Thay vì “chạy đua” để kiếm một chỗ học trường công cho con trong kỳ tuyển sinh lớp 10, rất nhiều phụ huynh hiện nay đã hướng nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của các con. Có những phụ huynh đã hướng dẫn con chọn trường nghề phù hợp ngay khi kết thúc lớp 9.

Lựa chọn các hình thức học tập đa dạng

Năm học 2019-2020, ngoài chỉ tiêu 67.235 học sinh được vào các trường THPT công lập, Hà Nội sẽ tuyển 7.875 học sinh lớp 10 hệ bổ túc văn hóa.

Như vậy, trong trường hợp học sinh không đủ điều kiện hoặc không có nguyện vọng theo học lớp 10 tại các trường THPT công lập, THPT ngoài công lập, trường THPT công lập tự chủ tài chính, các em có thể đăng ký nguyện vọng dự tuyển lớp 10 tại các trung tâm GDNN- GDTX.

Các trung tâm GDNN-GDTX áp dụng thống nhất một phương thức tuyển sinh lớp 10 là xét tuyển theo học bạ cấp THCS của học sinh. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở 4 năm học cấp THCS sẽ được quy ra điểm cụ thể, tối đa cho mỗi năm học là 10 điểm (dành cho học sinh có hạnh kiểm tốt và học lực giỏi).

Học sinh có nguyện vọng dự tuyển lớp 10 hệ bổ túc văn hóa làm thủ tục xác nhận nhập học trực tiếp tại các trung tâm từ ngày 20 đến ngày 22-6-2019. Sở GD&ĐT Hà Nội không áp dụng quy định xác nhận nhập học trực tuyến đối với học sinh có nguyện vọng dự tuyển lớp 10 học hệ GDTX.

Giáo dục nghề nghiệp cũng là một lựa chọn mà nhiều phụ huynh hướng đến. Chị Thu Hà, có con đang học lớp 9 quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho biết: Tôi biết lực học của cháu không tốt như các bạn, và cháu cũng bày tỏ mong muốn được đi học nghề, sau này có một nghề trực tiếp lao động sản xuất. Vì thế tôi khuyên con nộp hồ sơ vào trường CĐ Công thương. Lúc đầu, những người trong gia đình tôi cũng phản đối, bảo dù gì thì cũng phải cho cháu học hết cấp 3 trường công. Nhưng tôi đã nghiên cứu về chính sách học nghề. Cháu vừa học nghề, vừa học văn hóa, tốt nghiệp cháu có thể đi làm ngay hoặc học lên tiếp nếu cháu muốn. Tôi nghĩ rằng, quan trọng là phải giúp các cháu có định hướng học tập phù hợp với năng lực, chứ không vì phải cố vào được trường này, trường kia cho bằng bạn bằng bè.

Chị Nguyễn Thường, tổ dân phố số 1, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội cũng cho biết: Nếu con có ý định học nghề tôi cũng đồng ý, vì con là người hiểu được sở thích và năng lực của mình nhất. Quan trọng là cháu học xong có việc làm, gia đình tôi không ép cháu phải học trường này, trường nọ. Tôi nghĩ ai cũng muốn con giỏi, nhưng năng lực của các cháu khác nhau, phụ huynh nên hiểu con và tôn trọng suy nghĩ của con.

nhung chuyen bien tich cuc ve nhan thuc cua phu huynh

Nhiều phụ huynh có thay đổi trong nhận thức, ủng hộ con học trường nghề. 

Đẩy mạnh hướng nghiệp cho cả phụ huynh

TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đang được đẩy mạnh thông qua các quy định cụ thể về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cũng như các chính sách tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Theo đó, năm nay quy định về tuyển sinh mở rộng hơn, thí sinh có thể đăng ký học giáo dục trực tuyến ở bất kỳ đâu, không nhất thiết phải đến trường.

Đối tượng đầu vào CĐ mở rộng cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS chứ không chỉ THPT như trước đây. Thực tế đây là việc học liên thông, học sinh học chương trình trung cấp và văn hóa trước khi học chương trình CĐ.

Tuy nhiên, không dừng lại ở hướng nghiệp cho học sinh, có thể, chính phụ huynh cũng cần phải được truyền thông nhằm thay đổi nhận thức về hướng nghiệp để họ có tư vấn, quyết định hữu ích cho con mình.

Giáo sư Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từng chia sẻ: “Đa số học sinh đi học, đi thi đều để kiếm “mảnh bằng” ĐH, bất kể giá trị tấm bằng đó như thế nào bởi vậy mới có những con số đáng để suy nghĩ. Có trường ĐH công bố 70% sinh viên ra trường phải đào tạo lại. Thậm chí, có trường “tiết lộ” trong 100 sinh viên ra trường thì chỉ 1 em đạt chất lượng”, tâm lý “thích thầy” hơn “thợ” đã bén rễ khá sâu, muốn nhận thức thay đổi phải có quá trình, phải có gương người thực việc thực trong hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS.

Để công tác hướng nghiệp hiệu quả, ngoài nhà trường và các chuyên gia tư vấn, sự đồng hành của phụ huynh có sự tác động không nhỏ. Để phụ huynh đồng hành hướng nghiệp cùng con, nhà trường cần tạo điều kiện, cơ hội, thậm chí cung cấp thêm nhiều kênh thông tin cho họ như điểm, học lực của học sinh, phiếu trắc nghiệm chọn nghề, gửi thư mời phụ huynh tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp của trường tổ chức… Bởi không phải phụ huynh nào cũng có đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm chọn trường, chọn nghề cho con cái.

Kết quả giáo dục nghề nghiệp năm 2018 -2019 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Dự kiến, hệ thống cơ sở giáo dục nghề của cả nước sẽ tuyển sinh khoảng 2,2 triệu người, trong đó có 540.000 người trình độ CĐ, trung cấp; 2,1 triệu người tốt nghiệp các trường nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 23 đến 25% tổng số lao động trong độ tuổi.

Như vậy, với cơ hội rộng mở hơn cho giáo dục nghề nghiệp và những chuyển biến từ nhận thức từ phụ huynh, học sinh sau tốt nghiệp THCS có nhiều lựa chọn chứ không nhất thiết phải cạnh tranh cho bằng được một chỗ học lớp 10 trường công nữa.

Theo phapluatxahoi.vn