Hàng loạt dự án bất động sản gắn "mác xanh"

Vài năm trở lại đây, trên thị trường bất động sản, người mua nhà không khó để tìm ra những dự án có mác “xanh” gắn với các từ “Eco”, “Green”, “Nature” hay “Garden”... Thực tế cho thấy, dù các dự án được quảng cáo hoa mĩ, có nhiều không gian xanh, thảm cỏ, hồ bơi, công viên, vườn hoa… nhưng rất ít dự án được chứng nhận là công trình xanh đúng nghĩa.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, rất nhiều khách hàng khi mua dự án vẫn còn rất mơ hồ về tiêu chuẩn của dự án xanh, thậm chí nhiều người cho rằng cứ có nhiều cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, hồ bơi...thì sẽ là dự án xanh. Nhưng thực tế tiêu chuẩn xanh đòi hỏi khắt khe hơn rất nhiều, Nó không chỉ dừng lại ở tiêu chí cây xanh mà còn giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, công trình được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và tự nhiên….

Dự án Riverside Garden số 349 Vũ Tông Phan của Tập đoàn Videc quảng cáo khác xa với thực tế.

Theo Kinh tế Môi trường, Tập đoàn Videc đã sử dụng cụm từ Green Concept vào dự án Riverside Garden số 349 Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) với những lời quảng cáo như không gian xanh chuẩn Singapore, công viên, hồ bơi… Thế nhưng, sự thật đằng sau những lời quảng cáo có cánh từ chủ đầu tư là một loạt những bức xúc của người dân. Chị H. một cư dân tại Riverside Garden cho hay, khi được nhân viên tư vấn về tiện nghi xung quanh dự án cây xanh được bố trí cả 3 chiều không gian tạo nên một ốc đảo nhưng khi nhận nhà, chị H. "sốc" khi cây xanh thưa thớt, không gian không nhiều để xây dựng công viên.

Không chỉ dự án Riverside Garden mà nhiều dự án như Discovery Complex, Thăng Long Garden, Bidhomes The Garden Hill…yếu tố xanh cũng được sử dụng triệt để.

Điển hình dự án Mulberry Lane do Tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore - CapitaLand kết hợp với công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành làm chủ đầu tư. Theo quảng cáo, Mulberry Lane nằm trong không gian nghỉ dưỡng theo phong cách Singapore. Chủ đầu tư đã dành nhiều diện tích cho cảnh quan và các không gian chung như phòng gym, phòng đa chức năng, công viên xanh trên cao, sân nướng BBQ, bể bơi ngoài trời, khu thể dục dưỡng sinh cho người già, sân chơi cho trẻ em…

Dự án Mulberry Lane do Tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore - CapitaLand kết hợp với công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, khi nhận nhà, chị M. (một cư dân của chung cư này) mới vỡ mộng bởi thực tế khác xa với hình ảnh thấy trong phối cảnh dự án trước đó. Diện tích cây xanh không nhiều, mức phí dịch vụ quá cao, trong khi chất lượng cung cấp không tương xứng. Hơn nữa dự án còn bị Thanh tra Bộ Xây dựng điểm tên bởi hàng loạt sai phạm. Nhiều lần cư dân nộp đơn lên Ban quản lý tòa nhà nhưng chủ đầu tư vẫn bặt vô âm tín.

Từ thực trạng trên, các chuyên gia bất động sản khuyến nghị, khách hàng nên cẩn trọng khi mua các dự án được quảng cáo là dự án xanh nhằm tránh việc bỏ ra số tiền không tương xứng với giá trị căn hộ, làm lợi cho chủ đầu tư, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe và việc tiêu thụ năng lượng trong chính căn hộ của mình.

Sở Xây dựng Bình Dương “đá” trách nhiệm cho Bộ Xây dựng?

Ngày 02/12/2020, Reatimes đăng tải bài viết Dự án khủng Đông Bình Dương được Thủ tướng chấp thuận chưa?. Theo đó, UBND tỉnh và Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương đã ra văn bản xử phạt chủ đầu tư và đơn vị môi giới dự án Đông Bình Dương. Dự án khủng Đông Bình Dương còn nhiều khuất tất về pháp lý.

Theo diễn biến vụ việc tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Đông Bình Dương, vì hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Lần 1 vào ngày 13/01/2020 và lần 2 vào ngày 29/9/2020.

Theo quyết định xử phạt số 25/QĐ-XPVPHC, ngày 13/01/2020, đúng 2 tháng sau, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã phải tổ chức cưỡng chế công trình. Tuy nhiên, phải hơn 8 tháng sau Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn mới ra quyết định xử phạt lần 2.

