Tiêu tiền theo thói quen giết chết cơ hội làm giàu của bạn như thế nào?

Theo Dan Ariely, trưởng kinh tế học hành vi tại ứng dụng tài chính cá nhân Qapital, đồng thời là giáo sư tại Đại học Duke có một câu nói rất nổi tiếng như sau: “Về cơ bản chúng ta là những sinh vật tuân theo thói quen. Rất nhiều điều chúng ta làm là bởi vì đã thực hiện nó trước đây”.

Chính vì vậy, bằng việc cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, thói quen cộng dồn theo thời gian, bạn có thể mang đến sự thay đổi lớn cho tình hình tài chính của mình.

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ có thói quen chi 50.000 - 100.000 đồng/ngày để uống trà sữa, thói quen này sẽ ảnh hưởng tới tài chính của các bạn

Để chứng minh điều này, một chuyên gia tài chính đã kể lại một câu chuyện như sau:

Hôm qua, tôi có gặp anh bạn ngoài quán cà phê, tiện miệng hỏi anh dạo này thế nào? Anh bảo chán lắm, công việc làng nhàng chỉ đủ tiền cà phê, thuốc lá lặt vặt.

Lại tiện miệng hỏi thêm: mỗi ngày anh uống mấy li cà phê? Bao nhiêu thuốc lá? Anh kêu, ngày nào cũng 3 li cà phê, 1 bao thuốc lá. Mình ngại hỏi giá tiền, nhưng nhẩm tính chắc chừng 150.000 đồng.

Đi làm đến 7 năm, anh ấy có thói quen uống cà phê và hút thuốc lá không đổi suốt chừng ấy năm. Tôi chợt tự hỏi, có khi nào anh nghĩ đến việc thực hiện tiết kiệm từ chính thói quen hàng ngày, thay vì ngồi than vãn không để ra được đồng nào chưa?

Nếu mỗi tháng tiết kiệm 3 triệu đồng từ thói quen và dùng số tiền này được gửi tiết kiệm với lãi suất 7%/năm, sau 7 năm, số tiền anh ấy đã tiết kiệm được là hơn 311 triệu đồng, một con số không hề nhỏ.

Nếu duy trì mức tiết kiệm này trong vòng 20 năm, số tiền tích lũy được là 1,476 tỷ đồng đấy.

Các bạn trẻ thói quen trà sữa đâu rồi? Có thấy mình trong đó không?

Hàng ngày, tôi nhìn thấy những xe rác to đùng chở các vỏ hộp nhựa trước cửa các hàng trà sữa mà vừa buồn vì vấn đề môi trường, vừa suy tư về thói quen chi tiêu của các bạn trẻ.

Nhiều bạn trẻ có thói quen mỗi ngày dùng 1-2 li trà sữa, với mức chi phí trung bình 70.000 - 150.000 đồng/ngày.

Nếu các bạn ngừng uống 1 li trà sữa mỗi ngày, và thực hiện tiết kiệm các khoản tiêu vặt (tổng 100.000 đồng/ngày) từ năm 22 tuổi, vẫn gửi tiết kiệm 7%/năm, thì tới khi 50 tuổi, các bạn có thêm được hơn 2,9 tỷ đồng.

Nếu tiết kiệm được nhiều hơn thế mỗi tháng, ví dụ 5 triệu đồng/tháng, tức 60 triệu đồng/năm, thì con số năm các bạn 50 tuổi là 4,84 tỷ đồng.

Nếu là người giỏi giang đầu tư với mức lợi nhuận trung bình năm 14%/năm, và tiết kiệm 5 triệu đồng/tháng từ năm 22-50 tuổi, thì các bạn tin không con số ấn tượng lắm đó 16,373 tỷ đồng.

Bạn có sẵn sàng hy sinh một vài thú vui tiêu khiển để cho một tương lai thịnh vượng không?".

Qua câu chuyện này, chuyên gia tài chính đã chỉ rõ cho bạn thấy việc tiết kiệm tiền sẽ có lợi ích như thế nào. Bạn ngừng uống 1 li trà sữa và tiền tiêu vặt hàng ngày (100.000 đồng) từ năm 22 tuổi, thì tới khi 50 tuổi, bạn có thêm được hơn 2,9 tỷ đồng, mà vẫn chỉ với lãi suất 7%/năm. Con số này sẽ không ngừng tăng lên nếu bạn cắt giảm một số khoản chi tiêu không cần thiết như hút thuốc lá, uống cà phê… và dành tiền tiết kiệm để đầu tư.

