Định nghĩa của IFC cho rằng, công trình xanh bắt buộc phải có hiệu quả tốt hơn 20% mức cơ sở tại địa phương. Trong đó, cần thiết có một bên thứ ba độc lập, đứng ra đánh giá và cấp chứng nhận xanh, ngay sau đó, đơn vị này sẽ lập tức có đánh giá, báo cáo tổng định mức tiết kiệm cung cấp cho các bên có yêu cầu. Điều này đặc biệt quan trọng với các ngân hàng thương mại trong quá trình xem xét, quyết định đầu tư cho các dự án, công trình xanh.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - Quản lý Chương trình Công trình Xanh Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, thị trường Việt Nam đang thực sự chín muồi để đầu tư cho công trình xanh. Sự thuận lợi này đến từ việc nhận thức tốt về công trình xanh. Tính đến quý III/2020 chúng ta đã có 155 dự án xanh được LEED, EDGE và LOTUS, có khoảng gần 3,3 triệu m2 được chứng nhận xanh. Đồng thời, Việt Nam có hàng trăm chuyên gia xanh được đào tạo nhưng chưa tham gia nhiều vào thị trường, đội ngũ này hoàn toàn sẵn sàng khi thị trường có nhu cầu.

Thị trường đã thật sự chín muồi để đầu tư cho công trình xanh

Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, Việt Nam mỗi năm cần thêm 70 triệu m2 nhà ở đô thị tính từ nay đến năm 2030, đây là thị trường hoàn toàn tiềm năng. Bên cạnh đó, thị trường công trình xanh Việt Nam luôn có sự hỗ trợ từ Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.

Tại Hội thảo, bà Diệp cũng chỉ ra những lợi ích của công trình xanh đối với chủ đầu tư, nhà xây dựng, người mua và khối ngân hàng. Cụ thể, khi xây dựng công trình xanh, chủ đầu tư có thể bán nhà giá cao hơn, đẩy nhanh hơn việc bán hành, người mua được giảm chi phí tiện ích, đạt giá trị chuyển nhượng tốt hơn.

“Đối với ngân hàng, tỉ lệ không trả được nợ thấp hơn. Trong đó, công trình xanh giúp giảm rủi ro đầu tư, mở ra cơ hội để ngân hàng có được thị phần lớn trong việc đầu tư công trình xanh, ngân hành nào làm đầu tiên sẽ là quả bom về truyền thông, chính sách, thi đua khen thưởng đầu tiên trên thị trường, đồng thời đa dạng hóa nền tảng nhà đầu tư, giảm rủi ro về uy tín và chính sách”, Quản lý Chương trình Công trình Xanh Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Diệp cho rằng, chứng chỉ xanh như EDGE còn tạo ra sự khác biệt cho bất động sản nhờ đem lại hàng loạt lợi ích cho nhà phát triển. Theo đó, chứng chỉ cung cấp cho nhà bất động sản lợi thế cạnh tranh nhờ tạo khác biệt cho sản phẩm, nắm bắt được mọi lợi ích của chi phí cấp chứng chỉ hợp lý, quy trình cấp chứng chỉ đơn giản và gắn thương hiệu của Nhóm Ngân hàng thế giới.

Theo bà Diệp, khó khăn của lĩnh vực xây dựng xanh không phải ở chi phí mà là vấn đề nhận thức về mức chi phí thấp. Xét về thị trường vốn, để thúc đẩy công trình xanh, một số giải pháp có thể thực hiện bao gồm việc phát hành trái phiếu xanh cho danh mục đầu tư mới, chứng khoán hóa danh mục đầu tư như tài sản thế chấp, thu hút nhà đầu tư mới hay mở rộng sang các thị trường mới.

Theo Kinh Tế Môi Trường