Nỗ lực tất toán nợ trái phiếu
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12/2023 vừa qua, các doanh nghiệp trên thị trường đã mua lại 32.677 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã khá tích cực trong việc đàm phán mua lại các lô trái phiếu giá trị lớn.
Tiêu biểu có thể kể đến CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Trong tháng 12 vừa qua, doanh nghiệp này đã liên tiếp chi 421 tỷ đồng và 37,5 tỷ đồng để mua lại các lô trái phiếu PDR12101 và PDR12204, đã phát hành trong các năm 2021-2022.
Với việc mua lại các lô trái phiếu kể trên, hiện nay, Phát Đạt đã không còn nợ dư trái phiếu, trong khi trước đó vào thời điểm cuối 2022 dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp này đã đạt mức hơn 4.300 tỷ đồng. Điều này cho thấy tập đoàn đã rất nỗ lực trong việc tất toán nợ trái phiếu và tái cấu trúc tài chính kinh doanh.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm 2023 đến nay, có 35 công ty xoá sạch nợ trái phiếu, chủ yếu mua lại trước hạn, với tổng số tiền thanh toán cho các trái chủ hơn 20.000 tỷ đồng.
Tính đến tháng 12/2023, lần lượt các doanh nghiệp bất động sản lớn như: Điền Phát Land, Vinh An Điền, Hoa Kim Anh, Minh Khang Điền, City Garden, Hong Lim Land, Downtown, NBB, CEO, HDG… đã chi từ 157 tỷ đồng đến 770 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn, đồng thời xóa hết nợ trái phiếu. Tổng số tiền các doanh nghiệp đã chi ra để tất toán nợ trái phiếu theo HNX là khoảng 5.100 tỷ đồng.
Trong số đã tất toán nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp trong năm 2023 vừa qua đã có sự phục hồi đáng kể về kết quả kinh doanh và có điều kiện mua lại các lô trái phiếu bị "ứ đọng" do các dự án triển khai không kịp tiến độ. Tiêu biểu cho nhóm này có thể kể đến là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (đã tất toán 2.400 tỷ đồng trái phiếu trước hạn); CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Dương (tất toán 1.200 tỷ đồng trái phiếu); CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn (tất toán 220 tỷ đồng nợ trái phiếu)…
Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp dù kết quả kinh doanh năm 2023 vừa qua kém khả quan nhưng vẫn nỗ lực mua lại các lô trái phiếu trước hạn. Chẳng hạn, các doanh nghiệp Phúc Long Vân, Đức Việt, Thành Đông Đô, Địa ốc Sacom, Bất động sản Sài Gòn Nam Phú… dù kinh doanh sụt giảm và thậm chí thua lỗ, nhưng vẫn dùng tiền để tất toán hoặc thanh toán nợ sớm cho trái chủ trước nhiều năm so với kế hoạch, qua đó cũng sạch nợ trái phiếu.
Theo các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia, có 03 lý do chính khiến doanh nghiệp bất động sản mua lại trái phiếu trước hạn.
Thứ nhất, doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn để triển khai dự án, nhưng dự án chậm thực hiện, gặp vướng mắc. Điều này ảnh hưởng tới phương án sử dụng vốn và doanh nghiệp điều chỉnh lại phương án sử dụng tiền.
Thứ hai, trong giai đoạn trước, lãi suất trái phiếu ở mức cao, nhưng hiện lãi suất trái phiếu cũng như lãi vay ngân hàng giảm nên doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn nhằm tiết giảm chi phí.
Thứ ba, niềm tin trên thị trường trái phiếu chưa hoàn toàn phục hồi sau các sự kiện như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh... Vì vậy, có những doanh nghiệp quyết định trả nợ trái phiếu trước hạn và tạm thời không vay nợ trái phiếu dù đang có lãi suất thấp để đảm bảo danh tiếng, thuận lợi cho các đợt huy động vốn sau này.
Áp lực còn lớn
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn lập kỷ lục mới là 238.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022. Hoạt động mua lại trái phiếu có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư, nhưng áp lực đối với thị trường trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn.
Cụ thể, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 khoảng 310.131 tỷ đồng, trong đó quý I khoảng 44.800 tỷ đồng, quý II khoảng 83.200 tỷ đồng, quý III khoảng 72.400 tỷ đồng, quý IV khoảng 109.700 tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp bất động sản và các tổ chức tín dụng có tỷ lệ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong năm nay, lần lượt là 34,9% và 29,7%.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đánh giá, khả năng trả nợ của phần lớn công ty suy giảm do đòn bẩy cao và dòng tiền yếu. Trong đó, dòng tiền hoạt động giảm trong 9 tháng đầu năm 2023, do bán hàng sụt giảm và hàng tồn kho tiếp tục tăng.
Trước tình trạng nghiệp phát hành trái phiếu tăng mua lại trước hạn, còn các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ. Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.
Đối với các nhà đầu tư, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro từ phía doanh nghiệp phát hành.
"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đơn vị chức năng tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Công tác kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp sai phạm sẽ công bố công khai rộng rãi trên thị trường", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin./.
Nguồn: https://reatimes.vn/day-nui-trai-phieu-de-nang-doanh-nghiep-bat-dong-san-202240122145306717.htm