“Đứng cho vay, quỳ đòi nợ” là câu nói khá phổ biến trong giới tài chính, ngân hàng ngày nay. Nhiều công ty tài chính (CTTC) gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ, thường xuyên ở trong tình cảnh “thả gà ra đuổi”. Không ít khách hàng thậm chí còn chây ỳ không trả nợ, hành hung nhân viên thu hồi nợ tới mức phải nhập viện, vay mượn để sử dụng vào mục đích tiêu cực…
Cho vay thành “tiền mất, tật mang”
Có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm khá cao (từ 4% đến trên 7%/tổng dư nợ), song việc thu hồi nợ của các CTTC không dễ dàng. Đối tượng cho vay của CTTC là những cá nhân, nhóm người nghèo, người thu nhập thấp muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, những hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương cần vốn phục vụ kinh doanh… Những người vay này bản thân đã là những khách hàng khó đáp ứng đủ các tiêu chuẩn vay ở ngân hàng, khả năng trả nợ thấp hơn và không có tài sản đảm bảo.
Nỗi khổ của các nhân viên CTTC là khi khách hàng cần tiền, sẽ hết lòng hỗ trợ và xử lý hồ sơ giải ngân nhanh chóng. Nhưng tới mỗi kỳ hạn, muốn thu tiền thì gặp phải rất nhiều khó khăn. Không ít người vay lờ đi, trốn tránh, viện lý do để không phải trả lại tiền. Khi bộ phận thu hồi nợ của các CTTC nhắc nợ, thúc giục thì lên mạng xã hội kể lể, bôi xấu, có người thậm chí hành hung cả nhân viên thu hồi nợ tới chấn thương nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit cho biết: “Hiện nay, không chỉ đối với ngành tài chính tiêu dùng, có nhiều trường hợp người vay dù có khả năng chi trả, không bỏ trốn nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để trốn nợ… Trước tiên, không thể phủ nhận kiến thức về tài chính tiêu dùng của người dân ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến ý thức thanh toán và trách nhiệm của khách hàng đối với khoản vay chưa cao, thậm chí còn có cái nhìn tiêu cực đối với các công ty cho vay tiêu dùng. Kế đến, mục đích sử dụng khoản vay không minh bạch, dẫn đến mất khả năng chi trả của khách hàng. Những vấn đề trên đều cũng chính là những rào cản đối với các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng nói chung và FE Credit nói riêng trong quá trình thu hồi nợ”.
“Có vay có trả mới thỏa lòng nhau”
Điều 466 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định rõ về nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Theo đó, “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, trong thực tế, việc đòi nợ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trả nợ của khách hàng. Khách hàng không chịu trả nợ, CTTC có thể đưa ra tòa, nhưng khi có kết luận của tòa, thì việc thi hành án cũng rất khó khăn, tốn kém, nhất là các món cho vay nhỏ, lẻ. Vì vậy, các CTTC rất cần sự hợp tác, lương tâm và trách nhiệm của người vay.
Tại Việt Nam, hàng triệu người dân có nhu cầu vay tiền nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay chính thống. Đó là lý do các CTTC không ngừng phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp đơn giản hiệu quả. Nhưng để tạo điều kiện cho các CTTC làm tốt sứ mạng của mình, rất cần sự thấu hiểu, hỗ trợ của các bên có liên quan và Nhà nước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ, NHNN và các CTTC, các quỹ tín dụng nhân dân cần có các biện pháp nâng cao nhận thức, kiến thức tài chính của người dân, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ… giúp người dân nhận thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng tài chính, xây dựng kỹ năng tự quản lý thu nhập, hướng dẫn cách chi tiêu, quản lý tiền để từ đó đảm bảo khả năng thanh toán nhằm hạn chế những rủi ro khi vay tiêu dùng.