Mỹ tiến hành 'Chiến dịch Thần tốc'
Hôm qua, Mỹ chính thức khởi động chương trình tiêm vắc xin Covid-19 trên toàn quốc.
Trước đó một ngày, các xe tải được trang bị phương tiện trữ lạnh đặc biệt đã rời khỏi nhà máy của Pfizer ở TP.Kalamazoo (bang Michigan), đến thẳng các máy bay chở hàng của UPS và FedEx đang chờ sẵn trên đường băng sân bay ở Lansing và Grand Rapids, theo Reuters.
Trong đêm, 145 lô hàng đầu tiên của Pfizer/BioNTech (Mỹ -Đức) đã đến được các điểm chuẩn bị tiêm phòng trên toàn quốc. Thậm chí một số bang còn triển khai đội ngũ bảo vệ có vũ trang áp tải các lô hàng quý giá này.
Theo CNN, Thống đốc bang Kentucky Andy Beshear cho hay bang của ông đã tiếp nhận những liều vắc xin đầu tiên.
Theo kế hoạch của Chiến dịch Thần tốc (sáng kiến của chính phủ Mỹ nhằm đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vắc xin Covid-19), Mỹ sẽ có 2,9 triệu liều vắc xin vào ngày 16.12 (giờ Mỹ), sẵn sàng tiêm phòng cho người dân.
Ước tính đến cuối năm nay, khoảng 20 triệu người Mỹ sẽ được tiêm đủ 2 liều vắc xin cần thiết để phòng chống Covid-19, và đến cuối tháng 3, con số này dự kiến tăng lên 100 triệu người.
Canada khởi động chương trình tiêm Covid-19 trong 24 giờ
Đến sáng qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố nước này đã tiếp nhận những lô hàng vắc xin đầu tiên từ Pfizer/BioNTech, cho phép khởi động chương trình tiêm phòng Covid-19 trong vòng 24 giờ.
Các lô hàng vắc xin đã rời nơi sản xuất ở Bỉ vào ngày 11.12, vận chuyển đến Đức và kế tiếp là Mỹ trước khi tới Canada. Khi đến nơi, tổng cộng 30.000 liều đầu tiên nhanh chóng được đưa đến 14 địa điểm trên toàn quốc.
Như các nước khác, nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin bao gồm những cụ già ở các viện dưỡng lão và nhân viên y tế tuyến đầu.
Lô vaccine COVID-19 đầu tiên đã đến Canada hôm 13/12. Ảnh: Canadian Armed Forces
“Chúng tôi tìm cách duy trì liên tục nguồn cung vắc xin trong những tuần sắp tới”, theo Đài CBC dẫn lời cựu tư lệnh NATO, thiếu tướng Dany Fortin, người chịu trách nhiệm điều phối nỗ lực phân phối vắc xin của Canada.
Từ nay cho đến hết năm, Canada sẽ tiếp nhận tổng cộng 249.000 liều vắc xin Covid-19, và con số này sẽ tăng lên 6 triệu liều vắc xin của cả Pfizer/BioNTech lẫn Moderna (Mỹ) trước khi kết thúc tháng 3 năm sau.
Tờ The New York Times đưa tin Canada đã đặt hàng đủ vắc xin Pfizer/BioNTech cho toàn bộ dân số, trong khi Mỹ đến nay chỉ mới mới đảm bảo được 15% và Anh là 30%.
Anh chọn 50 bệnh viện cho chương trình tiêm vắc xin
Thông qua Hệ thống dịch vụ y tế quốc gia (NHS), chính phủ Anh ban đầu đã chọn ra 50 bệnh viện cho chương trình tiêm vắc xin Covid-19 và từ tuần trước đã triển khai việc tiêm phòng.
Vào ngày 8/12, nước Anh đã tiếp nhận khoảng 800.000 liều vắc xin Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong số 40 triệu liều của dòng vắc xin ngừa Covid-19, đủ để tiêm cho 20 triệu dân Anh.
Tổng cộng Anh đã đặt hàng 357 triệu liều từ 7 dòng vắc xin khác nhau, trong đó có vắc xin Oxford/AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna.
Các nước Trung Đông tiêm vắc xin trên quy mô lớn
Một ngày trước, Bahrain cho hay đã thông qua việc sử dụng vắc xin của Trung Quốc, bên cạnh Pfizer/BioNTech.
Kuwait cũng cho phép sử dụng khẩn cấp loại vắc xin của liên danh Mỹ - Đức, trong khi Ma Rốc đã lên kế hoạch tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho 80% số người trưởng thành của nước này, theo AP.
Hàn Quốc ở "giai đoạn then chốt"
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi dốc toàn lực để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, đồng thời tuyên bố cuộc chiến chống dịch bệnh của Hàn Quốc đang ở "giai đoạn then chốt" trước khi quyết định liệu có nâng mức giãn cách xã hội lên mức cao nhất hay không.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, trong số 1.030 ca bệnh được thông báo 24 giờ qua, có 1.002 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao nhất kể từ khi Hàn Quốc phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên hồi tháng 1-2020.
Mỹ Latinh dành hàng tỷ USD mua vắc xin
Tại Brazil, theo kế hoạch quốc gia về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 do chính phủ công bố, mục tiêu giai đoạn đầu là tiêm chủng cho 51 triệu người, tức 25% dân số nước này, trong 6 tháng đầu năm 2021.
Bộ Y tế Brazil cho biết, 108 triệu liều vắc xin sẽ có sẵn tại Brazil và ưu tiên cho những nhóm dễ bị tổn thương, gồm các nhân viên y tế, người cao tuổi và các cộng đồng bản địa. Chính phủ Brazil có kế hoạch dành 20 tỷ real (4 tỷ USD) trong ngân sách để mua vắc xin ngừa Covid-19.
Cùng ngày, hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh có trụ sở tại thành phố Santiago (Chile) LATAM thông báo sẽ vận chuyển miễn phí vắc xin ngừa Covid-19 tại các quốc gia mà hãng này cung cấp dịch vụ bay nội địa, trong đó có Brazil, Chile, Colombia, Ecuador và Peru.