TP HCM công viên đã ít còn bị chiếm dụng
Theo Nguoilaodong phản ánh, ngoài việc không ít chủ đầu tư dự án căn hộ ngó lơ hạng mục công viên, ở TP HCM còn có nhiều công viên bị "xà xẻo" nhằm phục vụ lợi ích khác.
Tại Công viên Gia Phú (quận Tân Phú, TP HCM), đi từ mặt tiền vào sâu trong khuôn viên, hễ nơi nào được trải bê tông là nơi đó bị chiếm dụng để buôn bán. Thậm chí, nhiều hàng quán còn dọn bàn ghế lên thảm cỏ. Vì vậy, dù công viên này có diện tích 5.000 m2 với nhiều cây xanh rợp bóng mát nhưng không phải ai cũng dám lui tới.
"Hàng quán ở đây mở từ sáng đến khuya, khách đến ăn uống, nhậu nhẹt xả rác bừa bãi, phóng uế, chửi thề, đánh nhau... không ai kiểm soát. Cách đây không lâu, nơi này còn xảy ra án mạng do các nhóm thanh niên tìm đến giải quyết mâu thuẫn. Ðể tự bảo vệ mình, gia đình tôi đã hạn chế lui tới công viên này, riêng trẻ em thì tuyệt đối cấm" - một hộ dân sống cạnh Công viên Gia Phú phàn nàn.
Công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP HCM) cũng bị mất đi 10.000 m2 khi xuất hiện khu vui chơi giải trí có tên Thỏ Trắng. Ngoài ra còn có vô số hàng quán kiên cố, hàng rong, xe đẩy đua nhau hoạt động trong khuôn viên. Ngay cổng chính công viên ở đường Cách Mạng Tháng Tám, bên cạnh khu nhà vệ sinh công cộng là một quán cà phê án ngữ. Bên trong công viên còn có 3 sân tennis.
Trong khi đó, nhiều lần cử tri bức xúc về việc tồn tại một nhà hàng nằm lọt thỏm giữa Công viên Phú Lâm (quận 6, TP HCM). Chính quyền địa phương không ít lần cam kết sẽ di dời nhưng ghi nhận vào sáng 10-12, nhà hàng nơi đây vẫn còn hoạt động. Người dân phải mở cửa đi vào trước sân nhà hàng để tập thể dục khi có nhu cầu.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM đưa ra nhận xét các công viên có quy mô lớn, nằm ở những vị trí trung tâm thì tình hình chiếm dụng, khai thác mặt bằng có phần phức tạp hơn.
Theo Sở Xây dựng TP, hiện diện tích công viên ở TP chỉ 500 ha, phân bổ không đều và bất hợp lý. Ðáng nói, trên địa bàn các quận mới, các huyện ngoại thành thì diện tích đất công viên công cộng còn rất hạn chế mặc dù có quỹ đất quy hoạch công viên cây xanh rất lớn. Ðiển hình như các quận 9, 12, Thủ Ðức, Bình Tân và các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có công viên công cộng nào. Do đó, chưa tạo thêm được nhiều không gian sinh hoạt với quy mô lớn cho người dân, chưa cải thiện được chỉ tiêu đất công viên cho toàn TP. Ngoài ra, Sở Xây dựng còn thông tin đa phần đất công viên cây xanh hiện nay được quy hoạch là đất của người dân. Do đó, chi phí thực hiện đầu tư xây dựng là khá cao.
Ðể bảo đảm diện tích đất dành cho công viên, Sở Xây dựng TP đưa ra kế hoạch trong 10 năm tới phát triển hơn gấp đôi diện tích công viên hiện tại - tức tăng 650 ha đất cho công viên, tỉ lệ 1 m2 cây xanh/người. Giải pháp đề ra chính là rà soát lại các quy hoạch và lập dự án các khu đất có khả năng làm mảng xanh. Để thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội sẽ cho phép đầu tư xen cài các khu vui chơi, kinh doanh ở công viên với quy mô trên 10 ha; các dự án đầu tư có công trình công viên, phát triển cây xanh sẽ được hưởng chính sách ưu đãi.
Người Việt sẽ mua nhà qua app trong tương lai?
