Nghịch lý tại khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Hà Nội

Nhà A khu tập thể Ngọc Khánh được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1985. Ông Nguyễn Đức Tích, Tổ trưởng dân phố tổ 27, quản lý khu nhà A này cho biết: 10 năm sau khi đưa vào sử dụng, tòa nhà đã xuống cấp và người ta phải dùng hệ dầm sắt chữ U, V để chống đỡ khu vực cầu thang và hành lang.

Theo ghi nhận của PV tờ Dân trí, toàn bộ cột chịu lực, dầm ở khu vực cầu thang từ tầng 1 đến tầng 5 của khu này đều được gia cố lại bằng khung thép, giằng ở giữa là những thanh sắt lớn được hàn bắt thành chữ X.

Tòa nhà 30 tuổi thì dầm sắt gia cố cũng đã 20 tuổi.

Tòa nhà 30 tuổi thì dầm sắt gia cố cũng đã 20 tuổi.

Đến nay, chung cư này đã hơn 30 tuổi còn hệ dầm sắt cũng đã 20 năm tuổi, các khung dầm đã han rỉ nghiêm trọng. Ông Tích nói: “Không có dầm sắt này thì tòa nhà đã đổ lâu rồi”.

Toàn bộ tòa nhà hiện nay bị nghiêng rất lớn, có thể quan sát dễ dàng bằng mắt thường.

Cũng như nhiều khu chung cư cũ khác, toàn bộ tầng 1 đã bị cải tạo, mỗi hộ lấn ra bên ngoài hàng chục mét vuông. Các tầng trên thì nhiều “chuồng cọp” đua ra ngoài, cũ nát, bẩn thỉu.

Nhiều bộ phận của tòa nhà đã cũ nát.

Nhiều bộ phận của tòa nhà đã cũ nát.

Vợ chồng ông Hoàng Như Tiến (P.406) cho biết: Tình trạng ăn ở rất tệ. Mỗi lần mưa là nước ngập thành vũng, đi ở hành lang mà như đi lội nước.

Ông cũng cho biết, hơn chục năm qua, nhiều đơn vị đã vào đây để khảo sát, đánh giá và lên phương án sửa chữa, xây mới. Nhưng việc này không dễ dàng gì vì các hộ dân ở tầng 1 không đồng thuận với việc này.

Lý giải về điều này, Tổ trưởng Nguyễn Đức Tích nói: Những nhà ở tầng 1 cho thuê mỗi tháng được vài chục triệu đồng, thế nên chả ai muốn thay đổi cả. Còn các hộ từ tầng 2 đến tầng 5 đều đồng thuận cải tạo, xây mới.

Nhà A Ngọc Khánh được xếp loại chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội.

Nhà A Ngọc Khánh được xếp loại chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội.

Một chủ nhà hàng nằm ngay tầng 1 nhà A cho biết: Khi mở nhà hàng ở đây, anh phải đầu tư hàng trăm triệu để sửa sang, cải tạo. Mỗi tháng còn mất hàng chục triệu để duy trì. Tuy vậy, công việc làm ăn rất thuận lợi và đông khách.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hoa Trung, Phó Chủ tịch UBND phường khá bức xúc về việc “không rõ đơn vị nào” vào phường khảo sát và công bố mức độ nguy hiểm của khu chung cư. Ông thẳng thắn: Bây giờ đánh giá khu nhà A là nguy hiểm nhất, nhưng nếu có căn nhà khác sập trước thì sao? Cơ sở nào để đánh giá là nó nguy hiểm nhất?

Ông Trung đọc lớn cho PV nghe danh sách hàng chục khu chung cư xuống cấp trên địa bàn. Ông cho biết, nhớ được vậy là vì hàng năm, trước mùa mưa bão, UBND phường lại phải lên kế hoạch ứng phó, trong đó có thống kê các nhà chung cư cũ nát.

Tòa nhà đã bị nghiêng rất lớn.

Tòa nhà đã bị nghiêng rất lớn.

Cũ nát và xuống cấp như vậy, nhưng chính ông cũng thừa nhận, việc di chuyển, thay đổi, cải tạo, xây mới các khu chung cư này là không dễ dàng và việc này cần quyết định của UBND TP Hà Nội.

Vợ chồng ông Tiến (phòng 406) cho biết, mấy ngày nay ở đây người ta bàn tán nhiều về việc di chuyển, thay đổi chỗ ở khi khu chung cư mới được xây dựng. Thích ở nhà mới, an toàn, nhưng cũng sợ rằng chuyển đi tạm cư rồi không quay lại được khu này – nơi có vị trí đắc địa vừa là mặt đường, vừa là mặt hồ Giảng Võ.

Được đưa vào sử dụng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chung cư G6A Thành Công (đơn nguyên 1,2) được đánh giá thuộc nhà nguy hiểm cấp D, cấp độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình. Vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình bố trí nhà tạm cư và lập phương án di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực này.

