Bộ Xây dựng yêu cầu công bố các dự án nhà ở hình thành trong tương lai

Bộ Xây dựng vừa có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, giám sát dự án nhà ở hình thành trong tương lai bởi trên thực tế, vẫn còn không ít các dự án đem lạị rủi ro, phát sinh khiếu kiện, tố cáo, tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 76/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn. Các quy định được Bộ Xây dựng lưu ý gồm điều kiện khi đưa BĐS hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định và việc thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua; việc bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê loại hình này.

Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về việc thế chấp, điều kiện thế chấp với dự án đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, quy định về giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có giấy chứng nhận.

Bộ Xây dựng yêu cầu công bố các dự án nhà ở hình thành trong tương lai (Ảnh minh họa: Internet)
Bộ Xây dựng yêu cầu công bố các dự án nhà ở hình thành trong tương lai (Ảnh minh họa: Internet)

Trước đó, để quản lý chặt chẽ các dự án có dấu hiệu “bán lúa non”, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành công văn số 2096/BXD-QLN quy định về thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê; yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định về giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai. 

Cụ thể, Bộ Xây dựng lưu ý điều kiện khi đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định tại điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản; Thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua; Việc bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê bất động sản. Ngoài ra còn có việc thế chấp, điều kiện thế chấp; giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có giấy chứng nhận theo Điều 72 Nghị định số 99.

Ngoài ra, đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo kết quả, tình hình thực hiện quy định về thông báo nhà, ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Hình thức kinh doanh nhà hình thành trong tương lai đã được Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) cho phép và triển khai, kể từ năm 2006. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn có một số sai phạm phổ biến về phía các nhà đầu tư, DN... gây tranh chấp, đẩy rủi ro cho khách mua nhà và ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS.

Tại Hà Nội, trong quý II/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã chấp thuận thêm 33 DA đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai nằm tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức. Tuy nhiên, vẫn có DA tại huyện Mê Linh chưa đủ điều kiện rao bán vẫn thông qua các sàn giao dịch BĐS quảng cáo không đúng thực tế.

Đề xuất siết chặt các điều kiện kinh doanh bất động sản 

Bất động sản hình thành trong tương lai (xây theo tiến độ) là công trình đang trong quá trình xây dựng, chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Do vậy, tính pháp lý của dự án là một trong những lưu ý quan trọng khi khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án, trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) đang hoàn thiện, Bộ Xây dựng đề xuất quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS, cũng như điều kiện của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh BĐS. Quy định hiện hành chưa có yêu cầu cụ thể về ngành nghề kinh doanh với người tham gia kinh doanh BĐS.

Bộ Xây dựng đề xuất siết chặt các điều kiện kinh doanh bất động sản (Ảnh: Internet)
Bộ Xây dựng đề xuất siết chặt các điều kiện kinh doanh bất động sản (Ảnh: Internet)

Doanh nghiệp muốn kinh doanh lĩnh vực này phải công khai về thông tin, bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật và số điện thoại liên lạc và các thông tin liên quan đến BĐS đưa vào kinh doanh theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 của Luật Kinh doanh BĐS trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và nơi có BĐS đưa vào kinh doanh.

Trong trường hợp là chủ đầu tư dự án bất động sản thì ngoài các quy định trên còn phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 20% tổng vốn đầu tư với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha. Với dự án có quy mô từ 20 ha trở lên, mức này là 15%. Vốn chủ sở hữu được xác định dựa vào kết quả báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất; hoặc báo cáo kiểm toán độc lập được thực hiện trong năm doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh hoặc năm trước liền kề năm tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản.

Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên, dự thảo nêu rõ, các trường hợp kinh doanh BĐS không bắt buộc phải có các điều kiện trên, nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật. Cụ thể, kinh doanh BĐS quy mô nhỏ được xác định trong trường hợp bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất dưới mức diện tích đất, diện tích sàn xây dựng nhà ở, công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định.

Kinh doanh bất động sản không thường xuyên gồm các trường hợp như bán, chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng do phá sản, giải thể; bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động san thuộc sở hữu Nhà nước khi cư quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; Các tổ chức tín dụng bán, chuyển nhượng nhà, công trình, dự án đang được bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ...

 

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/yeu-cau-cong-bo-cac-du-an-nha-o-hinh-thanh-trong-tuong-lai-20201231000003952.html