Tại diễn đàn Houze Day 2020 với chủ đề "Bất động sản chuyển đổi số nhanh - Kiến tạo tương lai", các chuyên gia nhận định, bất động sản là một trong 5 ngành chịu áp lực mạnh từ Covid-19. Chính vì vậy, các cá nhân, doanh nghiệp trong ngành bất động sản cần tăng tốc hơn nữa trong việc chuyển đổi số.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, việc chuyển đổi số trong ngành bất động sản của Việt Nam đang chậm hơn so với thế giới 5 năm. Ngành bất động sản thế giới đang áp dụng những công nghệ tiên tiến hàng đầu như trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ in 3D…
Trong khi đó, Việt Nam còn chưa có doanh nghiệp chuyển đổi số hoàn toàn, chủ yếu là chuyển đổi số một phần như làm app, tự động hóa một số quy trình hoặc thành lập một trung tâm hay bộ phận kinh doanh số.
Tại Mỹ, có đến 93% số người tìm kiếm bất động sản thông qua các website và môi giới. 73% tìm kiếm bất động sản thông qua các ứng dụng.
Trong lĩnh vực xây dựng, các doanh nghiệp tại Mỹ cũng ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ. 61% công ty sử dụng mô hình thông tin xây dựng (BIM) trong các dự án lớn, tức người xem có thể hình dung về không gian, kích thước, vật liệu... 65% công ty sử dụng các công cụ giám sát từ xa tại các công trường.
Theo tiến sĩ Lực, trước việc công nghệ số phát triển như "vũ bão" thì ngành bất động sản cũng sẽ gặp những thách thức lớn nếu không thay đổi và bắt kịp xu hướng. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, mô hình kinh doanh, tổ chức, văn hóa kinh doanh… để chủ động, thích ứng với sự thay đổi.
Doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu, sàng lọc nhân sự chất lượng cao, tìm chuyên gia giỏi để tăng hiệu quả cho việc chuyển đổi số.
"Dù thách thức là rất nhiều nhưng tiềm năng về kinh doanh số tại Việt Nam là rất sáng sủa. Chúng ta có dân số trẻ, 75% người dùng internet tham gia mua sắm online, 93% người dùng điện thoại có điện thoại thông minh. Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ cũng hình thành và phát triển nhanh tại Việt Nam. Đây là những tiềm năng rất lớn để kinh doanh số thành công", ông Lực phân tích.
Hà Nội ban hành quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh
UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND về việc ban hành quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quy trình duy trì công viên, cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội được quy định chi tiết về kỹ thuật duy trì các loại thảm cỏ, hoa thời vụ, cây lâu năm, cây dây leo, cây trồng chậu…, cũng như các yêu cầu về cắt, tỉa cây để chống mưa bão…
Ngoài ra, thành phố còn quy định rõ các yêu cầu về thời gian thực hiện kỹ thuật duy trì. Cùng với đó là quy định về định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh, trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, thành phố còn quy định về quy trình chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn thành phố; định mức kinh tế kỹ thuật chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn thành phố Hà Nội. Định mức chi phí chung được áp dụng theo các hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Bộ quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật được áp dụng trong lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức rà soát các nội dung còn chưa hợp lý (nếu có) để tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và xã hội tổ chức thực hiện xây dựng đơn giá duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn thành phố Hầ Nội, trình UBND Thành phố ban hành.
Đối với công tác duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày ban hành kèm theo Quyết định số 7109/QĐ-UBND, ngày 26-12-2016, để xác định giá gói thầu, đã ký kết hợp đồng và thực hiện trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi tiếp tục thực hiện theo các điều khoản của Hợp đồng đã ký kết.
Đối với gói thầu duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày đang trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu thì chủ đầu tư, cơ quan được giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo các quy định về pháp luật đấu thầu.
Đối với gói thầu duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu thì thực hiện theo Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 18/12/2020 và bãi bỏ các quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật đã công bố trong Quyết định số: 7109/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của UBND thành phố Hà Nội.
Đất nền TP HCM và vùng vệ tinh đang diễn biến thế nào?
Theo báo cáo nghiên cứu của DKRA Vietnam, trong tháng 11 toàn thị trường ghi nhận 4 dự án đất nền mở bán (tất cả các dự án đều thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 378 nền, tương ứng 71% so với tháng 10/2020. Trong đó, tỉ lệ tiêu thụ đạt 72% (khoảng 273 nền), bằng 76% so với tháng trước đó.
