Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

7 nhiệm vụ và giải pháp được đề cập trong Đề án bao gồm: Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông;

Bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước được giao hàng năm cho các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách; nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nguồn thu hợp pháp của các cơ sở giáo dục; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn xã hội khác; nguồn vốn vay ODA từ các chương trình, dự án.

Từ nay đến năm 2020, Đề án sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các mục tiêu Đề án giai đoạn 2018-2020; bổ sung, cập nhật nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; xây dựng nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới; ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.

Đồng thời, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn; cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề; hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra sẽ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong trường phổ thông; xây dựng chuyên trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông; hỗ trợ thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục được lựa chọn thí điểm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Theo congly.vn