Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.

Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.

Tháng 08/2017, một người đàn ông đi dưới sân tòa nhà HH2B, Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì suýt bị một chiếc thớt và một con dao to bản từ trên tầng cao của chung cư rơi trúng.

Đến tháng 04/2019, hàng loạt cửa sổ kính dài khoảng 3 mét được lắp đặt tại tầng 1 CC Zen Tower bất ngờ rơi xuống đất khiến cư dân "hoảng loạn".

Tháng 07/2019, một cụ ông bị ổ khóa rơi trúng đầu khi đang đi lại dưới sân chung cư khu đô thị Đại Thanh (Hà Nội).

Vào tháng 08/2019, vụ việc “chiếc chổi bay” xảy ra tại khu chung cư 87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến một bé trai bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Tất cả đều do sự “vô ý” không thể chấp nhận của một số bộ phận cư dân đang sinh sống tại các chung cư, lâu dần tạo nên những nỗi ám ảnh “vô hình”...

Những câu chuyện đơn lẻ tưởng chừng không liên quan nhiều nhưng khi đặt chúng trong mối liên hệ về việc ứng xử văn hóa tại chung cư sẽ nhận ra những vấn đề bất cập lớn. Trong một không gian có hàng trăm, hàng nghìn người chung sống, tính kỷ luật, nhận thức về trách nhiệm cá nhân và tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình” chính là yếu tố quyết định để tạo dựng văn hóa chung cư.

Tạo dựng văn hóa chung cư: Khó hay dễ?

Chung cư là nơi cư trú của cộng đồng dân cư đến từ nhiều vùng, địa phương với những nét văn hóa, trình độ dân trí khác nhau. Sự khác biệt về văn hóa, lối sống, cách thức ứng xử của cư dân được coi là một phần nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột, những hình ảnh không đẹp ở mỗi tòa nhà. Trong đó, nổi cộm là việc lấn chiếm không gian chung, xả rác, chất thải không đúng nơi quy định; nuôi, thả rông vật nuôi; sử dụng thang máy không đúng mục đích.

Các quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư nói chung, về xây dựng đời sống văn hóa tại chung cư nói riêng vẫn chưa theo kịp sự phát triển đa dạng của thực tiễn. Điều này khiến việc xây dựng đời sống văn hóa ở chung cư với những bất cập từ nhiều phía, vốn đã khó, lại càng thêm khó.

Theo thống kê của CBRE, nếu như năm 2010, số lượng căn hộ chung cư để bán tại Hà Nôi rơi vào khoảng 73.000 căn thì đến năm 2019, con số này tăng lên mức hơn 300.000 căn (gấp 4 lần). Trước xu thế đô thị hóa nhanh, dự kiến số lượng nhà chung cư tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Bởi thế, "văn hóa chung cư" là vấn đề không chỉ của hôm qua, mà còn là của hôm nay và ngày mai; là những câu chuyện mang sắc thái chung và riêng của các dạng chung cư: Các khu tập thể, nhà ở xã hội và chung cư cao cấp.

Nhiều chung cư mới bàn giao hoặc bàn giao từ lâu, nay cư dân chuyển đến ở và họ có nhu cầu sửa nhà. Mặc dù, Ban Quản trị nhà đã có quy định việc sửa chữa nhà phải dùng thang hàng, nhưng một số cư dân vẫn dùng thang vận chuyển người để chuyển nguyên vật liệu gây nhếch nhác, mất mỹ quan khu chung cư.

Một người dân ở chung cư Tân Việt (Hoài Đức) bức xúc: "Thang chung nhưng nhiều người "vô tư" sử dụng để vận chuyển hàng nhiều lần, thậm chí còn không chịu tiếp thu ý kiến góp ý của cư dân".

Hơn nữa, các hiện tượng xả rác bừa bãi, đỗ xe không đúng nơi quy định, nói tục chửi bậy… được xem là “chuyện thường ngày”. Không ít trường hợp mâu thuẫn với nhau vì những chuyện vụn vặt hàng ngày, thậm chí, có người chấp nhận bán nhà để không phải chịu cảnh ở chung với những hàng xóm thiếu ý thức.

Theo anh Trần Văn Đạt, cư dân tại chung cư ở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), một bộ phận người dân ở chung cư vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ ở nhiều vùng miền, coi nhà chung như nhà riêng và ứng xử với không gian chung như không gian sở hữu riêng.

Lý giải cho những câu chuyện nực cười của văn hóa chung cư, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng T.Ư Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Từ trước đến nay, người Việt Nam chỉ có văn hóa "nằm ngang" chưa có văn hóa theo chiều dọc, theo chiều thẳng đứng, theo phong cách chung cư, thang máy. Nghĩa là người dân mang thói quen sống ở mặt đất, ở làng, xã lên chung cư”.

