Có con năm nay bước vào cuối cấp, chị vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương và Nguyễn Văn Quyết (ở Hoàng Mai - Hà Nội) đứng ngồi không yên.
Gần như mùa hè vừa qua con chị đã không được nghỉ, cho tập trung đi học thêm ba môn tiếng Anh, Toán và Ngữ văn. Ngoài ra cũng giành thời gian học ở nhà con chị Phương cũng giành một khoảng thời gian để ôn tập các môn phụ khác.
Chị Phương cho biết: “Vì nghĩ ba môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh kiểu gì cũng thi nên cho con học trước. Còn sau vào Sở chốt chọn môn tổ hợp nào cùng thì thuê gia sư về kèm tại nhà hoặc cho đi học thêm. Dẫu vậy nhưng chúng tôi vẫn đứng ngồi không yên”.
Tuy nhiên, mới đây tại cuộc họp ngày 13/8 Sở GD-ĐT Hà Nội lại đưa ra ba phương án thi để lấy ý kiến. Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư (thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.
Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học và Địa lý). Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD-ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.
“Thực sự một phương án như năm ngoái học sinh cũng như phụ huynh đã căng thẳng lắm rồi. Năm nay Sở làm cho 3 phương án để chọn thì hỏi sao phụ huynh, học sinh không tá hỏa lên. Trong khi đó, ở Hà Nội mấy năm nay thi vào lớp 10 công lập được ví còn khó hơn đại học. Trong khi đó, ngành giáo dục luôn kêu gọi giảm áp lực….. ”, chị Phương nói.
Cũng có con năm nay thi vào đại học, chị Nguyễn Thị Thu Hương (Hoàn Kiếm – Hà Nội) nói: “Đề nghị giữ phương án 2. Và Sở nên chú trọng vào khâu coi thi cho nghiêm túc, tránh tình trạng lọt đề thi như năm vừa rồi, gây hoang mang cho các con. Đồng thời, các con còn bé, nên ổn định phương án thi không nên đưa các con ra như chuột bạch”.
“Dường như áp lực thi cử, thời gian học các môn học nhiều quá khiến cho các con không đủ thời gian để học các thứ khác như kỹ năng sống. Giai đoạn cấp 2 các con đang tuổi dậy thì học kỹ năng rất quan trọng nhưng gần như các con không có thời gian”, chị Hương nói.
“Tôi nhìn thời gian biểu học của con dường như môn chính khóa đã chiếm hết thời gian, các con không còn thời gian để học những kỹ năng mềm khác. Nhiều chuyên gia đánh giá học sinh Việt Nam thiếu kỹ năng sống, thực tế các con 1 ngày đa phần ở trường rồi, tối về đi học thêm thì lấy đâu ra mà học nữa…”, chị Hương chia sẻ.
Cũng hoang mang trước ba phương án mà Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra, anh Đặng Văn Hòa (45 tuổi, Hai Bà Trưng – Hà Nội) nói: “Tôi nghĩ kỳ thi chuyển cấp lớp 9 lên 10 là đánh giá lại năng lực 9 năm học của các con. Vậy sao phải đưa hết phương án này, đến phương án khác để lấy ý kiến.
Chúng ta nên căn cứ vào năng lực học của các con để chốt một phương án thi. Đừng đưa ra nhiều phương án như vậy gây hoang mang, làm cho các con mệt mỏi. Chúng ta hãy biến kỳ thi làm sao để các con cũng như phụ huynh cảm thấy nhẹ nhàng, kết thúc kỳ thi các con thấy thỏa mãn với bài làm cũng như kiến thức mình rèn luyện 9 năm qua”.
“Dường như, những ngày qua thấy vợ và con gái tôi vò đầu, bứt tóc lo lắng về kỳ thi còn gần 1 năm nữa mà tôi cũng thấy xót xa và tính cả phương án xấu nhất là con trượt thì sẽ cho con học trường nào?... trong khi đó những cái đó thời điểm này chưa cần thiết phải quá lo. Nhưng vì chưa chốt phương án thi nên vợ và con tôi cũng căng thẳng theo”, anh Hòa nói.
Trước đó đầu tháng 4, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố dự kiến phương án tuyển sinh vào lớp 10, theo đó ngoài hai môn Toán và Ngữ văn, từ năm học 2019-2020, học sinh thi vào lớp 10 sẽ làm thêm bài tổ hợp Ngoại ngữ - Vật lý - Lịch sử - Giáo dục công dân hoặc Ngoại ngữ - Địa lý - Hóa học - Sinh học.
Việc thi bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở công bố vào tháng 3 hàng năm. Tuy nhiên ngày 13/8, Sở GD-ĐT lại cống bố thêm 2 phương án nữa để lấy ý kiến khiến cho không ít học sinh và phụ huynh hoang mang.