Thu hồi gần 200 căn hộ nhà ở xã hội sử dụng sai mục đích
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng cho biết vừa có báo cáo sơ kết kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐNĐ TP về việc thông qua chương trình phát triển nhà ở TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Trong báo cáo, UBND TP Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên tổ chức kiểm tra và chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, kịp thời nhắc nhở các trường hợp ở không thường xuyên và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm như cho thuê lại, ở nhờ, chuyển nhượng...
Theo đó, kết quả kiểm tra từ năm 2018 đến hết quý III/2020, đã thu hồi 188 căn hộ, bổ sung quỹ nhà ở để bố trí lại cho các trường hợp được UBND TP phê duyệt.
Trước đó, tại Đà Nẵng xuất hiện thực trạng người được cấp nhà ở xã hội rồi chuyển đổi tên, cho thuê, cho ở nhờ, tự ý thay đổi công năng. Đặc biệt, nhiều người mặc dù có điều kiện vẫn chiếm dụng nhà ở xã hội. UBND TP Đà Nẵng cho biết thời gian qua đã tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác đầu tư, quản lý, sử dụng nhà ở.
Trong đó, qua đợt thanh tra chuyên ngành một số nội dung liên quan đến việc đầu tư, khai thác và quản lý sử dụng dự án Nhà ở xã hội Khu dân cư Mân Thái, UBND TP Đà Nẵng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư về hành vi không tuân thủ quy định về giá mua bán căn hộ theo quy định, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư dự án theo đúng quy định và xử lý đối với 135 trường hợp người mua nhà chưa được cấp giấy chứng nhận.
Qua thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội tại Chung cư An Trung 2 (quận Sơn Trà). Sau khi ban hành kết luận thanh tra, các đơn vị có liên quan đã tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dự án tiến hành rà soát, xử lý đối với 80 trường hợp sai phạm theo nội dung kết luận thanh tra.
Đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng
Sáng 25/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đã tích cực, khẩn trương phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm 18 vụ án, 04 vụ việc.
Riêng từ sau Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo đến nay đã xử lý dứt điểm 12 vụ án, 04 vụ việc; kết thúc điều tra 13 vụ án/53 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/98 bị can; xét xử sơ thẩm 06 vụ án/33 bị cáo; xét xử phúc thẩm 04 vụ án/06 bị cáo. Trong đó, đã tích cực, khẩn trương kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 05 vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, có cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp; nhất là đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 04 vụ án trọng điểm, như: Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến dự án 8-12, Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM; vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Ngân hàng BIDV và một số công ty có liên quan.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 08 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng… tập trung chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thanh tra Chính phủ hoàn thành việc thanh tra, công khai kết luận thanh tra dự án Nhà máy đạm Hà Bắc; kết luận thanh tra Nhà máy nhiệt điện Thái Bình II. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ năm 2013 đến nay cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi được hơn 22.659 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,7% tổng số tiền phải thi hành). Trong năm 2020, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá 3.851,55 tỷ đồng, 16,858 triệu USD, 17.248.621 cổ phiếu, 51 bất động sản, 05 ô tô và nhiều tài sản khác; cơ quan thi hành án dân sự thu hồi 14.017 tỷ đồng, bằng 61%.
Hàng chục triệu m2 đất cổ phần hóa được "hô biến" như thế nào?
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực IV, phần lớn những doanh nghiệp được kiểm toán thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn trước năm 2018 đều được giao quản lý, sử dụng một diện tích đất tương đối lớn, hoặc nắm giữ một số khu đất có lợi thế thương mại cao.
Cơ quan kiểm toán viện dẫn số liệu từ Sở TN&MT Hà Nội, trước và trong giai đoạn 2011- 2017, thành phố Hà Nội đã thực hiện cổ phần hóa được 66 doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của UBND thành phố quản lý, sử dụng 383 điểm đất với trên 5.576.000 m2. Riêng các DNNN Trung ương trên địa bàn có 115 DN cổ phần hóa đang quản lý sử dụng 288 điểm đất với tổng diện tích trên 4.565.000 m2.
Nghị quyết 60 của Quốc hội, chỉ qui định đất doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái với phương án cổ phần hóa mới phải thu hồi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Theo KTNN, đây chính là một “kẽ hở” để các đại gia thâu tóm những doanh nghiệp có quỹ đất giá trị sinh lời cao, nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá. Từ đó dẫn đến việc xác định giá đất không qua đấu giá sẽ không sát giá thị trường, có nguy cơ gây thất thoát ngân sách.
Điều đáng nói là, sau khi thực hiện cổ phần hóa, được tư nhân nắm giữ cổ phần chi phối, sau đó đã “hô biến” chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thương mại dịch vụ. Trường hợp nhà nước nắm cổ phần chi phối thì thực hiện liên doanh liên kết với doanh nghiệp bên ngoài để thực hiện các dự án thương mại - dịch vụ.
