Vướng mắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tại dự án nhà ở xã hội
Hiệp hội nhận thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn tại các đô thị, trước hết là tại các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ để phát triển các loại nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân tại từng địa phương, tránh tình trạng nhà ở xã hội bị “ế” như đã xảy ra tại một số địa phương.
Bởi lẽ, Liên đoàn Lao động TPHCM đã khảo sát, điều tra xã hội học, kết quả cho thấy có đến khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà trọ với giá thuê phòng trọ chỉ tầm khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng và chỉ chịu đựng nổi chi phí thuê nhà tầm khoảng 20% thu nhập hàng tháng và chỉ muốn làm việc trong khoảng 10-15 năm rồi trở về quê và trong lúc còn rất thiếu các khu nhà lưu trú công nhân, ký túc xá của Nhà nước hoặc của doanh nghiệp đầu tư thì đã có đến khoảng 60.470 cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng các khu nhà trọ với nhiều phòng trọ cho thuê hoặc nhà ngăn phòng cho thuê với tổng số khoảng 560.219 phòng trọ.
Trong đó bao gồm 38.800 khu nhà trọ (tập trung) với 357.246 phòng trọ và 25.670 nhà (căn hộ) ngăn phòng cho thuê với 202.973 phòng trọ, góp phần giải quyết nhu cầu thuê phòng trọ cho hơn 1,4 triệu công nhân, lao động, người nhập cư và có cả thành phần trí thức, chuyên viên thuê nhà trọ, nên rất cần bổ sung chính sách “Nhà nước hỗ trợ về nhà ở” đối với các “chủ nhà trọ” trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở, trong đó đề nghị xem xét giảm bớt một chút mức “thuế khoán” thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng bằng 7%/doanh thu dối với các chủ nhà trọ hiện nay là khá cao, chưa thật hợp tình hợp lý. Do vậy, cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê.
Trọng tâm của Hội nghị hôm nay là tập trung “tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội” để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, mà khó khăn đầu tiên là quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với tất cả các loại dự án nhà ở, nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội.
Hiệp hội nhận thấy, nếu quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại đã “khó 1” thì đối với dự án nhà ở xã hội lại “khó gấp đôi” nên đã dẫn đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 của cả nước chỉ đạt khoảng 41%, trong đó TPHCM tuy đạt 75% kế hoạch nhưng số lượng thực tế chỉ có 15.000 căn nhà ở xã hội (bình quân 3.000 căn/năm) chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Trong giai đoạn 2021 - 2023, cả nước chỉ mới hoàn thành 72 dự án nhà ở xã hội với 38.128 căn hộ chỉ đạt gần 9% kế hoạch 5 năm 2021-2025 là 446.000 căn; Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh chỉ hoàn thành đưa vào sử dụng 02 dự án nhà ở xã hội với 623 căn hộ (chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020) và đã khởi công 07 dự án nhà ở xã hội với 4.996 căn hộ nhưng bị “vướng mắc về pháp lý” nên gần như chưa thể triển khai thi công.
Còn đối với các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất thì bị “ách tắc” ngay từ thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” do “bất cập” của điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định “việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch” .
Nhưng không chỉ do vướng “bất cập” tại điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP mà còn vướng “bất cập” tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định 99/2015/NĐ-CP) quy định.
Chính vì “vướng mắc” thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với các dự án nhà ở xã hội do điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP mà Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 “về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”, nhưng mới chỉ tháo gỡ “vướng mắc” về “việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch” đối với các dự án nhà ở xã hội tại TPHCM nên các dự án nhà ở xã hội tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn bị “vướng”.
9 giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội
Để “tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội” để tăng nguồn cung căn hộ nhà ở xã hội, Hiệp hội đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, Đề nghị tháo gỡ ngay thủ tục về “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với tất cả dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại trong phạm vi cả nước, Hiệp hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Thứ hai, trên cơ sở sửa đổi bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP (nêu trên), Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch Kiến trúc) các địa phương thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án nhà ở xã hội (và cả dự án nhà ở thương mại) đã có “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” vận dụng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội quy định “Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh theo quy định của pháp luật trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và triển khai các bước tiếp theo của dự án”, mà Hiệp hội đã đề nghị bổ sung vào điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP.
Thứ ba, về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị các địa phương triển khai “đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất” đối với dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực và khai thác sử dụng hiệu quả “quỹ đất công (đất sạch)” đã được quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, khắc phục tình trạng “lãng phí” nguồn lực đất đai như đã xảy ra trước đây.
Thứ tư, về nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, để bố trí “tái cấp vốn” cho Ngân hàng chính sách xã hội hoặc “cấp bù lãi suất” cho 4 ngân hàng thương mại (Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV) được Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội. Bởi lẽ trong giai đoạn 2015-2020, do chưa bố trí được nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội nên các chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội gần như không được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Thứ năm, Hiệp hội đề nghị bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Thứ sáu, “Bất cập, vướng mắc” về “xử lý chuyển tiếp” về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại dành một phần quỹ đất (quỹ đất 20%) của dự án để phát triển nhà ở xã hội, bởi lẽ Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định dự án từ 10 ha trở lên thì phải xây dựng nhà ở xã hội trong dự án; dự án dưới 10 ha thì chủ đầu tư được xây nhà ở xã hội trong dự án hoặc hoán đổi quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương hoặc thanh toán bằng tiền.
Thứ bảy, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung đối tượng “chủ nhà trọ” được hưởng “chính sách hỗ trợ về nhà ở khi tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở” phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, bởi lẽ đối tượng này đã góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở ngày càng có chất lượng tốt hơn cho công nhân, lao động, người nhập cư. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính xem xét đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét quy định mức “thuế khoán” thuế thu nhập cá nhân bằng 5%/doanh thu dối với các chủ nhà trọ thì hợp tình hợp lý hơn.
Thứ tám, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi Quyết định số 510/QĐ-BXD ngày 19/05/2023 “công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2022” đối với “suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội” theo hướng bảo đảm tương đương với “suất vốn đầu tư xây dựng công trình” nhà ở thương mại, bởi lẽ “suất vốn đầu tư xây dựng công trình” nhà ở xã hội theo Quyết định 510/QĐ-BXD chỉ bằng 76% “suất vốn đầu tư xây dựng công trình” nhà ở thương mại cùng loại là chưa hợp lý, chưa đảm bảo thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội để người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.
Thứ chín, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan có thẩm quyền để “nghiên cứu ban hành chính sách tín dụng cho vay sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn khu vực nông thôn” để thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ và hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thành công chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2024 của địa phương.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/horea-de-xuat-9-giai-phapthao-go-kho-khan-cho-cac-du-an-nha-o-xa-hoi-118357.html