Trong khi đó, tại thị trường giáp ranh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, trong tháng 11, đất nền cũng ghi nhận sự sụt giảm nguồn cung so với tháng trước đó. Cụ thể, tại Đồng Nai có 2 dự án mở bán với khoảng 248/297 nền được tiêu thụ. Chiếm tỉ lệ 78% nguồn cung và 91% tiêu thụ toàn thị trường.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có 1 dự án mở bán khoảng 22/41 nền được tiêu thụ, tỉ lệ nguồn cung và tiêu thụ lần lượt là 11% và 8%.
Còn tại Bình Dương có 1 dự án. Mở bán với 3/40 nền được tiêu thụ, đạt tỉ lệ 11% nguồn cung và 1% tỉ lệ tiêu thụ.
Theo DKRA Vietnam, trong tháng 11/2020 nguồn cung đất nền mới đưa ra thị trường khá khan hiếm, vị trí xa vùng trung tâm, các sản phẩm được các chủ đầu tư giới thiệu trong tháng đều đã đưa ra thị trường và được ghi nhận trước đó hoặc các dự án lâu năm được tái khởi động.
Ngoài ra, trên thị trường thời gian qua một số dự án nhỏ lẻ (dưới 100 sản phẩm) theo hình thức tự phân lô bán nền (đất nông nghiệp + đất thổ cư) thuộc sở hữu cá nhân, điển hình như khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu rao bán khá nhiều trong tháng.
Doanh nghiệp bất động sản chưa chạm đến ưu đãi tài chính xanh
Theo reatimes, tại buổi Toạ đàm, bà Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình Công trình Xanh Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cho hay, Việt Nam được nhận định là một trong 6 nền kinh tế chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu trong giai đoạn 1999 - 2018.
Hiện, các doanh nghiệp phát triển bất động sản tư nhân có năng lực sáng tạo, sẵn có tiềm lực kỹ thuật và các công cụ cần thiết, và có thể phát triển nếu được hỗ trợ thu hút thêm đầu tư. Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cơ hội đầu tư khí hậu tại 21 thị trường mới nổi trên thế giới tới năm 2030 sẽ lên đến 23 nghìn tỷ USD, và riêng tại Việt Nam, con số này lên tới 753 tỷ trong giai đoạn 2016 - 2030. Do vậy, với sự tham gia của khối phát triển bất động sản tư nhân, nguồn vốn khổng lồ này sẽ giúp đảm bảo việc triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.
Bà Diệp nhận định: "Việc huy động đầu tư vào các ngành xanh chưa bao giờ là dễ dàng tại các thị trường mới như Việt Nam và không thể chỉ dựa vào các chính sách khuyến khích để thúc đẩy phát triển".
Cũng trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Đến năm 2018, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Quyết định số 1731/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Cũng trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-NHNN phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó bổ sung nội dung về tín dụng ngân hàng xanh, lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Đề án ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào dự án thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, phấn đấu đến năm 2025 có 100% Ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn, có ít nhất 10 - 12 ngân hàng trong hệ thống có bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro môi trường xã hội, 60% Ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường năng lực cho hệ thống, phát triển dịch vụ Ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện, khách hàng được tiếp cận các gói sản phẩm tín dụng riêng của các tổ chức tín dụng dành cho lĩnh vực xanh…
Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, mới chỉ có 36 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với dư nợ khoảng 1 triệu 184 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp xanh, còn đối với công trình xanh ngay cả dư nợ đánh giá rủi ro môi trường xã hội (không phải là dư nợ tín dụng) còn khá hạn chế, chiếm tỷ trọng 0,42% tổng dư nợ được cấp tín dụng xanh.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Trưởng Phòng Quản lý và phát triển nhà ở xã hội (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) cho biết, pháp luật hiện chỉ quy định ưu đãi thuế, tài chính và đất đai cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng… Còn đối với chủ đầu tư các dự án bất động sản, chưa có ưu đãi về thuế, đất đai mà chỉ được xem xét hỗ trợ lãi suất nhưng cũng rất khó để tiếp cận. Hiện cũng chưa có hình thức ưu đãi nào về thuế, tài chính hay đất đai cho người mua nhà của các dự án bất động sản sử dụng hiệu quả năng lượng.