Bên lề Hội thảo ung thư Việt - Pháp lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội (7- 9/11), PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, tại Bệnh viện K, 2/3 số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hoá chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.
"Có thể bệnh nhân mới chụp X-quang 6 tháng trước chưa phát hiện gì bất thường nhưng 6 tháng qua thì đã mắc ung thư phổi giai đoạn muộn", PGS Quảng cho hay.
Theo PGS Quảng, rất khó khăn để phát hiện sớm ung thư phổi. Từ các phương pháp cũ như chụp X-quang, xét nghiệm đờm, cho đến phương pháp mới nhất hiện nay là sàng lọc bằng chụp CT liều thấp nhưng hiệu quả đều không thực sự rõ ràng.
Hơn nữa, ung thư phổi không có dấu hiệu đặc hiệu ở giai đoạn sớm, triệu chứng rất mơ hồ như đau tức ngực, ho ra dây máu nhưng dễ nhầm với lao. Chỉ đến khi bệnh nhân đau ngực dữ dội, khó thở thường xuyên mới đến bệnh viện khám thì đã ở giai đoạn muộn.
Những năm gần đây, người mắc ung thư phổi có xu hướng trẻ hoá nhưng không rõ ràng
Tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân ung thư phổi đều ở độ tuổi trên 50. Những năm gần đây, người mắc ung thư phổi có xu hướng trẻ hoá nhưng không rõ ràng, độ tuổi 20- 30 rất ít.
Ung thư phổi chủ yếu gặp ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là ở người có tiền sử hút thuốc lá. Nhiều phụ nữ không hút thuốc lá cũng mắc ung thư phổi một phần do hút thuốc lá thụ động.
“Ca trẻ nhất mắc ung thư phổi tôi biết cách đây 3 năm là nam thiếu niên 15 tuổi. Tuy nhiên sau 2 năm điều trị tích cực, bệnh nhân đã tử vong. Nguyên nhân do nam sinh này thường xuyên phải hít khói thuốc lá thụ động từ bố. Tại Hà Nội cũng có trường hợp nam bệnh nhân mắc ung thư phổi ở tuổi 25 đang được điều trị”, PGS Quảng chia sẻ.
Ung thư phổi không có dấu hiệu đặc hiệu ở giai đoạn sớm nên phát hiện khó.
PGS Quảng thông tin, số mắc ung thư phổi vẫn rất cao, thực tế số người mắc bệnh vẫn tăng lên.
Theo thống kê mới nhất năm 2018, số người tử vong gần tương đương với số người mắc ung thư phổi. Cụ thể, số ca mắc mới ung thư phổi hằng năm gần 24.000 người, trong khi số ca tử vong lên tới hơn 21.000 người.
Để dự phòng ung thư phổi, cách hiệu quả nhất là không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc. Ngoài ra, những trường hợp tiếp xúc với một số chất gây ô nhiễm không khí nhất định như radon, amiăng... có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn gấp 3-4 lần so với những người khác.