Lưu ý mới về quy định thu tiền sử dụng đất từ ngày 01/03/2021

Mới đây, Cục Thuế TP  Hà Nội đã có thông báo lưu ý về thời điểm thanh toán nợ tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình và cá nhân.

Cùng với đó, Cục Thuế Hà Nội cho biết ngày 26/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về việc thu tiền sử dụng đất.

Lưu ý mới về quy định thu tiền sử dụng đất từ ngày 1/3/2021 (Ảnh minh họa)

Cụ thể, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28/2/2021.

Tiếp đó từ ngày 1/3/2021, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất chưa thanh toán sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Để đảm bảo việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận, Cục Thuế Hà Nội đề nghị các hộ gia đình, cá nhân lưu ý rà soát, xem kỹ trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của gia đình có còn được ghi nợ tiền sử dụng đất không. Trường hợp có ghi nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán nộp ngân sách Nhà nước thì đề nghị các hộ gia đình, cá nhân liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh các quận, huyện, thị xã ngay để được hướng dẫn thủ tục trả nợ theo chính sách quy định tại Nghị định 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ trước ngày 28/2/2021.

"Tránh trường hợp thanh toán trả nợ sau ngày 28/02/2021 thì sẽ bị tính tiền sử dụng đất phải nộp theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Giá đất của năm 2021 trở đi cơ bản cao hơn giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận", Cục Thuế Hà Nội cho hay.

Chung cư Hà Nội bán cắt lỗ hàng trăm triệu, nên mua luôn hay chờ giảm tiếp.

Theo infonet, thị trường bất động sản sau Tết Nguyên đán 2021, nhất là phân khúc căn hộ chung cư ở Hà Nội đã và đang xuất hiện thông tin rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở chung cư giá rẻ mà ngay cả phân khúc cao cấp cũng có.

Cách đây 4 năm, chị Thu Hường đã bỏ số tiền 1,3 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư 65m2 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cộng với tiền làm nội thất cơ bản hết 150 triệu đồng, tức là căn hộ có giá 1,450 tỷ đồng.

Đến giữa năm 2020 vì cần tiền làm ăn nên chị đã rao bán căn hộ đúng bằng chi phí bỏ ra là 1,450 tỷ đồng.

Nhưng rao bán gần 1 năm vẫn chưa có khách mua được nên chị Hường đành chấp nhận rao bán lỗ 200 triệu đồng.

Chung cư Hà Nội bán cắt lỗ hàng trăm triệu, nên mua luôn hay chờ giảm tiếp.

Tương tự trường hợp trên, một chủ căn hộ diện tích 65m2 với 2 phòng ngủ ở chung cư Mễ Trì rao bán cắt lỗ với giá rẻ hơn thị trường 140 triệu đồng từ cuối năm vừa rồi. Thế nhưng, đến nay anh cho biết, vẫn chưa bán được.

Anh Vũ Phong là người mua căn hộ ở một dự án cao cấp thuộc quận Cầu Giấy với mục đích để cho thuê. Dự án vừa bàn giao xong và đang làm sổ đỏ. Căn hộ có diện tích rộng hơn 170m2, anh mua với giá 6,4 tỷ đồng, giá gốc 37,5 triệu đồng/m2.

Đến nay anh Phong rao bán cắt lỗ hơn 255 triệu đồng. 

Lo lắng tình hình dịch bệnh sẽ khó khăn trong việc cho thuê căn hộ giá cao nên anh đành chấp nhận bán lỗ để nhanh đẩy hàng.

Xu hướng “cắt lỗ” căn hộ chung cư không phải bây giờ mới diễn ra, tình trạng này đã diễn ra từ cuối năm 2020 và kéo dài cho đến tận bây giờ. Theo quan sát trên thị trường, việc cắt lỗ này chủ yếu là ở  thị trường thứ cấp, những nhà đầu tư cần vốn nên bán hoặc những gia đình mua nhưng không có nhu cầu sử dụng hoặc đổi nhà  thì bán lỗ.

