Trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp khi trời rét đậm, rét hại

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, đợt không khí lạnh tăng cường kéo dài từ ngày 28/12/2018 đến 4/1/2019 khiến các tỉnh miền Bắc phải chống chịu với đợt rét đậm, rét hại khắc nghiệt nhất từ đầu mùa đông đến nay. Trong đó, hai ngày 29/12 và 30/12 là những ngày rét hại nhất của đợt rét này.

Đợt rét đậm, rét hại này lại trùng vào thời điểm nghỉ Tết Dương lịch khiến nhiều gia đình không khỏi lo lắng về việc thời tiết khắc nghiệt có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ trong những ngày nghỉ lễ.

Ths.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Giao mùa đông xuân thường là thời điểm độ ẩm trong không khí tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh nhất là đối với những người có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ. Đặc biệt, với thời tiết thay đổi thất thường, mưa nhiều, ẩm lớn như hiện nay, nguy cơ trẻ bị viêm họng, ho, sốt, cảm cúm… ngày càng tăng.

 Tết Dương lịch rét đậm rét hại, bố mẹ cần giữ ấm cơ thể cho trẻ để phòng các bệnh hô hấp. Ảnh: TL

Tết Dương lịch rét đậm rét hại, bố mẹ cần giữ ấm cơ thể cho trẻ để phòng các bệnh hô hấp. Ảnh: TL

Do đó, nếu cho trẻ di chuyển xa hoặc thường xuyên tụ tập nhiều ở những nơi đông người trong dịp Tết sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm các bệnh tăng cao. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể mắc viêm phế quản, viêm phổi, nguy cơ suy hô hấp, cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe của trẻ nhỏ.

Để phòng bệnh cho trẻ trong dịp Tết Dương lịch, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ luôn phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ; tăng cường cung cấp vitamin, trái cây và uống đủ nước mỗi ngày.

Bên cạnh đó, đặc biệt phải giữ ấm cơ thể cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ luôn phải giữ cho cơ thể bé được ấm áp. Tuy nhiên, không lạm dụng ủ ấm quá kỹ vì có thể gây bí, ngột ngạt hay thậm chí nhiễm lạnh (do mồ hôi thấm ngược trở lại) cho trẻ.

Gợi ý một số lựa chọn cho dịp nghỉ Tết Dương lịch

Trong khi miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm, rét hại kỷ lục, việc tổ chức một chuyến du lịch “tránh rét” ở miền Trung hoặc miền Nam cũng là một ý tưởng cho nhiều gia đình. Theo đó, một số địa điểm thích hợp cho các chuyến du lịch gia đình, kể cả có trẻ nhỏ như: Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, TP.HCM, Phú Quốc…

Đối với những gia đình đang sinh sống tại Hà Nội, bố mẹ có thể đưa con đến một số khu nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi trong nhà và thăm quan ngoài trời, cách Trung tâm thành phố từ 60km đổ lại để hạn chế quãng đường di chuyển xa gây lạnh cho con.

Hay đơn giản hơn, với những gia đình không thích những nơi ồn ào hoặc “ngại” đi xa, các địa điểm vui chơi trong nhà cho trẻ trong nội đô cũng được coi là một lựa chọn không tồi. Bố mẹ có thể đưa con đến các Trung tâm thương mại có khu vui chơi cho trẻ nhỏ để vừa kết hợp mua sắm, vui chơi dịp nghỉ lễ vừa đảm bảo con vẫn có khu vui chơi riêng.

Đối với những gia đình đưa con về quê dịp nghỉ Tết Dương lịch, nên cho trẻ tự chơi trong nhà khi trời lạnh, kèm mưa. Khi nhiệt độ ấm hơn, có thể cho con đi chơi ở những địa điểm thăm quan gần nhà.

Lưu ý khi cho trẻ di chuyển trong trời lạnh

Đối với những gia đình phải di chuyển đường dài về quê hoặc đi chơi xa, khi đó, nên cho trẻ ngồi trong ô tô kín gió, nhất là trong những ngày thời tiết xuống thấp và kèm mưa phùn.

Trong trường hợp cho trẻ đi bằng xe máy, cần cho trẻ mặc ấm, kín, tránh gió lùa trực tiếp vào người, gây lạnh cho trẻ. Tới nơi, không nên cởi bớt quần áo cho trẻ ngay. Cho trẻ ngồi trong phòng kín gió để cơ thể trẻ thích nghi với nhiệt độ không khí, sau đó mới từ từ cởi bớt lớp áo dày bên ngoài để tránh tình trạng trẻ bị sốc nhiệt. Nếu sờ thấy lưng trẻ có nhiều mồ, nên lau khô hoặc thay toàn bộ quần áo cho trẻ để không bị nhiễm lạnh.

Khi đi xa, cần lưu ý chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết như: quần áo ấm, khăn, khẩu trang, mũ len, găng tay, tất chân… Bên cạnh đó, mang theo dầu gió, thuốc chống cảm lạnh, cúm, nhức đầu, tiêu chảy để đề phòng.

Mai Thùy

Theo Giadinh.net.vn