1. Sự tích ông Công ông táo

Sự tích ông Công ông Táo kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng rất nghèo khổ, người chồng tên là Trọng Cao, người vợ tên là Thị Nhi. Hai người lấy nhau đã lâu mà không có con, chính vì vậy cuộc sống hai vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi.

Một ngày nọ, vì quá tức giận mà Trọng Cao đánh vợ mình. Giận chồng, Thị Nhi bỏ nhà ra đi và bị một người đàn ông có tên Phạm Lang dùng lời ngon ngọt để quyến rũ, hai người sống như vợ chồng. Một thời gian sau, Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mãi không về, liền nóng ruột đi tìm khắp nơi nhưng không có tung tích gì. Ông quyết định bỏ nhà, bỏ công ăn việc làm để đi hành khất tìm vợ.

Một hôm vì quá đói và mệt, Trọng Cao gõ cửa một nhà giàu để xin ăn thì được bà chủ – chính là Thị Nhi mang cơm ra cho. Hai người bàng hoàng khi nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ lại ùa về. Thế nhưng, Phạm Lang lại sắp đi làm đồng về, Thị Nhi bèn bảo Trọng Cao trốn vào trong đống rơm ở góc vườn. Vì quá mệt mỏi nên Trọng Cao ngủ thiếp đi không biết gì.

Thật không may, Phạm Lang về nhà mục đích là để lấy tro mang ra bón ruộng, nên ông bèn châm lửa đốt đống rơm mà Trọng Cao đang say ngủ trong đó. Nhìn thấy người chồng cũ của mình bị chết cháy, Thị Nhi bèn lao vào lửa để chết theo. Phạm Lang vì thương vợ nên cũng lao mình vào đám cháy để cùng chết.

Thượng đế (ông Trời) thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc:

-Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.

-Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.

-Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.

2. Ngày giờ nào cúng ông Táo tốt nhất năm Mậu Tuất 2018?

Ngày nay nhiều gia đình vì điều kiện không cho phép hoặc quá bận rộn, khó sắp xếp thời gian và công việc, nên thường tiến hành cúng ông Công ông Táo từ tối ngày 22 tháng Chạp. Tuy nhiên, tốt hơn hết vẫn nên cúng đúng ngày 23 tháng Chạp.

Nghi thức tiễn Táo quân về trời là một trong những lễ quan trọng đối với người Việt. Đây không chỉ là lễ cúng để bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn đối với các vị thần trong nhà mà còn là dịp để gia chủ cầu may mắn cho năm mới.

Ngày nào cúng ông công ông táo 2018 thì phù hợp, cúng ông Táo giờ nào tốt nhất? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về vấn đề này.

Xem Lịch vạn niên, ngày 23 tháng Chạp là ngày Ất Sửu.

– Cúng ông Táo vào lúc 7 giờ sáng ngày 23 tháng Chạp

Theo bà Nguyễn Võ Uyên Mi, chuyên gia phong thủy, các gia đình có thể tiến hành cúng ông Công ông Táo vào 7 giờ sáng (giờ để giải hung).

Cúng ông Táo vào giờ này có thể hóa giải những xung đột, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời mang tới sức khỏe tốt lành, an khang thịnh vượng.

– Cúng ông Công ông Táo vào lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng Chạp

Bên cạnh đó, có thể cúng Táo quân chầu trời vào lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng Chạp. Đây là giờ Tốc hỷ trong ngày.

Đưa tiễn ông Táo về trời khoảng thời gian này thì gia chủ gặp nhiều may mắn, công việc cả năm thuận buồm xuôi gió.

– Nên cúng ông Táo trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp

Ngoài ra, dù bận rộn thế nào đi nữa, các gia đình nên tiến hành nghi lễ cúng khấn, đưa tiễn ông Táo về trời trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp để các Táo kịp giờ trình diện Ngọc Hoàng, báo cáo về những việc trong năm vừa qua.

Theo An Nhiên / Reatimes