín dụng tiêu dùng đã tăng 5 lần trong 5 năm qua. Nếu như cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối 2017, con số này tăng lên tương ứng 1,1 triệu tỷ đồng và chiếm khoảng 18% tổng dư nợ.

Theo ước tính của các chuyên gia, giá trị tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam lên đến 15 tỷ USD/năm, và đến năm 2020 có thể sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2017.

Đại diện NHNN cho rằng, hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường, giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức của người dân và hộ gia đình. Với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội.

Chia sẻ với phóng viên, TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) đánh giá không thể kỳ vọng tín dụng tiêu dùng có thể đẩy lùi toàn bộ tín dụng đen, song có thể giúp hạn chế phần nào đó.

TS Nguyễn Đức Độ

TS Nguyễn Đức Độ

“Vay tín dụng đen rất dễ, gọi một cuộc điện thoại là vay được ngay, do đó không dễ chặn tận gốc khi mà người dân vẫn có nhu cầu. Nhưng tín dụng tiêu dùng với mặt tích cực của nó là cũng cung cấp những khoản vay nhỏ, lãi suất hợp lý, thủ tục không quá cầu kỳ, thì vẫn có khả năng cạnh tranh với tín dụng đen”, ông Độ nói.

Cần tạo điều điện để tín dụng tiêu dùng phát triển

Bàn về việc tín dụng tiêu dùng cần phải có hành lang thông thoáng, TS Nguyễn Đức Độ nhận định, tín dụng tiêu dùng thực sự có nhiều mặt tích cực nên cần tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng để phát triển.

“Vay tiền ngân hàng thì yên tâm về mặt thủ tục pháp lý nhưng liệu ngân hàng có cung cấp các gói vay cực nhỏ, chỉ 1-2 triệu đồng hay không? Lãi suất vay tiêu dùng của ngân hàng cũng không hề thấp, thủ tục lại phức tạp. Trong khi đó, dịch vụ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, hệ thống bán lẻ… lại đáp ứng được nhu cầu vay với thủ tục đơn giản hơn ngân hàng”, ông Độ phân tích.

Cũng theo TS Nguyễn Đức Độ, nên để bên vay và bên cho vay thỏa thuận lãi suất theo thị trường. "Nếu áp trần lãi suất cho dịch vụ này thì thị trường không phát triển được. Mục tiêu của tổ chức tài chính là lợi nhuận chứ không thể yêu cầu họ cho vay như làm “từ thiện” .Vì thế, cần có sự kiểm soát của nhà nước từ góc độ pháp luật để họ cũng có lợi mà người dân không bị đe dọa thiệt hại lớn”, ông Độ nói.

Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN nhận định, đối tượng và phương thức cho vay của ngân hàng và công ty tài chính khác nhau nên mức độ rủi ro của khoản vay cũng rất khác nhau. Các công ty tài chính hướng đến nhóm đối tượng dưới chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo... thủ tục lại đơn giản, nhanh chóng. Vì vậy, đi kèm với rủi ro lớn, chi phí đầu vào và chi phí phục vụ cao thì buộc các công ty cần được áp mức lãi suất cao tương ứng. Điều này cũng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 2 bên.

Theo Linh Vy/Đô Thị Mới