Sở Xây dựng Bình Dương "ngâm" sai phạm dự án Đông Bình Dương hơn 8 tháng mới ra Quyết định xử phạt lần thứ 2

Đến nay đã qua tháng 12, quá 60 ngày kể từ khi ông Lê Hữu Nhơn ra quyết định xử phạt lần 2 (vào ngày 29/9/2020). Vậy ông Lê Hữu Nhơn sẽ tiếp tục ra quyết định xử phạt hay chỉ đạo cưỡng chế công trình? Việc xử phạt hay cưỡng chế (nếu có) sẽ được tiến hành vào lúc nào? Đây là những vấn đề dư luận đang đặt ra cho Sở Xây dựng cũng như UBND tỉnh Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn Reatimes về việc xử lý sai phạm xây dựng không phép tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn cho rằng, Sở đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về việc thi hành biện pháp cưỡng chế, đối với những sai phạm tại Dự án Khu dân cư Đông Bình Dương.

Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định quyền xử phạt hành chính và tổ chức cưỡng chế công trình không phép, cho địa phương. Phải chăng Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đang làm trái Nghị định, “đá” trách nhiệm cho Bộ Xây dựng, để kéo dài thêm thời gian và tìm cách hợp thức hóa sai phạm, thay vì cưỡng chế?

Cảnh báo dự án "ma" gắn mác Bộ Công an

Theo Reatimes, Văn bản của UBND phường Tân Thới Nhất nêu rõ, thời gian gần đây trên địa bàn phường xuất hiện tình trạng một số sàn giao dịch bất động sản rao bán về dự án nhà ở xã hội Lê Minh - Bộ Công an do Công ty Lê Minh kết hợp Bộ Công an làm chủ đầu tư.

UBND phường Tân Thới Nhất khẳng định, hiện trên địa bàn không có dự án nhà ở xã hội nào của Công ty Lê Minh được triển khai. Theo đó, UBND phường này thông báo đến người dân sống trên địa bàn phường và các khu vực lân cận tránh để kẻ xấu lừa đảo, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này.

Theo đó, dự án căn hộ nhà ở xã hội Lê Minh - Bộ Công an được quảng bá có tổng diện tích quy hoạch 25.787m2, mật độ xây dựng 37%, quy mô 4 tòa với 15 tầng và 1.540 căn hộ chung cư.

Cảnh báo dự án "ma" gắn mác Bộ Công an

Dự án cũng được quảng bá là một loại hình nhà ở thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước (có thể trung ương hoặc địa phương) hoặc các loại hình nhà được sở hữu và quản lý bởi nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ dành cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội như công chức của nhà nước chưa có nhà ở ổn định, người có thu nhập thấp… và được cho thuê hoặc cho ở với ưu thế giá rẻ so với sản phẩm thương mại trên thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết phía hiệp hội đã đưa ra những cảnh báo về việc rao bán dự án “ma” ngay từ năm 2017. Tình trạng các dự án “ma” được rao bán ồ ạt đến từ việc các đầu lậu, công ty bất động sản hoạt động bất lương, bất chấp thủ đoạn để chèo kéo, thậm chí lừa đảo khách hàng. 

Ông Châu cảnh báo người dân có nhu cầu mua đất mua nhà cần quan tâm lưu ý đến uy tín thương hiệu của chủ đầu tư; phải kiểm tra kỹ lưỡng pháp lý dự án, các loại giấy tờ đất đai, giấy phép xây dựng; xem đất có bị thế chấp hay không, đã đủ điều kiện huy động vốn theo văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng… Đặc biệt, khách hàng nhất định phải xuống thực tế dự án, đối chiếu với các thông tin quy hoạch, quyền sở hữu để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhấn mạnh, để ngăn chặn loại hình kinh doanh trái quy định này, cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông báo chí. Dựng pano, bảng hiệu cảnh báo khu đất quy hoạch, khu đất không làm dự án để người dân cảnh giác và phòng ngừa. Đây là cách mà UBND Q.12, Q.Bình Tân (TP.HCM) hay thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa làm

Vốn ngoại đang dịch chuyển tới thị trường văn phòng hạng A tại Hà Nội

Theo dữ liệu của Savills Việt Nam năm 2020, trong giai đoạn dịch bệnh, văn phòng tại thị trường Hà Nội duy trì nguồn cầu ổn định dù cho các loại hình bất động sản khác chứng kiến sự suy giảm đáng kể.

9 tháng vừa qua, GDP Hà Nội tăng 3,3% theo năm trong khi GDP cả nước tăng 2,1% theo năm. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, năm 2020, GDP Việt Nam sẽ tăng 1,8% còn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ suy giảm. Với mức dự kiến 6,3% vào năm 2021, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á. Nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ tác động đến hoạt động thị trường nhờ các cam kết thuế quan, cạnh tranh nâng cao, nguồn vốn FDI mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế nói chung. Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khi ngày càng nhiều công ty đa quốc gia xem xét chuyển dịch sang nước ta.