Nhà G6A Thành Công, phường Thành Công được xếp hạng D đặc biệt nguy hiểm tại Hà Nội.

Nhà G6A Thành Công, phường Thành Công được xếp hạng D đặc biệt nguy hiểm tại Hà Nội.

Có mặt tại khu tập thể Thành Công ngày 22/2, sau khi văn bản của UBND TP được ban hành, tìm đến chung cư G6A đơn nguyên 2, theo lối cầu thang thấp tối chúng tôi gặp ông Nghiêm Xuân Tuy – Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc khu dân cư 12.

Chỉ tay quanh ngôi nhà hai vợ chồng ông đang sinh sống tại nhà G6A ông Tuy cho biết, ông về đây ở từ năm 1999 đến nay cũng không thấy hiện tượng xuống cấp chỉ duy nhất chỗ nối ra khu vực nới ngoài ban công có vết nứt thôi. Cửa đóng vào vẫn êm không bị vênh lệch gì.

Theo ý kiến chủ quan của ông cũng như nhiều hộ dân sinh sống tại đây phản ánh ý kiến tới ông thời gian qua thì họ chưa thấy mức độ nguy hiểm phải di dời.

“Ở đây hai chục năm nay thì nó cũng không thấy lún thêm, phát triển gì thêm nữa đâu. Người ta bảo không sao cả. Vết nứt ở 2 tòa nhà vẫn ổn định. Nhưng đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan còn cơ quan chức năng họ còn đánh giá trên nghiên cứu chuyên môn” – ông Tuy nói.

Ba lô, chuồng cọp vây kín nhà G6A Thành Công.

Ba lô, chuồng cọp vây kín nhà G6A Thành Công.

Trong khi đó quan sát vết nứt giữa 2 tòa nhà mà ông Tuy cho là “vẫn ổn định” là khe hở giữa 2 nguyên đơn của tòa nhà G6A chạy dài từ nền lên tận trên cùng tòa nhà.

Tình trạng nứt dột cũng diễn ra tại không ít căn hộ. Tình trạng cơi nới phổ biến tại các căn hộ. Có hộ đua ra ban công khoảng 1 – 1,5m, có hộ tận dụng cơi nới đeo balo, chuồng cọp được diện tích bằng cả 2 phòng gấp đôi diện tích thực tế căn hộ.

Trước thực trạng xuống cấp của tòa nhà, khi được hỏi người dân tỏ ra lo lắng nhưng khi nói tới chuyện di dời họ như trùng xuống. Bởi nhìn sang cảnh chung cư C1, bị di chuyển đi từ năm 2008 mà đến giờ vẫn “chưa đâu vào đâu” thì cũng không khỏi hoang mang.

Ngổn ngang di dời

Tờ VietnamNet ghi nhận ý kiến từ một số hộ dân tại nhà G6A cho biết đến nay họ chưa nhận được thông báo chính thức nào từ chính quyền quận phường. Các hộ dân mới chỉ biết thông tin qua việc tìm hiểu nghe xem trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng nằm trong danh sách 42 chung cư cũ nguy hiểm, nhà A1 Giảng Võ được đánh giá mức độ nguy hiểm loại C. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thanh tổ trưởng tổ dân phố nhà A1 cho biết người dân ở đây cũng không biết về thông tin này. Theo bà Thanh năm ngoái Sở Xây dựng cũng cử đoàn xuống khảo sát nhưng đến nay sau gần 1 năm vẫn chưa thấy có chuyển biến gì.

Nhà A1 Giảng Võ nhằng nhịt với hệ thống ống nước tự phát của người dân.

Nhà A1 Giảng Võ nhằng nhịt với hệ thống ống nước tự phát của người dân.

Phản ánh về cuộc sống tại khu nhà nằm trong mức độ nguy hiểm loại C này, bà Thanh cho biết, sống tại khu này cũng là quá cùng cực. Công trình phụ chung thì cực kỳ xuống cấp. Nhiều nhà tự đua ban công làm công trình phụ thải thẳng xuống đường cống chính rất ô nhiễm môi trường.

Các nhà trên tầng 4 do điều kiện sinh hoạt chật chội quá thì người ta lại đua nhau làm đè lên trên mái. Sự xuống cấp càng xuống cấp hơn hiện tượng nứt thấm dột khi trời mưa rất sợ.

Nhà nào cũng phải chăng nilon bê thùng, chậu ra để hứng. Hành lang, cầu thang chật chội ẩm thấp. Hành lang cầu thang nhà A2 cũng chỉ còn trơ những thanh sắt hoen gỉ.

Dù xuống cấp, dù lo lắng nhưng cũng giống như không ít người dân tại khu nhà G6A Thành Công khi nhắc tới chuyện di dời người dân cũng thấy trăm nỗi ngổn ngang.

“Không cần phải nhìn đâu xa ngay ở B6 Giảng Võ sau bao nhiêu năm đến nay vẫn chưa thấy gì nhô lên mặt đất nên người dân cũng khó có niềm tin” – bà Thanh nói trên tờ VietnamNet./.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam