Với những lưu ý dưới đây, việc mua nhà tại một nước châu Âu sẽ không còn là điều khó khăn.
Hãy khoan nói đến rào cản ngôn ngữ và luật pháp, ngay cả việc chọn được một ngôi nhà phù hợp cũng đã là trở ngại khó vượt qua đối với nhiều người muốn mua nhà ở nước ngoài. Làm thế nào để chọn được ngôi nhà khi không có ý niệm gì về địa phương đó?
Dưới đây là một số chú ý có thể giúp giảm bớt gánh nặng khi mua nhà ở châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Tìm nhà vào mùa hè
Giữa mùa đông, vì tuyết đã bao phủ toàn bộ cảnh quan nên khách hàng khó lòng xem xét được toàn bộ ngoại thất, vườn tược của một căn nhà.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm các gia đình châu Âu có thói quen đi nghỉ dài ngày, nhiều hàng quán cũng đóng cửa.
Hãy tưởng tượng xem bạn mua một ngôi nhà vào mùa đông, rồi đến mùa hè thì mới ngã ngửa ra rằng gần nhà mình không có một quán bar hay nhà hàng chất lượng nào. Vì vậy, lựa chọn tốt nhất cho khách hàng là hãy đi xem nhà vào mùa hè.
Nói chuyện với các môi giới
Tìm hiểu thông tin về một địa phương mà bạn hoàn toàn không biết thông qua các chuyên gia là một sự lựa chọn hoàn toàn hợp lý. Bạn hãy tìm đến các nhà môi giới bất động sản có uy tín để tìm hiểu về cảnh quan, con người, cơ sở vật chất… ở nơi bạn có ý định mua nhà.
Thậm chí, họ còn có thể là đầu mối để kết nối bạn với những thợ xây, thợ máy, thợ điện… và những cá nhân, doanh nghiệp khác vô cùng cần thiết cho cuộc sống tại nơi ở mới.
Đây là nhà ở chính hay nhà nghỉ mát của bạn?
Câu hỏi nói trên nên được đặt lên hàng đầu để giải quyết trước khi bắt đầu quá trình tìm nhà, vì tuỳ vào mục đích sử dụng mà các tiêu chí lựa chọn nhà sẽ khác hẳn nhau.
Quan trọng hơn là trước luật pháp của nhiều nước châu Âu, một ngôi nhà ở chính sẽ được đối xử khác với một ngôi nhà nghỉ mát. Đơn cử như việc để đối đầu với tình trạng giá nhà tăng quá nhanh tại các đô thị, nhiều quốc gia đã đưa ra một khoản thuế mới áp dụng với những ngôi nhà nghỉ mát. Trả lời được câu hỏi nói trên sẽ giúp bạn tránh được nhiều rắc rối ngay từ đầu.
Đừng có tham giá rẻ
Cũng giống như mua nhà trong nước, câu nói “tiền nào của nấy” cũng áp dụng đối với việc mua nhà nước ngoài. Bạn hãy đừng để bị mờ mắt bởi những lời rao bán nhà rẻ đến bất ngờ so với giá trị trung bình ở khu vực đó.
Người rao bán có rất nhiều cách để đánh lừa bạn, từ việc không nói đến chi phí các loại thuế phải nộp khi mua và sử dụng nhà, hay là giấu kín một khiếm khuyết nào đó của ngôi nhà. Nếu có khả năng thì bạn và nhà môi giới nên đến tận nơi xem nhà ít nhất hai lần.
Không vội vàng cải tạo nhà
Ngoài các trường hợp ngôi nhà có hỏng hóc phải sửa chữa khẩn cấp, bạn không nên vội vàng nghĩ đến việc cải tạo nhà ngay trước và sau khi mua.
Chi phí cải tạo nhà ở tại các quốc gia châu Âu không hề nhỏ một chút nào. Trong khi đó, bạn lại không có nhiều kinh nghiệm giao dịch với các nhà thầu, doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, vấn đề có thể nằm ở chính bạn – khi chuyển đến một quốc gia khác, cơ thể và tâm trí bạn sẽ mất cân bằng và dễ dàng đưa ra các quyết định thiếu thông minh để tìm lại sự thoải mái, ví dụ như sửa lại nhà.
Đừng bị động hay nản chí
Nếu bạn không mua được ngôi nhà mà mình mong muốn thì cũng đừng có buồn, vẫn còn rất nhiều cơ hội.
Bạn hãy tỏ ra năng động hơn trong việc tìm nhà, trò chuyện với các nhà môi giới, người dân địa phương, các diễn đàn Internet… để tìm thấy một ngôi nhà khác vẫn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của bạn, hay thậm chí là còn tốt hơn cả ngôi nhà bạn để mắt lúc trước.