Theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trong năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023 của Quốc hội Khóa XV. Đây là một trong những Luật được cả người dân và doanh nghiệp mong đợi với kỳ vọng gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội.

Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất chỉnh sửa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cũng là để phù hợp với Luật Đất đai mới, phù hợp với chương trình của Quốc hội. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua một luật và sửa 10 luật, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và dự án. Như vậy, trong năm 2021, sẽ có 2 văn bản pháp lý sẽ được ban hành: Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh Bất động sản và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản. Cả hai văn bản quy phạm pháp luật này dự báo sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách về kinh doanh nhà, công trình xây dựng có sẵn. Theo đó, bổ sung quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản. Về kinh doanh nhà ở có sẵn: Bổ sung quy định làm rõ, cụ thể về yêu cầu đối với chủ đầu tư và đối với dự án nhà ở khi bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở có sẵn.

Đề xuất sửa Luật kinh doanh BĐS & Luật Nhà ở để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS

Đề xuất chính sách về kinh doanh nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Hướng sửa đổi là bổ sung quy định cụ thể về yêu cầu đối với chủ đầu tư và đối với dự án bất động sản khi kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai; bổ sung quy định về bảo lãnh khi bán công trình xây dựng hình thành trong tương lai (đặc biệt là các công trình văn phòng lưu trú, căn hộ du lịch…). Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng, thanh toán, bàn giao, yêu cầu và trách nhiệm các bên trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Đối với chính sách về kinh doanh quyền sử dụng đất, hướng sửa đổi là: Bổ sung quy định cụ thể về các hình thức kinh doanh quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, bao gồm: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để tổ chức, hộ gia đình xây dựng nhà ở; chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tổ chức xây dựng công trình theo dự án. Đối với chính sách về kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản: Sửa đổi, bổ sung quy định phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Bổ sung các quy định về quản lý các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản. Bổ sung quy định về hình thức quản lý đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hành nghề môi giới tại Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của môi giới bất động sản. Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Đề xuất chính sách về kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện về năng lực tài chính đối với việc thành lập sàn giao dịch bất động sản; bổ sung quy định về chế độ báo cáo của sàn giao dịch bất động sản; bổ sung quy định các mô hình sàn giao dịch bất động sản; sửa đổi, bổ sung quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch bất động sản…

Song song với đó, Chính phủ cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua một luật và sửa 10 luật, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và dự án. Do đó, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS dự báo thị trường sẽ phát triển khởi sắc hơn sau khi vấn đề pháp lý được hoàn thiện.

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2015. Qua đánh giá, tổng kết sơ bộ về thi hành cho thấy Luật đã bảo đảm thông thoáng về môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp trong và ngoài nước; không làm phát sinh thủ tục hành chính, giấy tờ…. và tạo điều kiện để thị trường bất động sản hoạt động theo cơ chế thị trường.

Qua 6 năm triển khai thực hiện, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, tồn tại hạn chế về kinh doanh nhà, công trình xây dựng có sẵn; về kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; về kinh doanh quyền sử dụng đất, về chuyển nhượng dự án bất động sản…

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có VB số 2378 gửi đến UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành; đề nghị xem xét lại những bất cập, mâu thuẫn chồng chéo trong luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng 2014. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều bộ, ngành (Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên - Môi trường, Văn hoá - Thể thao - Du lịch, Kế hoạch - Đầu tư, Công thương, Quốc phòng, Công an); các Hội, Hiệp hội (Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) rà soát các quy định bất cập của luật Quy hoạch đô thị và luật Xây dựng 2014.

Bộ Xây dựng đề nghị soát lỗi Luật Quy hoạch, xây dựng (Ảnh: Internet)

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu tổng kết đánh giá toàn diện những mâu thuẫn, chồng chéo giữa pháp luật chuyên ngành có liên quan với pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, giải pháp việc thực hiện Luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng; xây dựng báo cáo tổng kết theo đề cương do Bộ Xây dựng soạn thảo.

Về tình hình triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, văn bản của Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương nêu rõ về kết quả đạt được, các tồn tại, vướng mắc; nêu rõ các đề xuất, kiến nghị về sửa đổi, bổ sung luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch xây dựng tại luật Xây dựng và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Đối với các tỉnh, ngoài các nội dung nêu trên, trong văn bản, Bộ Xây dựng đề nghị đánh giá việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch xây dựng thuộc luật Xây dựng 2014 tại địa phương.

Về vấn đề pháp lý của BĐS, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế từng cho rằng, nếu vấn đề này được giải quyết, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng nhanh, thị trường BĐS vốn đang tốt sẽ ngày càng tốt hơn.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, cho vay nhà ở của hệ thống ngân hàng tăng rất tốt, khoảng 9-10%, dư nợ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay kinh doanh đầu tư BĐS là 700.000 tỷ đồng. Hết 9 tháng, có khoảng 1.000 doanh nghiệp BĐS trở lại làm việc và khoảng 5.400 doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới, số này đăng ký vốn khoảng 343.000 tỷ đồng, góp phần tạo ra 35.000 việc làm.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bo-xay-dung-de-xuat-sua-2-luat-tac-dong-den-thi-truong-bds-20201231000003896.html