“Nhà ở chung cư như là một "cỗ máy" để ở, đòi hỏi cư dân sống trong đó phải sử dụng trang thiết bị kỹ thuật thành thạo” - KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Có một thời kỳ, truyền thông biểu dương tình làng nghĩa xóm từ sự việc giết lợn, nấu cỗ ăn ở hành lang tòa nhà chung cư. Nhưng theo KTS Phạm Thanh Tùng ở các khu đô thị, văn hóa làng xã đó không thật sự phù hợp. Lối sống nông thôn từ hàng ngàn năm với nếp sống, thói quen, cách ứng xử phù hợp với hương ước của làng, với quy định của cộng đồng làng xã, tự do đến mức tùy tiện nhưng đầy tính nhân bản. Khi chuyển sang sống trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư thì văn hóa làng ấy đã không còn bền vững. Đó là một thách thức cho các nhà quản trị đô thị và cho mỗi cư dân sống trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư.

Các khu chung cư là nơi cư trú của cộng đồng dân cư đến từ nhiều vùng địa lý với những nét văn hóa, trình độ dân trí khác nhau. Sự khác biệt về văn hóa, lối sống, cách thức ứng xử của cư dân là một phần nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột, những hình ảnh không đẹp ở mỗi tầng nhà. Trong đó, nổi cộm là việc lấn chiếm không gian chung; xả rác, chất thải không đúng nơi quy định; nuôi, thả rông vật nuôi; sử dụng thang máy không đúng mục đích…

“Cha chung không ai khóc”

Ý thức văn hóa kém từ chuyện đổ rác, đi thang máy, đậu xe… cho đến những hiểm họa khôn lường từ “vật thể bay” nêu trên đã khiến nhiều cư dân phải lắc đầu ngán ngẩm.

Những hành động thiếu ý thức không chỉ gây nguy hiểm cho cư dân mà còn làm mất mỹ quan khu chung cư. Nhiều người đặt câu hỏi lớn về ý thức của một bộ phận cư dân sống tại các chung cư khi vẫn giữ thói tùy tiện, cẩu thả dù sống trong môi trường tập thể.

Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng đã ghi rõ hành vi bị nghiêm cấm là “ném bất cứ vật gì từ cửa sổ, ban công của căn hộ”. Quy định là thế, nhưng việc thực hiện tới đâu lại liên quan tới ý thức của người dân và trách nhiệm nhắc nhở, xử lý của các ban quản lý tòa nhà.

Họp chợ, kinh doanh, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là thực trạng khiến cư dân Linh Đàm "ngao ngán".

Ngay từ đầu, nếu chủ đầu tư nỗ lực tham gia hình thành được ban quản trị phù hợp các quy định của pháp luật, sẽ tạo nên một giá trị văn hóa của một tòa nhà chung cư. Sau đó mới là sự lựa chọn khôn ngoan, có trách nhiệm của cộng đồng dân cư về ban quản trị tòa nhà, là sự hài hòa các tầng nấc văn hóa ứng xử của mỗi thành viên trong chung cư.

Xây dựng văn hóa sống ở mỗi chung cư phụ thuộc vào từng cá nhân cư dân, nhưng cũng cần một ban quản lý chuyên nghiệp, biết giữ gìn nét văn hóa của người Việt. Việc xây dựng văn hóa chung cư đòi hỏi trách nhiệm của doanh nghiệp, cư dân và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhưng hai chủ thể quan trọng nhất vẫn là cư dân và chủ đầu tư. Nhờ đó, văn hóa chung cư mới thật sự thấm nhuần và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cũng như tự nguyện thực hiện của mọi cư dân. 

Ghi nhận thực tế tại một số chung cư thuộc địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), mặc dù đã có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng hành lang, không gian chung nhưng tình trạng nhiều tầng, nhiều căn hộ "thản nhiên" ăn uống ở lối đi gây mất trật tự, mất vệ sinh vẫn diễn ra.

Một chung cư tại khu vực Đại Kim, Hà Nội.

Theo quan sát của PV, hầu như các chung cư đều xây dựng các quy chế quản lý, sử dụng, nội quy, quy định, cũng như cách hành xử của cư dân sinh sống tại đây với những điều được làm và không được làm rất rõ ràng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt và bảng nội quy được đặt ở những vị trí dễ quan sát nhất ngay sảnh ra vào.

