Đối tác chương trình “du học tại chỗ” của Trường PT quốc tế Newton là trường “ma”

Ngôi trường mang tên George Washington International School (GWIS) được giới thiệu là đối tác trong chương trình “du học tại chỗ” của Trường phổ thông quốc tế Newton (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2012 đến nay.

Theo đó, Newton giảng dạy chương trình GWIS song song với chương trình Việt Nam nên học sinh nhận bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và của Bộ Giáo dục Mỹ (song bằng).

Chương trình liên kết giữa Trường GWIS với Trường TC Đông Nam Á

Chương trình liên kết giữa Trường GWIS với Trường TC Đông Nam Á

Theo đó, Newton giảng dạy chương trình GWIS song song với chương trình Việt Nam nên học sinh nhận bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và của Bộ Giáo dục Mỹ (song bằng).

Tuy hoạt động liên kết đã được thực hiện từ nhiều năm nay tại nhưng gần đây trường GWIS vấp phải nhiều nghi vấn là trường “ma”.

Thực tế cho thấy, trên website trường này không có hình ảnh học sinh Mỹ, chỉ có học sinh Việt Nam nhận bằng và cấp tại Việt Nam. Các thông tin trên website cũng cho thấy trường này không có thông tin học sinh mà chỉ giới thiệu các đại lý và 3 chi nhánh tại Hà Nội, Trung Quốc và Ấn Độ.

Trường cũng không có năm thành lập, không có hoạt động học hành, trường lớp, giáo trình, không giáo viên, không được tổ chức nào công nhận ngoài những tấm hình lớp học tại Trường Newton ở Việt Nam.

Các nguồn tin cũng không tìm được thông tin nào về giáo viên, bằng cấp (bao gồm hiệu trưởng, hội đồng giáo dục nhà trường và giáo viên), thời gian biểu, chương trình cụ thể mà chỉ có những thông tin chung chung. Trên website của trường có thông báo tuyển giáo viên nhưng chỉ tuyển sang Trung Quốc và Việt Nam giảng dạy.

Còn nếu lần theo địa chỉ của trường GWIS được công bố trên website thì sẽ dẫn đến một Trung tâm biểu diễn nghệ thuật và giáo dục California, một nơi chuyên cho thuê địa điểm để thực hiện các hoạt động liên quan đến nghệ thuật và giáo dục.

Ảnh chụp thực tế theo địa chỉ Trường GWIS. Đây là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật và giáo dục California (CEPAC)

Ảnh chụp thực tế theo địa chỉ Trường GWIS. Đây là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật và giáo dục California (CEPAC)

Ở Mỹ, thông thường các trường uy tín sẽ được kiểm định qua các tổ chức kiểm định được công nhận bởi Bộ Giáo dục liên bang Mỹ (U.S.Department of Education) và Hội đồng Đánh giá chuẩn giáo dục phổ thông và ĐH Mỹ (Council for Higher Education Accreditation - CHEA). Tuy nhiên, trường GWIS lại không có bất kỳ thông tin nào ở hai cơ quan này, nghĩa là không được kiểm định.

Ủy ban Quản lý cấp cao Đại học và Cao đẳng (WASC) là một tổ chức đánh giá tín nhiệm và xếp hạng của toàn bộ các trường học (tiểu học, phổ thông, Đại học...) tại vùng phía Tây nước Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng GWIS đặt tại California nên nếu là trường nghiêm túc thì phải là thành viên đã được xếp hạng của WASC. Nhưng trường này cũng không có tên trong WASC.

Các tổ chức kiểm định khác tại vùng phía Tây Mỹ được chính phủ Mỹ chứng nhận cũng không hề có bất cứ thông tin gì về GWIS. Website của Bộ Giáo dục tiểu bang Florida và California cũng không có trường nào tên GWIS trong danh sách các trường tư thục tại Orlando và Ontario.

Trong khi đó, theo luật của bang California, cứ trường nào có từ 6 học sinh trở lên phải có báo cáo với Bộ Giáo dục tiểu bang California.

Phụ huynh trường Newton nói gì? 

Sau khi vụ việc trường Newton bị phát hiện liên kết với trường "ma" ở Mỹ để đánh bóng tên tuổi, khá nhiều bậc phụ huynh đã tỏ ra hoang mang vì nếu sự việc này là thật thì đồng nghĩa với việc họ đã bị nhà trường lừa trong một thời gian dài. 

"Nếu trường GWIS là trường "ma" thì tấm bằng thứ 2 của con sẽ không còn ý nghĩa gì. Quan trọng hơn hết, việc lừa đảo trong môi trường giáo dục là một điều khó chấp nhận", anh M., một phụ huynh có con đang học tại trường Newton bức xúc.  

Trong khi đó, vẫn có những bậc làm cha mẹ cho biết họ không quan tâm đến việc GWIS là thật hay giả. Họ chỉ cần biết con em họ vẫn yêu trường và thích học tại trường là được.

Các hoạt động ở trường Newton vẫn diễn ra bình thường sau khi các thông tin về việc liên kết với trường

Các hoạt động ở trường Newton vẫn diễn ra bình thường sau khi các thông tin về việc liên kết với trường "ma" bị vỡ lở.

Chị T.T.H (mẹ của một học sinh lớp 3G5) nói: “Tôi không quan tâm đến việc nhà trường liên kết hợp tác với trường nào. Việc hợp tác quốc tế là việc của lãnh đạo Hội đồng quản trị. Còn chúng tôi chỉ quan tâm tới chất lượng đào tạo, giúp các con lĩnh hội tri thức, tình yêu thương để mang lại những gì tốt đẹp nhất cho các con mà thôi. Con tôi đã học ở đây 3 năm, cháu rất yêu trường, thích đến trường. Đối với tôi như thế là đủ”.

Khi được hỏi về tính pháp lý của trường Newton, GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cho rằng, “Trường phổ thông quốc tế Newton dù có tên gọi “quốc tế” nhưng thực chất là một trường ngoài công lập của Việt Nam, có nhiều chương trình giáo dục khác nhau". 

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cân nhắc nhiều yếu tố, quan trọng nhất là môi trường giáo dục và giáo trình khi gửi con đến học chứ không chỉ quan tâm đến cái mác quốc tế.

Bình An/Reatimes