Mua căn hộ chung cư trả góp đang là lựa chọn của rất nhiều gia đình có thu nhập bình dân, mong muốn sở hữu một căn chung cư ở Hà Nội.
Vậy, để có thể mua một căn hộ chung cư dưới hình thức trả góp, khách hàng cần chuẩn bị những thủ tục gì?
Chung cư trả góp là gì?
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Mua căn hộ trả góp là một hình thức vay vốn thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay.
Đây là một hình thức tín dụng rất có lợi ích cho người có nhu cầu thật, chỉ cần thanh toán trước một phần tiền là nhận nhà ở ngay, số tiền còn lại sẽ trả góp theo hình thức dư nợ giảm dần.
Mua chung cư trả góp cần điều kiện gì?
Để mua căn hộ chung cư trả góp thì người mua phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định để được ngân hàng cho vay, như:
- Chứng minh có thu nhập ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng
- Có tài sản thế chấp, cầm cố dùng để bảo đảm thuộc sở hữu của chính người vay hoặc được thân nhân có tài sản thế chấp, cầm cố bảo lãnh. Tài sản thế chấp có thể là chính căn nhà dự định mua hoặc bằng tài sản khác.
Thủ tục vay tiền căn hộ trả góp tại ngân hàng gồm:
- Hồ sơ nhân thân: Chứng minh nhân dân/hộ chiếu; Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (Đăng ký kết hôn của hai vợ chồng (nếu đã kết hôn) hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Nếu chưa kết hôn, người mua nhà cần đến UBND xã/phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để xin “giấy xác nhận độc thân”), Sổ hộ khẩu (sổ hộ khẩu hoặc KT3 (sổ tạm trú); với khoản vay mua nhà trả góp tại nơi khác quê quán của bạn, ngân hàng yêu cầu bạn cần phải có KT3 tại nơi vay vốn.
- Hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn: Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu sẵn của ngân hàng); Hợp đồng mua bán nhà; Chứng từ nộp tiền các lần đã thanh toán vốn tự có; Giấy chứng nhận quyền sở hữu & hồ sơ pháp lý của nhà đất dự định mua.
- Hồ sơ chứng minh nguồn thu nhập trả nợ:
+ Nếu nguồn thu nhập từ lương, phụ cấp và các khoản tương đương: Hợp đồng lao động/sao kê tài khoản nhận lương (Nếu nhận lương chuyển khoản); hoặc bảng lương và xác nhận lương của công ty (nếu nhận lương tiền mặt).
+ Nếu nguồn thu nhập từ cho thuê tài sản: Hợp đồng cho thuê tài sản; Chứng từ nhận tiền thuê 3 kỳ gần nhất; Giấy tờ pháp lý tài sản cho thuê; Ảnh chụp tài sản cho thuê.
+ Nếu nguồn thu nhập từ kinh doanh: Giấy Đăng ký kinh doanh hộ cá thể/doanh nghiệp; Giấy tờ thể hiện kết quả kinh doanh: Sổ sách ghi chép bán hàng, báo cáo tài chính công ty, tờ khai thuế & Chứng từ nộp thuế…
- Hồ sơ khác: Nếu đang có khoản vay tại các ngân hàng hay tổ chức tín dụng khác thì cần chuẩn bị thêm những hồ sơ như hợp đồng tín dụng, sao kê tài khoản thanh toán...
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ và cung cấp các hồ sơ cần thiết, phía ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ vay của bên mua. Quy trình thẩm định thông thường bao gồm:
- Kiểm tra lịch sử tín dụng & điểm tín dụng;
- Thẩm định qua trao đổi điện thoại;
- Thẩm định thực tế nơi cư trú, nơi làm việc/kinh doanh và đi thực địa để định giá tài sản đảm bảo (TSĐB).
Trong quá trình thẩm định, việc định giá TSĐB có thể được thực hiện đồng thời hoặc sau khi có quyết định chấp thuận cho vay.
Bộ phận định giá có thể chính là ngân hàng hoặc các công ty định giá độc lập. Giá trị TSĐB được dùng làm một trong những căn cứ để ngân hàng phê duyệt mức cho vay đối với khách hàng. Chi phí định giá có thể do khách hàng hoặc ngân hàng chi trả (tùy theo quy định của mỗi ngân hàng).
Nếu hồ sơ đủ điều kiện vay vốn, phía ngân hàng sẽ gửi đến bên mua thông báo cấp tín dụng và tiến hành các thủ tục liên quan tới việc thế chấp tài sản đảm bảo và giải ngân khoản vay:
Trường hợp đã hoàn thành thủ tục sang tên: Các bên ký hợp đồng thế chấp công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Văn phòng đăng ký đất đai quận/huyện, hoặc tỉnh/thành phố) và ngân hàng giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu trước khi giải ngân cho khách hàng.
Trường hợp chưa hoàn thành thủ tục sang tên: Bên mua, bên bán và ngân hàng ký thỏa thuận 3 bên về việc giải ngân phong tỏa sổ tiết kiệm/mở tài khoản tạm khóa đối với khoản tiền giải ngân cho bên mua.
Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, ngân hàng giải ngân khoản vay vào sổ tiết kiệm/tài khoản tạm khóa đứng tên bên bán và phong tỏa toàn bộ số tiền này trong quá trình hai bên mua bán thực hiện thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng sẽ giải tỏa sổ tiết kiệm/tài khoản tạm khóa cho bên bán sau khi bên vay vốn (Bên mua) ký hợp đồng thế chấp công chứng và thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhân viên tín dụng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay thực tế của khách hàng, hiện trạng tài sản đảm bảo, tình hình tài chính của khách hàng... để đảm bảo khả năng thu nợ.
Chỉ khi nào khách hàng trả hết nợ và lãi cho ngân hàng thì khi đó quy trình cho vay mới kết thúc, các bên sẽ thanh lý hợp đồng.