Ngành mới mở không tuyển vượt quá 30% năng lực đào tạo
Các cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy hàng năm được xác định bằng tổng quy mô đào tạo chính quy xác định trên cơ sở năng lực của từng khối ngành, đáp ứng đồng thời các tiêu chí quy định tại Điều 6 của Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT ngày 25-2-2019, trừ đi tổng quy mô sinh viên chính quy đang đào tạo tại cơ sở giáo dục và cộng thêm số sinh viên dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm tuyển sinh. Đối với các ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành theo quy định.
Đối với ngành đào tạo có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Điều 52 Luật Giáo dục ĐH, có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó, nhưng không vượt quá 120% chỉ tiêu đào tạo của ngành đó trong năm trước liền kề; phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền.
Đối với cơ sở giáo dục trong 3 năm liền kề không vi phạm quy định về tuyển sinh, được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành, có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng đào tạo, nhu cầu xã hội; Cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề.
Những năm gần đây, nhiều trường như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương… liên tiếp mở thêm các ngành, các chương trình tiên tiến: Đào tạo tiếng Anh hoàn toàn, hoặc có liên quan đến công nghệ 4.0 như kế toán số, kinh doanh số… Năm 2019, trường ĐH Lâm nghiệp mở thêm ngành học mới mang tên Du lịch sinh thái. Đây là ngành học lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam hệ ĐH chính quy với 70 chỉ tiêu.
Nhiều ngành truyền thống vẫn hút người học trong năm 2019. |
Ngành truyền thống vẫn được lựa chọn
Thêm ngành mới không có nghĩa là những ngành truyền thống giảm người học. Cụ thể như các khoa: Đông phương học, Báo chí… của ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội vẫn luôn nhiều nguyện vọng một, điểm đầu vào hàng năm thuộc top cao nhưng không vì thế mà số nguyện vọng vào hai ngành này giảm.
Ngành Logistis hiện nay cũng là một lựa chọn vừa truyền thống vừa hợp thời. Khi có trường đã đưa vào đào tạo khoảng gần 10 năm nhưng nhu cầu nhân lực ngành này vẫn đang rất lớn. Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistis Việt Nam, giai đoạn 2017-2020, Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, có kỹ năng và trình độ tiếng Anh.
Cả nước hiện có 15 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo về chuyên ngành logistis hoặc gần chuyên ngành logistis. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Trên thực tế, nhóm ngành kế toán, kinh doanh và tài chính vẫn đông người lựa chọn, mặc dù được dự báo thừa từ nhiều năm trước, nhưng các tổ hợp tuyển sinh của ngành này rất đa dạng, nên sẽ vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều thí sinh.
Kết quả khảo sát từ các DN của VietnamWorks, Cổng thông tin tuyển dụng trực tuyến thuộc Tập đoàn Navigos Group cho thấy, trong năm 2019 top ngành dự kiến sẽ rất hot là: Tài chính – đầu tư; Bán hàng; Hành chính – Thư ký; Kế toán; IT- phần mềm; Marketing; Chăm sóc khách hàng; Kiểm toán; Internet- online media; Xây dựng.
Tuy nhiên, có điều chắc chắn là dù theo học ngành mới hay ngành truyền thống, yêu cầu trình độ tiếng Anh sẽ tăng đáng kể. Tiếng Anh hiện là ngoại ngữ bắt buộc của đa số các chương trình học ĐH, CĐ trong nước. Nhiều chương trình tiên tiến trong các trường ĐH cũng yêu cầu đào tạo hoàn toàn tiếng Anh. Vì thế, việc trau dồi năng lực ngoại ngữ với học sinh ngay từ khi học phổ thông là cần thiết để có thêm những cơ hội học tập tại cách trường ĐH lớn trong và ngoài nước.