Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng lót tay môi giới để mua nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, song, nhiều dự án người dân phải mất tiền “đi đêm” mới mua được. Thời gian vừa qua, có nhiều thông tin phản ánh tình trạng các sàn giao dịch BĐS lợi dụng việc dẫn dắt thông tin, tung nhiều chiêu trò để lừa khách hàng, thậm chí tại nhiều dự án người dân phải mất tiền lót tay cho trung tâm môi giới mới mua được nhà.

Trước thực trạng trên, ngày 09/10/2020, Thủ tướng chính phủ có chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng người dân phải lót tay môi giới mới mua được nhà ở xã hội. Liên quan đến vấn đề trên, Thủ tướng chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với TP Hà Nội, TP HCM thanh tra, kiểm tra quản lý và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội trong năm 2019 cho thấy, trên địa bàn Thủ đô chỉ có thêm 3 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, tương đương với 170.861 m2 sàn nhà ở. Từ đầu năm 2020 đến nay, các dự án nhà ở xã hội bị đình trệ do ảnh hưởng từ dịch Covid- 19. Trong khi đó, dự kiến nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố năm 2020 khoảng 110 nghìn căn, việc thiếu nguồn cung dẫn đến giá bán tại một số dự án nhà ở xã hội tăng lên.

Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP HCM, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã chỉ đạo Sở Xây dựng TP HCM khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP, báo cáo đề xuất UBND TP giải pháp quản lý, xử lý nghiêm hành vi "lót tay" môi giới mua nhà ở hội (nếu có). 

Thị trường condotel có dấu hiệu “đóng băng”

Theo số liệu từ Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm Condotel mới được chào bán. Tuy nhiên, thị trường này gần như “đóng băng”, lương giao dịch không đáng kể.

Báo cáo thị trường bất động sản quí III của DKRA Việt Nam cho biết, sức cầu của phân khúc condotel tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Trong quí III/2020 chỉ có 1 dự án condotel mới mở bán, cung cấp ra thị trường 71 căn, chỉ bằng 27% so với quí trước và bằng 3% so với cùng kì năm 2019.

BĐS nghỉ dưỡng có dấu hiệu khởi sắc

Theo Hội môi giới, có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của thị trường condotel.

Thứ nhất là do khung pháp lý chưa thực sự rõ ràng. Thứ hai do tác động của dịch Covid - 19. Thứ ba do khách hàng và nhà đầu tư chưa thực sự có niềm tin vào loại hình này.

Theo Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, điểm sáng trong thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng 9 tháng đầu năm là giai đoạn cuối tháng 09/2020. Thời điểm này, đã thấy dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình, tại các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên…Đặc biệt, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trên cả nước.

Ngắm những công trình chào mừng 1010 năm Thăng Long Hà Nội và Kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Hàng chục công trình hạ tầng giao thông, trường học, công viên… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên diện mạo mới của Thu đô.

Công trình xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm

Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình

Sáng ngày 10/10, Quận ủy, HĐND quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ gắn biển công trình xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng, sau 5 tháng triển khai thi công đã hoàn thành đúng tiến độ, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật đô thị và cảnh quan khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, xứng tầm Di tích quốc gia đặc biệt.

Đường Vành đai 3 đi thấp qua Hồ Linh Đàm

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với vành đai 3 là một trong những dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng với giao thông thủ đô.

Đường vành đai 3 thấp đi qua hồ Linh Đàm

Cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên

Sáng 28/08 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình. Cầu gồm 4 nhịp xe, tổng chiều dài 278m, tổng mức xây dựng dự án hơn 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Việc khánh thành, đưa công trình vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại nút thắt cổ chai đã tồn tại 23 năm trên đường Nguyễn Văn Huyên và cũng là nút giao thông phức tạp có lưu lượng tham gia giao thông lớn hiện nay.

Toàn cảnh công trình cầu vượt

Thông xe cầu vượt cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Dự án cầu vượt cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long có tổng chiều dài 5,367 km trong đó, chiều dài cầu cạn là 4,831 km. Dự án được thiết kế với 04 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, giải phân cách giữa… Tổng vốn đầu tư 5.343 tỷ đồng. Sauk hi đưa vào khai thác, cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long sẽ khép kín đường Vành đai 3 trên cao, góp phần tạo nên một tuyến đường vành đai hiện đại, giải quyết tình trạng ùn ứ trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao có lưu lượng lớn như: Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế…Công trình được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở phía bắc Thủ đô Hà Nội.

Cầu cạn Mai Dịch- Nam Thăng Long

Trụ sở Đảng ủy- HĐND- UBND thị trấn Trâu Quỳ

Dự án được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt có tổng mức đầu tư gần 37,7 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trong khuôn viên có diện tích hơn 14.000m2 với nhiều hạng mục khác nhau, đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công sở, phục vụ nhu cầu của người dân hiệu quả hơn.

Vườn hoa Thượng Thanh (quận Long Biên). 

Công trình có tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng, công trình không chỉ tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân 2 phường Thượng Thanh và Ngọc Thụy nói riêng, quận Long Biên nói chung.

Trường Tiểu học Thanh Trì, quận Hoàng Mai Được xây dựng trên diện tích hơn 17.419m2 tại phường Thanh Trì với tổng mức đầu tư hơn 109 tỷ đồng

Hai dự án nâng cấp trường học tại quận Ba Đình, Trường Tiểu học Tràng An và Vườn hoa Tây Sơn (quận Hoàn Kiếm).


Theo Nguyễn Mây (tổng hợp)/Đô Thị Mới