KTNN cũng chỉ ra rằng, có trường hợp thành phố cho phép thay đổi mục đích sử dụng từ trụ sở làm việc sang kinh doanh thương mại, dịch vụ không đúng theo phương án cổ phần hóa. Đã vậy còn cho phép doanh nghiệp cổ phần hóa hợp tác bằng giá trị tài sản trên đất thành lập pháp nhân mới chưa phù hợp với tình hình thực tế (đã góp vốn thành lập công ty liên doanh từ trước đó).
Ngoài ra, còn có tình trạng ban hành quyết định thu hồi đất đang có người sử dụng để giao đất cho người khác không đúng theo quy định Luật Đất đai; chưa quản lý, theo dõi, quyết toán chi phí đền bù di dời; chưa đôn đốc nộp về Nhà nước đối với các trường hợp đã chuyển sang công ty cổ phần.
Từ việc phát hiện những bất cập, hạn chế việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN trên địa bàn Hà Nội, KTNN đã đưa ra các kiến nghị, thu nộp NSNN và xử lý hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi hàng chục héc ta đất, chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý các sai phạm được phát hiện qua kiểm toán. Có dự án KTNN đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội có quy định mới về đấu giá đất
UBND TP Hà Nội vừa ký Quyết định số 27 về Ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2020.
Theo quy định mới, việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại Điều 117 Luật Đất đai, cụ thể: Đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá theo quy định tại Điều 6 Luật Đấu giá tài sản; Việc đấu giá quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản.
Quỹ đất được sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất là quỹ đất theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 14/2015 ngày 4/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, bao gồm:
Đất Nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai; thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai; thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các điểm a, b, с và d khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai.
Đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; Đất do UBND xã, phường, thị trấn; Tổ chức phát triển quỹ đất được giao quản lý mà Nhà nước chưa giao hoặc cho thuê để sử dụng theo quy định của pháp luật; Đất do các tố chức được giao để quản lý theo quy định tại điểm b, с khoản 1 Điều 8 Luật Đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao, cho thuê để sử dụng theo quy định của pháp luật.
Quyết định mới của UBND TP Hà Nội cũng quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất: Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối với các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai; Việc đấu giá quyền sử đụng đất được thực hiện đối với từng thửa đất. Thửa đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này phải có từ 02 người đăng ký tham gia đấu giá, 02 người tham gia đấu giá và 02 người trả giá trở lên.
Trường hợp đưa ra đấu giá nhiều thửa đất trong cùng một đợt được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này; Trường hợp thửa đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người đăng ký tham gia đấu giá hoặc chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc chỉ có một người tham gia đấu giá hoặc chỉ có một người trả giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Thửa đất được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất phải bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai, khoản 1 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản, cụ thể: Đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của quận, huyện, thị xã được UBND Thành phố phê duyệt; Đã hoàn thành công tác GPMB, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước; Đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.
Được biết, Quyết định này thay thế Quyết định số 04 ngày 24/02/2017, của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP Hà Nội.
Tâm điểm đầu tư 2021: Mối quan tâm đổ dồn vào bất động sản công nghiệp
Thị trường bất động sản công nghiệp đang có nhu cầu ngày càng lớn và hoạt động vốn gia tăng. Ghi nhận từ Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh, thành phố trọng điểm hiện đều ở mức cao. Ở miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy lên đến 90% tại Hà Nội, 95% tại Bắc Ninh, 89% tại Hưng Yên và 73% ở Hải Phòng. Khu vực phía Nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 88% tại TP.HCM, 99% tại Bình Dương, 94% tại Đồng Nai, 84% tại Long An và 79% tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khi nguồn cầu vẫn liên tục tăng trong bối cảnh thiếu nguồn cung, thị trường có hiện tượng giá đất công nghiệp tăng. Điển hình tại TP.HCM đạt 147 USD/m2 và tỉnh Long An đạt mức 123 USD/m2; tại Hà Nội, giá đạt mức 129 USD/m2 và Bắc Ninh đạt 95 USD/m2.
Để thu hút được nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: Khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp.
Đồng thời, để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc.
Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng và giao thông là một trong những vấn đề Việt Nam cần cải thiện hơn cả. Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ: “Cơ sở hạ tầng Việt Nam mặc dù đã có nhiều cải thiện trong những năm vừa qua, nhưng hiện vẫn còn một số hạn chế. So với các nước trong khu vực ASEAN, chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN ở tất cả các phân khúc. Đây là cơ hội rất lớn cho Chính phủ trong việc chú trọng cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư vào Việt Nam”.
Tại chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thị trường bất động sản năm 2021: Dự báo xu hướng & Cơ hội đầu tư" được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: "Trong thời gian tới sẽ có thêm những phân khúc bất động sản mới có nhiều tiềm năng phát triển hơn. Đặc biệt, 5 năm tới sẽ là giai đoạn để bất động sản công nghiệp đón nhiều vận hội mới nhờ xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về Việt Nam. Những địa phương có nhiều tiềm năng là Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng. Ở phía Nam là các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Tiền Giang...".