Tuy nhiên, thực tế những nội quy này dường như chỉ mang tính “hình thức”, khuyến cáo và rất ít trường hợp bị xử lý khi các ban quản trị và ban quản lý vì "ngại" va chạm nên chỉ nhắc nhở người vi phạm hoặc đưa lên nhóm kín chung của chung cư để nhắc nhở, thậm chí, không tiết lộ danh tính người vi phạm. Chính việc không có chế tài xử lý nghiêm dẫn đến các vi phạm tại chung cư vẫn cứ tiếp diễn.

Nội quy thường được đặt ở các vị trí dễ thấy nhất nhưng chẳng mấy cư dân... quan tâm.

Nhiều chuyên gia cho rằng hơn lúc nào hết, chủ đầu tư, Ban quản trị cần kết hợp với tổ dân phố và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho cư dân các chung cư nhằm tạo lối sống mới. Bên cạnh việc quản lý trật tự tại cộng đồng chung cư theo các khung quy định cũng cần quản lý theo cơ chế mềm.

Tức là xây dựng một khuôn mẫu đạo đức, hướng người dân vào khuôn mẫu đó. Như vậy sẽ tạo ra nền tảng văn hóa, hình thành lối ứng xử văn minh cho các cư dân. Nếu không khẩn trương thực hiện, sau này sẽ càng tạo sự hẫng hụt trong văn hóa ứng xử chung cư.

Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, trước mắt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy ý thức của cư dân nhằm tạo nên sự bền vững trong văn hóa ứng xử.

Do có đặc thù riêng, văn hóa chung cư tác động đến khu đô thị, địa phương sở tại, thậm chí đến cả thành phố chứ không phải văn hóa chung cư chỉ là ứng xử của cư dân ở đấy. Việc nâng cao nhận thức và ý thức của cư dân càng trở nên quan trọng.

Phương hướng xử lý nhìn từ những bất cập thực tiễn

Thực tế cho thấy, mâu thuẫn tại các chung cư trên địa bàn Thủ đô xảy ra giữa chủ đầu tư và cư dân đang là chủ đề “nóng” khi quyền lợi hai bên bị xung đột, mấu chốt vẫn là vận hành tòa nhà.

Sự "xuống cấp" về văn hóa, đạo đức kinh doanh của CĐT đã dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho cư dân. (Ảnh: Internet)

Để khắc phục tình trạng này, một số chuyên gia cho rằng, nếu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc từ quá trình đầu tư xây dựng đến quản lý vận hành khi chưa có Ban quản trị và đến khi bàn giao hồ sơ, hạng mục công trình sẽ không nảy sinh mâu thuẫn.

Theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, vận hành tòa nhà phải là một đơn vị chuyên nghiệp, đặc biệt cần gắn trách nhiệm của chủ đầu tư vào việc quản lý, vận hành tòa nhà sau khi bàn giao công trình chứ không thể để chủ đầu tư bán nhà kiếm lợi nhuận xong không còn trách nhiệm.

Vì vậy, cần ưu tiên chủ đầu tư vào vận hành, bảo trì hệ thống kỹ thuật với giá cạnh tranh được hội nghị nhà chung cư thông qua.

“Đơn vị thuê vận hành không có nghiệp vụ sẽ gây hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng tòa nhà, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Những quy định về vận hành tòa nhà, quỹ bảo trì, diện tích sử dụng chung… cần được xem xét lại, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế đặt ra” - ông Nguyễn Văn Đính bày tỏ quan điểm.

“Vấn đề ở đây nữa là thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc thanh kiểm tra, giám sát thường xuyên để tránh xảy ra việc tranh chấp chung cư. Nếu như các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, phát hiện những sai phạm và buộc chủ đầu tư phải xử lý, sửa chữa ngay từ lúc ban đầu, có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra những việc khiếu kiện phức tạp” - Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng muốn giải quyết tận gốc những mâu thuẫn lợi ích trong tranh chấp chung cư, bên cạnh hệ thống pháp luật cần có cách để mọi người không vi phạm quy định hoặc có cách hành xử văn minh trong xử lý tranh chấp.

Những yếu tố về khuôn mẫu văn hóa, đạo đức trong cộng đồng là rất quan trọng để tất cả các bên cùng thực hiện, chấm điểm công khai theo từng thang bậc.

Có như vậy, tình trạng tranh chấp chung cư mới có thể “hạ nhiệt” và giữ được trật tự cộng đồng, đặc biệt là nền tảng văn hóa xã hội.

Theo thống kê của CBRE, nếu như năm 2010, số lượng căn hộ chung cư để bán tại Hà Nôi rơi vào khoảng 73.000 căn thì đến năm 2019, con số này tăng lên mức hơn 300.000 căn (gấp 4 lần).


Theo Hải Miên/Đô Thị Mới