Đối với thành phố có hơn 2 triệu học sinh như Hà Nội, các lớp học có sĩ số trung bình từ 40 - 60 học sinh. Vì vậy, phương án thực hiện quy định giãn cách tối thiểu 1,5 mét giữa các học sinh, mỗi học sinh ngồi 1 bàn hoặc 2 học sinh ngồi 1 bàn hoặc ngồi so le là không khả thi. Vậy, Hà Nội định “giải bài toán” khó này như thế nào?

Các trường học rối bời…

Theo Công văn số 2234 của Bộ Y tế về việc triển khai phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục, tất cả học sinh giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường. Ở trường, học sinh phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 mét. Mỗi học sinh ngồi 1 bàn hoặc 2 học sinh ngồi 1 bàn hoặc ngồi so le...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị các địa phương thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y tế với phương án đưa ra là mỗi lớp học có thể tách đôi để đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh là 1,5 mét.

Yêu cầu này khiến các trường học đang rối bời và thấp thỏm chờ đợi hướng dẫn bởi quy định này không thể thực hiện đại trà với điều kiện trường lớp và giáo viên như hiện nay.

Hiệu trưởng một trường ở quận Hà Đông chia sẻ, Bộ GD&ĐT đang “làm khó” các trường. Một mặt, Bộ ra quy định phải kết thúc năm học chậm nhất vào ngày 15/7, giữ kỳ thi THPT vào tháng 8, bất kể dịch bệnh, hay học sinh có đi học được hay không. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT tuyên bố đảm bảo an toàn với những tiêu chí: Không quá 20 học sinh/lớp; mỗi học sinh phải cách nhau tối thiểu 1,5 mét… và “nếu không đảm bảo những quy định đó thì không cho học sinh trở lại trường”.

“Nếu thực hiện theo đúng yêu cầu này, mỗi lớp học phải chia đôi, thậm chí chia ba mới đảm bảo. Việc này là bất khả thi trong điều kiện trường lớp và giáo viên như hiện nay. Thêm vào đó, dù quy định học sinh ngồi cách nhau ít nhất 1,5m nhưng liệu có cấm được các em giao tiếp với nhau?”, lãnh đạo trường này nêu quan điểm.

Khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định mới cho học sinh đi học đại trà

Trước băn khoăn của các nhà trường, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định thì mới cho học sinh đi học đại trà. Trong giai đoạn này chỉ ưu tiên học sinh cuối cấp (lớp 9 và 12), dự kiến đi học trở lại vào ngày 4/5 tới.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc học sinh quay trở lại trường học phụ thuộc vào tình hình tiến triển của dịch bệnh và do Chủ tịch UBND TP quyết định. Sở đã tham mưu với TP, dự kiến kịch bản thời gian đưa học sinh quay trở lại trường học.

Nếu sớm nhất, khối 9 và khối 12 sẽ trở lại trường vào ngày 4/5. Các khối khác sẽ trở lại trường vào thời gian sau đó. Riêng tại hai huyện Thường Tín và Mê Linh, nếu hết giai đoạn cách ly, học sinh sẽ đi học trở lại bình thường như các quận huyện khác. Nếu chưa hết cách ly, Sở sẽ đề xuất phương án lùi thời gian đi học ở hai khu vực này.

Để đảm bảo an toàn, Sở yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của ngành Giáo dục, Y tế trong công tác khử khuẩn, chuẩn bị đồ dùng vật tư cần thiết như nước rửa tay, xà phòng nước diệt khuẩn, khẩu trang để hỗ trợ các em học sinh. Một trong những điều kiện quan trọng là học sinh khi đến trường đều được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào trường.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thông tin: Trong kịch bản tham mưu với UBND TP, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất theo từng giai đoạn.

Giai đoạn đầu (ngày 4/5) học sinh khối 9 và 12 đi học trước. Lúc này đủ phòng và đủ cơ số giáo viên để chia tách ra từng lớp nhỏ, đáp ứng việc dạy học, đảm bảo giãn cách theo quy định. Sau đó 2 tuần, dự kiến các lớp từ 5 - 12 sẽ đến trường. Cuối tháng 5/2020, các lớp còn lại của bậc tiểu học sẽ tiếp tục đi học trở lại. Riêng trẻ mầm non sẽ trở lại trường vào đầu tháng 6/2020.

Trên địa bàn ở khu vực nội thành Hà Nội, các trường đều phải học 2 ca. Thực hiện giãn cách, mỗi lớp học phải chia ít nhất thành 2 lớp nhỏ thì sẽ không đủ số phòng học. Trong khi đó đội ngũ giáo viên hiện nay cũng chỉ đủ cơ số theo quy định. Nếu giáo viên dạy 2 lớp thì số lượng cần tăng ít nhất gấp đôi. Bởi vậy, yêu cầu giãn cách rất khó thực hiện.

Việc giãn cách thực hiện 1,5 mét khi học sinh đi học đại trà thì không thể đáp ứng được. Vì vậy phương án được chọn là khối nào cần ưu tiên thì cho các em trở lại trường sớm. Còn khối khác vẫn tiến hành dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình bình thường ở nhà. Khi nào kiểm soát dịch bệnh ổn định thì sẽ cho các em đi học, lúc đó không cần phải giãn cách nữa.

Có thể 1 tuần các em học 3 buổi ở trường, các buổi khác các em học ở nhà theo hình thức học trên truyền hình hoặc học trực tuyến. Qua thời gian triển khai, học sinh Hà Nội đều tham gia học trên truyền hình hoặc học trực tuyến với tỷ lệ cao và đạt hiệu quả tương đối tốt.

Nếu bắt đầu đi học trở lại từ ngày 4/5, đối với khối 9 và 12 sẽ còn khoảng 10 tuần, học sinh có thể kết thúc được năm học theo chương trình đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT. Đối với các khối lớp khác, Sở đã tính phương án lùi còn 6 - 8 tuần. Trong thời gian đó, các em vẫn học từ xa, Sở sẽ sắp xếp để cung cấp kiến thức cho các em và tiến hành một số bài kiểm tra định kì để các em có kiến thức theo yêu cầu, đồng thời đảm bảo việc kiểm tra đánh giá học sinh.

Liên quan đến việc đánh giá chất lượng của việc dạy học trực tuyến, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã xin ý kiến của Bộ GD&ĐT về việc đánh giá qua hình thức trực tuyến, kết hợp với đánh giá trực tiếp khi học sinh quay trở lại trường. Nếu học sinh nào còn yếu, còn hổng kiến thức thì các thầy cô sẽ có trách nhiệm hỗ trợ bồi dưỡng phụ đạo để đảm bảo cho các em có đủ kiến thức cơ bản theo quy định.

Trong quá trình dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu giáo viên phải kiểm soát tình hình học tập của học sinh. Khi học sinh trở lại trường, việc đó được tiến hành chặt chẽ, để đảm bảo học sinh đạt được chuẩn kiến thức mà chương trình đặt ra.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô