Hàng trăm dự án được xem xét gỡ vướng
Bất động sản là một trong những ngành bấp bênh nhất khi nền kinh tế rơi vào vòng xoáy tăng trưởng thấp sau tác động của dịch Covid-19 và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi khi nền kinh tế toàn cầu biến động. Dưới tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt và chủ trương kiểm soát chặt chẽ thị trường trái phiếu trước những biểu hiện lũng đoạn, "hầu bao" tín dụng và trái phiếu không còn rộng mở, niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm, thậm chí "quay lưng" dè chừng với bất động sản. Từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phải chống chọi với những khó khăn, thách thức lớn. Hàng loạt dự án bị ách tắc dòng tiền do vướng mắc pháp lý, thị trường không ghi nhận nguồn cung mới, sức mua và thanh khoản giảm mạnh. Không ít doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã đi đến đường cùng giải thể, phá sản do không còn khả năng cầm cự.
Nếu không sớm có các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ phía Nhà nước, thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn hơn nữa, nguy cơ từ suy giảm đến suy thoái là rất lớn.
Hiểu rõ thực tế này, nhằm hỗ trợ thị trường có tính chất "đầu kéo" của nền kinh tế, tránh gây ra tình trạng đổ vỡ hàng loạt, Bộ Xây dựng với vai trò Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã tích cực chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp được thành lập theo Quyết định 1435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được phân công làm Tổ trưởng Tổ công tác; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh được phân công làm Tổ phó Tổ công tác.
Cụ thể, Tổ công tác đã làm việc lần lượt các địa phương, bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định (trong đó có một số địa phương Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc làm việc) và một số doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn dự án.
Sau các buổi làm việc, Tổ công tác đã ban hành các Thông báo kết luận của Tổ công tác đối với từng địa phương, doanh nghiệp trên đại bàn. Từ đó, tạo cơ sở, căn cứ cho các địa phương có hướng giải quyết vướng mắc.
Kết quả, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm nay, Tổ công tác đã xem xét, xử lý 146 văn bản kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến hơn 191 dự án bất động sản.
Riêng tại TP.HCM, Bộ Xây dựng cho biết đã có khoảng 77 dự án bất động sản được gỡ vướng và 143 dự án đang tiếp tục được Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ.
Tại Hà Nội, thành phố đã có 404 dự án được rà soát, phân loại khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có 81 dự án được Hà Nội đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án được kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng do nguyên nhân khách quan.
Hiện Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.
Tương tự trong thời gian qua, Hải Phòng đã gỡ vướng cho 11 dự án, Cần Thơ đã gỡ vướng cho 17 dự án. Tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho 26 dự án, trong đó có 19 dự án khu đô thị, 7 dự án nhà ở xã hội.
Mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới tháo gỡ, tuy nhiên các luật này vẫn chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định, chưa tích cực trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn, chưa có kết quả giải quyết cụ thể, triệt để… Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nói riêng và Tổ công tác nói chung vẫn nỗ lực hoạt động để đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Chưa kể, thông qua việc rà soát, nắm bắt tình hình các dự án bất động sản, Tổ công tác còn có nhiều báo cáo, tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ đạo với loạt biện pháp cụ thể và quyết liệt để giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Công điện số 194/CĐ-TTg về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản; Công điện số 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Công điện số 470/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; Công điện số 993/CĐ-TTg về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc đi đến từng địa phương, từng dự án để hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc của Tổ công tác cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang quyết liệt đồng hành, "giải cứu" thị trường bất động sản. Đó là sự quyết tâm cao độ để thị trường tránh rơi vào tình trạng đổ vỡ hàng loạt, ảnh hưởng đến sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy, đây cũng được đánh giá là cuộc giải cứu đặc biệt chưa từng có trong lịch sử phát triển ngành bất động sản Việt Nam.
Tín hiệu tươi sáng dần xuất hiện
Đánh giá vai trò Tổ công tác Thủ tướng trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, từ khi thị trường bất động sản lâm vào khó khăn ở thời điểm cuối năm 2022, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường. Trong đó, việc thành lập Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản là một trong những động thái quan trọng hàng đầu.
TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá, những kết quả mà Tổ công tác đạt được rất đáng ghi nhận. Rất nhiều văn bản kiến nghị đã được xử lý, nhiều dự án với các "nút thắt" tồn tại hàng chục năm qua đã được gỡ bỏ. Điều này giúp thị trường địa ốc ghi nhận một lượng lớn dự án được tái khởi động.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, để Tổ công tác đạt được những kết quả này, một phần không nhỏ là nhờ vào sự nỗ lực chỉ đạo, thực hiện của Bộ Xây dựng.
"Bộ trưởng và các lãnh đạo, cơ quan chức năng trong Bộ Xây dựng đã thể hiện cao nhất tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đề cao trách nhiệm và sự cầu thị thực sự để có thể sâu sát đến từng địa phương, từng dự án và có những hướng giải quyết phù hợp. Bộ Xây dựng cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan ban, ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các dự án với tinh thần "vướng đến đâu, gỡ đến đó, không đùn đẩy, không né tránh", ông Phong nói.
Là người trong cuộc, gắn bó với thị trường bất động sản suốt nhiều năm qua, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đồng tình với quan điểm, Bộ Xây dựng nói riêng và Tổ công tác của Thủ tướng nói chung đã thể hiện một vai trò rất lớn trong việc đồng hành, gỡ khó cho thị trường bất động sản, suốt thời gian qua.
Ông Đính cho biết, đây không phải là lần đầu Nhà nước can thiệp, điều tiết thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cuộc suy giảm hiện nay khác rất nhiều so với những cuộc suy giảm trước và cách mà Chính phủ "giải cứu" cũng khác lạ so với trước. Mọi động thái của Chính phủ đều quyết liệt, rốt ráo, dồn dập. Các bộ, ngành cũng chủ động vào cuộc, trong đó, Bộ Xây dựng là đơn vị tham gia với nhiều trọng trách nặng nề. Không chỉ là Bộ có vai trò nòng cốt trong Tổ công tác của Thủ tướng mà còn là cơ quan soạn thảo 2 luật quan trọng gồm Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Bộ Xây dựng cũng là đơn vị đề xuất và triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Dù trọng trách lớn nhưng với quyết tâm cao, những công sức mà Bộ Xây dựng, Tổ công tác bỏ ra đã ghi nhận được nhiều thành quả xứng đáng. Thị trường bất động sản đã chuyển biến tích cực, quý sau tốt hơn quý trước, nhiều dự án trên cả nước được tháo bỏ rào cản pháp lý để tiếp tục triển khai, nguồn cung có xu hướng cải thiện, đặc biệt là hạn chế tình trạng "doanh nghiệp chết trên đống tài sản". Những tháng đầu năm 2024, khi nhiều dự án lớn được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, niềm tin của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản được củng cố. Cùng với những tín hiệu tốt về công tác hoàn thiện thể chế, thị trường bất động sản đã nhìn thấy những chuyển động tích cực với nhiều dự án ra hàng, nhu cầu đầu tư gia tăng trở lại.
Với những tín hiệu khởi sắc đang xuất hiện, thị trường bất động sản được đánh giá cơ bản đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, giới chuyên gia đều cho rằng, để thị trường thực sự đi qua "cơn bĩ cực", vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm và quyết liệt tháo gỡ từ các cơ quan bộ, ngành. Trong đó, Bộ Xây dựng và Tổ công tác cần tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt.
"Mong rằng với các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thành tốt cam kết nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cùng Tổ công tác sẽ nhanh chóng hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trên cả nước", TS. Nguyễn Văn Đính bày tỏ.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng và thị trường bất động sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng 2024 được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đặt ra và nhấn mạnh trong các cuộc họp gần đây. Theo Bộ trưởng, đây là nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm của ngành để hướng đến hỗ trợ thị trường bất động sản nhanh chóng hồi phục.
Tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản sau khi các Luật mới được ban hành hồi đầu năm nay, đại diện Tổ công tác – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục tập trung triển khai hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động của Tổ Công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6/2024.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Chính phủ trong tháng 5/2024; tiếp tục chủ thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ thị, công điện, thông báo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng./.
Nguồn: https://reatimes.vn/go-kho-cho-thi-truong-bat-dong-san-sau-sat-quyet-liet-den-tung-du-an-202240422205653398.htm