Phân khúc văn phòng hạng A tại Hà Nội đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài với mức tỷ suất vốn hóa hấp dẫn vào khoảng 6 - 7%.

Theo đó, văn phòng chất lượng cao có xu hướng hấp dẫn khách thuê nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Giải thích về xu hướng này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Đầu tư Savills Hà Nội cho biết: “Có những yếu tố cốt lõi khiến các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn văn phòng là một trong những phân khúc quan trọng nhất để đầu tư tại thị trường bất động sản Việt Nam”.

Trong khi đó, phân khúc văn phòng có thể đạt GOP margin trung bình lên đến 70 - 80%. Điều này cho thấy, việc đầu tư vào các tòa nhà văn phòng đạt GOP margin cao và hiệu quả hơn nhiều so với các dự án nhà ở và khách sạn. Sự quan tâm của nhà đầu tư với thị trường văn phòng ngày càng cao dẫn đến làm tăng giá trị tòa nhà văn phòng ở mức tỷ suất vốn hóa rất hấp dẫn. Tại Hà Nội, tỷ suất vốn hóa cho văn phòng hạng A hiện đang ở mức 6 - 7%.

Đến năm 2022, khoảng 192.000m2 từ 17 dự án sẽ gia nhập thị trường Hà Nội, với phần lớn nguồn cung thuộc hạng A nằm ở khu vực nội thành. Các dự án đáng chú ý bao gồm Century Tower (quý IV/2020), Vinfast Tower và BRG Grand Plaza (2021), Lotte Mall Hà Nội (2022).

Ngày càng có nhiều diện tích văn phòng tại khối đế các tòa chung cư. Nguồn cung tương lai đáng kể có thể khiến công suất thuê trung bình giảm đi trong hai năm tới. Về lâu dài, các chủ đầu tư văn phòng sẽ cần nâng cao các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và cách thức vận hành. Sự năng động trong quản lý dự án và hiệu quả trong thiết kế xanh sẽ là hai yếu tố giúp dễ dàng đem lại sự thành công./.

Thị trường bất động sản 2021: “Thận trọng nửa đầu năm, bứt phá vào cuối năm”

Năm 2020 đang đi đến những ngày cuối cùng, giới chuyên môn cũng liên tục đưa ra các dự báo về thị trường bất động sản năm 2021. Liệu thị trường sẽ có sự chuyển dịch ra sao? Phân khúc nào sẽ thu hút được nhà đầu tư?

Qua 2 đợt dịch bùng phát, tính đến tháng 8 năm 2020, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.

Thị trường bất động sản 2021: “Thận trọng nửa đầu năm, bứt phá vào cuối năm”

Năm 2020 sắp khép lại, giới chuyên môn nhận định, bức tranh thị trường bất động sản năm 2021 sẽ tươi sáng hơn nhờ vào những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ. Đồng thời, đây sẽ là công cụ hỗ trợ, một đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực bất động sản, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Liên quan đến câu chuyện về thị trường địa ốc, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, để nhìn lại những khó khăn mà Covid-19 đã gây ra, đồng thời dự đoán về thị trường bất động sản trong những ngày cận kề năm mới. 

Theo đó, dù tình hình thị trường hiện nay đã lạc quan hơn nhưng chắc chắn doanh nghiệp vẫn sẽ gặp những vấn đề về pháp lý và thủ tục. Những vấn đề chồng chéo và mâu thuẫn trong các quy định pháp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án và nguồn cung của thị trường. Hiện nay, lĩnh vực bất động sản có liên quan đến 5 bộ luật chính gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Tuy nhiên, riêng 5 bộ luật đó đã có tới 25 vấn đề vướng mắc, chồng chéo. Chỉ tính đến pháp lý cũng đã khiến doanh nghiệp phải “đau đầu”.

Mặt khác, còn có một số vấn đề lớn có thể gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, trong tương lai, các quy định chặt chẽ về công tác quản lý đầu tư xây dựng phát triển sẽ kéo theo nhu cầu về vệ sinh môi trường, an toàn môi trường tăng lên, dẫn đến chi phí đầu tư không dừng lại ở mức dự toán ban đầu.

Thứ hai, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay đang được đặt quá cao so với nhu cầu thực yế. Điều này khiến giá nhà tiếp tục bị đẩy lên cao khoảng 15 - 20% để đáp ứng được các tiêu chuẩn ấy. Trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thẩm định phê duyệt về các dự án.

Những điều trên sẽ tạo ra sự không đồng bộ và cản trở quá trình triển khai của các dự án bất động sản. Quá trình làm luật hay biên soạn, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cần phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.


Theo Trúc An (tổng hợp)/Đô thị mới