Chia sẻ với PV chị Nguyễn Thanh Thủy - phụ trách kinh doanh một sàn bất động sản ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thông thường các đơn vị môi giới hay tính tỷ lệ mất giá của các căn hộ chung cư, ít nhất sẽ là 20% trong thời gian sử dụng 3 năm đầu tiên. Con số này sẽ tăng lên tùy vào tỷ lệ khấu hao cũng như từng đơn vị môi giới bán hàng.

Song, nếu với những căn hộ chung cư ở những dự án có tranh chấp hay những dự án chưa có ‘sổ đỏ’  thì tỷ lệ mất giá có thể còn cao hơn.

Chị Thủy ví dụ, nếu ông A mua căn hộ chung cư 4 tỷ, nhưng sau 3 năm muốn bán lại thì bên môi giới sẽ trừ đi 20%, tức là 800 triệu đồng. Còn chần chừ không bán mà để lâu hơn thì tỷ lệ khấu hao có thể lên đến cả tỷ đồng.

Do đó, theo chị Thủy, khi thấy căn hộ chung cư cắt lỗ hàng trăm triệu thì cũng đừng vội vàng mua ngay. Thay vào đó, người mua cần tìm hiểu, đến tận nơi xem kỹ căn hộ, phân tích và so sánh với những căn hộ, dự án xung quanh, tránh bị thiệt khi mua.

Bất động sản du lịch tiếp tục “chìm” sâu trong khủng hoảng

Theo Kinhtedothi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, trong năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm mạnh (giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019) do chưa mở cửa du lịch quốc tế, đường bay thương mại quốc tế cũng hạn chế chỉ mở với một số khu vực đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngành du lịch đã có dấu hiệu phục hồi khi Chính phủ thực hiện kích cầu du lịch trong nước trong quý III. Tuy nhiên, sang quý IV lượng khách du lịch nội địa không duy trì được đà tăng do đã trải qua thời gian cao điểm của mùa du lịch của người dân.

Bất động sản du lịch tiếp tục “chìm” sâu trong khủng hoảng

Cụ thể, công suất thuê phòng khách sạn bình quân trong quý IV/2020 không có sự cải thiện, tính trong cả năm 2020 chỉ đạt khoảng 30 - 40% (giảm mạnh so với năm 2019). Giá cho thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường cũng giảm nhiều chỉ đạt khoảng 40% so với năm 2019.

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng số lượng dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép trong năm vẫn tương đối lớn. Cụ thể, trong năm trên cả nước có 147 dự án với 17.884 căn hộ du lịch, 4.178 biệt thự du lịch và 94 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 53 dự án với 200 căn hộ du lịch, 1.001 biệt thự du lịch đã hoàn thành. “Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng 4.050 căn hộ du lịch và 90 căn biệt thự du lịch trong năm 2020” - ông Hà Quang Hưng cho hay.

Liê quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhưng một số dự án đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng có chất lượng tốt, có khả năng khai thác kinh doanh tốt vẫn dành được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trên cả nước. Song vấn đề vướng mắc nhất hiện nay vẫn liên quan đến pháp lý của dự án. 

“Các cơ quan chính quyền các địa phương chưa có động thái gì đáng kể, đặc biệt là các vấn đề về pháp lý nên chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào BĐS du lịch. Nhiều dự án tại các địa phương đang gặp phải những vướng mắc về pháp lý nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng” - ông Nguyễn Văn Đính nói.

Nhà đầu tư đang tìm đến bất động sản để “găm giữ” tiền sau Tết? 

Theo reatimes,  các chuyên gia trong ngành, triển vọng đầu tư của thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai vẫn theo xu hướng khả quan. Khi các nhà đầu tư tìm kiếm một phân khúc bất động sản để rót vốn, mối quan tâm của họ thường là tiềm năng và khả năng sinh lời của phân khúc đó. Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, bất động sản đang là một kênh thu hút nhà đầu tư, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong khi nguồn cung rất khan hiếm, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào thị trường bằng những thương vụ trị giá lên đến hàng tỷ đô tại Hà Nội và TP HCM. Cùng với đó về cầu, nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường còn vượt con số 30% như các nghiên cứu được công bố. 