Theo chuyên gia tài chính, cách tiêu tiền hàng ngày theo thói quen tưởng như vô hại đã khiến cho tài chính của cá nhân bị thâm hụt nghiêm trọng mà chính bạn cũng không nhận ra. Tiết kiệm tiền không có nghĩa là bạn phải tiết kiệm những khoản chi lớn hay cắt bớt tiền mua những món đồ xa xỉ mà đơn giản chỉ là ngừng uống cà phê, trà sữa hay bao thuốc lá. Bạn chỉ cần thay đổi những thói quen nhỏ nhặt cũng là cơ hội để bạn trở nên giàu có.

Đừng nên chỉ nghĩ tới tiết kiệm mà hãy nghĩ tới đầu tư

Các triệu phú hay tỷ phú trên thế giới đều tránh những sai lầm về tiền bạc như: Tiêu tiền thiếu kiểm soát, chạy theo xu hướng hay dựa vào duy nhất một nguồn thu nhập.

Theo báo cáo năm 2017 của trang web tuyển dụng CareerBuilder, 78% lao động Mỹ không hề có cuộc sống dư dả, việc chi tiêu hàng ngày chỉ dựa vào lương. Người giàu biết cuộc sống lý tưởng là không chạy theo xu hướng. Bởi vậy, Warren Buffett chưa từng sở hữu một chiếc iPhone nào cho đến khi ông được tặng, nhưng ông nói "Tôi lại chẳng bao giờ sử dụng nó”.

Tiết kiệm tiền không phải thói quen quản lý tài chính tốt nhất mà mọi người nên thực hiện cả câu chuyện đầu tư

Chia sẻ rõ hơn về điều này, chị Phạm Hồng Nhung, trưởng phòng Kinh doanh thuộc khối tư vấn đầu tư của công ty Cổ phần chứng khoán VPS cho rằng, uống trà sữa hay cà phê là xu hướng, là nhu cầu. Trong tháp nhu cầu của con người, nhu cầu đầu tiên là nhu cầu về giao tiếp. Nếu bạn uống trà sữa, cà phê để giao tiếp, làm việc thì chị Nhung ủng hộ, nhưng nếu nó chỉ là một thói quen, theo xu hướng hoặc thích thì nên bạn nên dừng lại.

Con người sống theo bản năng và thói quen, trong khi không phải thói quen nào cũng tốt, nếu nó xấu thì cần phải thay đổi. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu uống trà sữa liên tục trong 3 năm thì sẽ bị già hóa trước 5,6 tuổi, chưa kể bạn sẽ bị béo phì và mắc thêm bệnh tật vì những loại trà sữa trôi nổi, không đảm bảo trên thị trường.

Cũng theo chị Nhung, thông thường mọi người luôn trong tình trạng tiêu xong rồi mới nghĩ tới tiết kiệm, nhất là đối với các bạn trẻ. Đây là cách quản lý tài chính không khoa học.

“Tôi không bao giờ làm vậy. Tôi luôn mặc định 25% số tiền làm ra sẽ được đem đi tiết kiệm và đầu tư, bất kể tháng đó tôi làm ra bao nhiêu tiền. Còn đối với những ai đang phải nuôi thêm người khác thì có thể chỉ cần trích 10% số tiền để tiết kiệm.

Nhu cầu càng thấp, sống càng đơn giản bạn càng hạnh phúc. Cũng như khi bạn chơi với ai đó, kỳ vọng càng cao thì tỉ lệ % thất vọng cũng sẽ càng nhiều. Bạn đi ô tô, xe máy hay xe đạp, xe nào cũng tốt miễn là bạn cảm thấy hạnh phúc. Bạn đeo đồng hồ Rolex hay không đeo đồng hồ thì bạn vẫn xem được giờ”, chị Nhung nói.

Ngoài ra, chị Nhung còn bật mí, chị ít khi nghĩ tới chuyện tiết kiệm, mà thường nghĩ làm thế nào để tiền của mình sinh sôi nảy nở. Chị luôn có kế hoạch rõ ràng phải kiếm được bao nhiêu tiền trong vòng một năm, vì não bộ sẽ thường được kích hoạt khi ra một con số chính xác. Người giàu hay nghĩ tới việc tạo ra tiền chứ họ cũng không nghĩ tới chuyện tiết kiệm. Do đó, các bạn trẻ hãy học cách tiết kiệm ngay từ bây giờ thay vì tiêu rồi mới nghĩ tới chuyện tiết kiệm.

 “Tôi khuyên các bạn nên nghĩ tới việc dùng tiền tiết kiệm để làm gì, đầu tư như thế nào, đó là cái tháp suy nghĩ thứ 7 của con người. Hãy xách vali và đi, vì đi cũng là một kiểu đầu tư cho tương lai”, chị Nhung nói.

Nguyễn Chiêm/Đô thị mới