Nhà đầu tư đang tìm đến bất động sản để “găm giữ” tiền sau Tết

Đáng chú ý, những "tay to" đầu tư trên thị trường chủ yếu đến từ Hà Nội và TP HCM đang ở trạng thái bảo toàn vốn. Họ đã lãi lớn và rút khỏi thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc từ trước khi thị trường lao dốc. Nguồn vốn của họ hiện rất nhiều và chờ chực đầu tư tiếp. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dự báo, giá nhà đất năm 2021 dự báo tăng 10% năm 2020. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ mức 2020 sẽ dẫn đến kích thích đầu tư mạnh hơn. Dòng tiền vẫn tìm đến bất động sản để "cất giữ" trong trung, dài hạn. 

Liên quan đến vấn đề này, theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, sau Tết, dòng tiền vẫn có xu hướng đổ vào thị trường bất động sản. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư cơ hội luôn tìm kiếm các bất động sản mà nhà đầu tư khác đang muốn bán ra thu dòng tiền. 

Theo vị chuyên gia này, trong ngắn hạn, chúng ta đã có những lợi thế cả về mặt tinh thần, con người, về thị trường, trong nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. 

Năm 2021 thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu. Đối với thị trường bất động sản nói chung, thị trường nhà ở luôn là một điểm sáng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng, và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020.

Mặt khác, đối với thị trường bất động sản văn phòng, Trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu để ổn định về chi phí, lợi nhuận và có những chiến lược khác để phòng vệ trước những kịch bản khó khăn hơn có thể xảy ra. 

Ngoài ra, câu chuyện bất động sản nhà ở luôn là câu chuyện mà mọi người quan tâm nên thủ tục pháp lý là cái phải luôn lưu ý. Cuối cùng là việc chọn lựa dự án có thể đạt được các mục tiêu mà mình đưa ra thì phải dựa trên các yếu tố như tính thanh khoản, giá trị gia tăng và quản trị rủi ro vì đây là các yếu tố quan trọng khi chúng ta đầu tư vào một dự án. 

Phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ hơn 2.800ha

Theo reatimes, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, UBND TP HCM vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 một số phân khu thuộc dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ với các phân khu A, B, C, D, E; tổng diện tích hơn 2.800ha.

Phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ hơn 2.800ha

Cụ thể, phân khu A có quy mô khoảng 771,05ha; là khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân golf…), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự, chung cư), thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu sử dụng hỗn hợp và an ninh quốc phòng được bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 đã được UBND TP phê duyệt. Quy mô dân số tối đa 65.113 người.

Phân khu B có quy mô 586,88ha, chức năng là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ, công cộng đô thị, khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Quy mô dân số dự kiến khoảng 71.300 người.

Phân khu C có quy mô 303,47ha, tính chất là trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng bến cảng, nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị hiện đại gồm nhà ở liên kế, biệt thự, nhà cao tầng. Quy mô dân số dự kiến của khu C khoảng 26.300 người.

Còn phân khu D, phân khu E, có quy mô 2.870,9ha, trong đó, phân khu D quy mô 449,82ha, phân khu E có quy mô 758,78ha. Tính chất phân khu D, E là trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu nhà ở liên kế, biệt thự. Dự báo quy mô dân số tại 2 phân khu này khoảng 66.000 người.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện quy hoạch, UBND TP HCM yêu cầu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các phân khu phải tôn trọng, phát huy tốt nhất các giá trị thiên nhiên sẵn có, phát huy chức năng du lịch sinh thái biển theo nét đặc thù là khu đô thị du lịch sinh thái biển lớn nhất Việt Nam, đồng thời tiếp cận không gian cảnh quan ven biển phía Đông Nam và ven biển hồ trung tâm, kiểm soát mức độ bê tông hóa.

Liên quan đến vấn đề này, thành phố đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và đã được Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch.

Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng đang khẩn trương thực hiện các bước xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch chung TP Thủ Đức (thuộc TP HCM), quy hoạch phân khu 4 khu vực trọng điểm tại thành phố Thủ Đức cũng như duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi…

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bat-dong-san-du-lich-tiep-tuc-chim-sau-trong-khung-hoang-20201231000001054.html