Hoàn thành phá dỡ tầng 18 tòa nhà 8B Lê Trực
Ngày 14/10, đại diện lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho biết, địa phương vừa có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về việc hoàn thành phá dỡ tầng 18 của tòa nhà 8B Lê Trực theo quy định.
Theo đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành phá dỡ toàn bộ tường gạch, tường kính, sàn, mái, dầm, cột tầng 18 theo phương án được phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-UBND ngày 23/04/2020 và số 1176/QĐ-UBND ngày 17/08/2020 của UBND quận Ba Đình. Việc phá dỡ như trên đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời, cũng đảm bảo quyền lợi đúng mức của các bên liên quan và an toàn cho công trình.
Đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, quá trình tháo dỡ phần vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B phố Lê Trực được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, không gây ảnh hưởng đến an toàn của người dân và các công trình khác trong khu vực.
Từ khoảng đầu tháng 05/2020, phường Điện Biên cùng các ngành chức năng của quận Ba Đình đã thực hiện các công việc như tiến hành rà phá bom mìn, vật liệu cháy nổ, tiến hành khảo sát công trình liền kề.
Ngành chức năng mở khóa các căn hộ tầng 18, kiểm đếm, tháo dỡ, niêm phong các thiết bị, đồ đạc trong căn hộ để đưa về nơi lưu giữ theo quy định.
Đến ngày 12/05/2020, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam đã tiếp quản mặt bằng và tiến hành tháo dỡ, phá dỡ tường kính, tường ngăn căn hộ, sàn mái tầng 18 theo phương án, giải pháp đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Sau khi hoàn thành việc tháo dỡ tầng 18, UBND quận sẽ tiếp tục báo cáo UBND TP Hà Nội, mời các chuyên gia, Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra, khảo sát. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, lực lượng chức năng quận sẽ tiếp tục tháo dỡ tầng 17 của dự án.
Vào tháng 10/2015, sai phạm về trật tự xây dựng của tòa nhà 8B Lê Trực đã được báo chí phản ánh, sau đó các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã vào cuộc xử lý. Sau 06 năm xử lý, tòa nhà đã bị cưỡng chế cắt ngọn phần tum thang và tầng 19.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, công trình chỉ được xây 53 m nhưng chủ đầu tư cho xây tới 69 m (vượt chiều cao 16 m, tương đương năm tầng); diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép. Bên cạnh đó, công trình cũng không tiến hành xây giật cấp theo giấy phép xây dựng, cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế; phần đầu hồi phía đông từ độ cao 44 m phải xây lùi 15 m và tại độ cao 50 m phải xây lùi 5,3 m… nhưng chủ đầu tư cho xây thẳng lên mái.
Dừng đề xuất ý tưởng quy hoạch chung cư cũ với nhà đầu tư chậm thực hiện
Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 461/TB-VP thông báo kết luận và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo UBND TP về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn TP nói chung và tại khu chung cư cũ Giảng Võ nói riêng.
Tập thể lãnh đạo UBND TP đánh giá: "Công tác cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội nhiều năm qua đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tích cực chỉ đạo. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng còn lại quá ít, tư vấn lập quy hoạch chậm, không đạt yêu cầu đặt ra. Do đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng chung cư cũ".
UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do các doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn TP giao.
Về công tác nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch, tập thể lãnh đạo UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát, tổng hợp báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.
Đối với hồ sơ chậm thực hiện, quá thời hạn TP giao, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện.
Đối với các nhà chung cư cũ đã kiểm định và đánh giá mức độ nguy hiểm cấp độ D, lãnh đạo UBND TP giao Sở Xây dựng, UBND các quận liên quan khẩn trương thực hiện dứt điểm việc tạm di cư.
Sau 4 đợt khảo sát với hơn 1.200 công trình, có 325 công trình ở tình trạng nguy hiểm, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu (mức 3); 691 công trình ở tình trạng hư hỏng làm giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng (mức 2); 145 công trình còn đáp ứng yêu cầu sử dụng (mức 1) và 110 công trình không khảo sát được do không xác định được vị trí hoặc đã xây dựng lại.
Trước thực trạng cải tạo chung cư cũ còn nhiều lận đận, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung chính sách, cơ chế đặc thù mới nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.
Theo đó, Hà Nội đề xuất giao các nhà đầu tư đề xuất ý tưởng và lập quy hoạch chi tiết 1/500 và TP sẽ hoàn trả chi phí này nếu nhà đầu tư không được lựa chọn làm chủ đầu tư; chỉ định chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện đầu tư cải tạo nhà chung cư cấp D hoặc không phải là cấp D nhưng nằm trong kế hoạch cải tạo theo hình thức xã hội hóa khi các chủ sở hữu nhà chung cư này không lựa chọn được doanh nghiệp thực hiện dự án.
Đề xuất cho phép quy định tỷ lệ khoảng 70% chủ sở hữu nhà chung cư không phải cấp D (nhà nguy hiểm) nhất trí là được thực hiện cải tạo, xây dựng lại thay vì 100% như quy định của luật hiện hành; cho phép nghiên cứu lập quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 và triển khai theo dự án riêng đối với nhà chung cư cấp D, nhà chung cư hết niên hạn nằm trong các khu chung cư cũ.
Tỷ lệ bồi thường cũng là vấn đề được quan tâm nhằm tháo nút thắt khi thực hiện cải tạo chung cư cũ. Theo đề xuất, chủ sở hữu căn hộ tầng 2 có hệ số bồi thường quy đổi tối đa 1,5 lần so với diện tích căn hộ cũ; chủ sở hữu căn hộ tầng 1 thì như căn hộ tầng 2 và được ưu tiên mua thêm phần diện tích sàn kinh doanh thương mại với diện tích bằng diện tích căn hộ cũ theo giá thành đầu tư cộng 10% lợi nhuận của chủ đầu tư. Còn với trường hợp các chủ sở hữu có nhà chung cư tại 04 quận nội thành nếu có nhu cầu tái định cư tại dự án khác ngoài vành đai 3 thì cho hệ số bồi thường tối đa là 2 lần.
47 dự án đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước lỗ dồn hơn 1 tỷ USD
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2019.
Theo báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2019 có 27 doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 130 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản, xây lắp và vận tải hàng không, bệnh viện, chế biến dược phẩm...
Lũy kế đến ngày 31/12/2019, 10/27 doanh nghiệp đã có thu hồi vốn đầu tư từ các dự án tại nước ngoài với số tiền 2.981,3 triệu USD, bằng 45,72% vốn đầu tư đã thực hiện, gồm: PVN đã thu hồi 2.114,86 triệu USD (bằng 61,38% vốn đầu tư thực hiện); Viettel đã thu hồi 810 triệu USD (bằng 45,12% vốn đầu tư thực hiện); 08 Tập đoàn, Tổng công ty (VRG, VNPT, Petrolimex, Vinachem, TCT Hợp tác kinh tế; TCT Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam,...) chuyển về nước 56,45 triệu USD.
Năm 2019, có 87/130 dự án báo cáo về doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài là 7.021,88 triệu USD, bằng 127,16% so với năm 2018. Trong đó, 53 dự án có lợi nhuận với tổng lợi nhuận 565 triệu USD, tăng 39 triệu USD và bằng 107,42 % so với năm 2018; 33 dự án bị lỗ với số lỗ là 156 triệu USD giảm 201 triệu USD và bằng 43,74% so với năm 2018. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 206,3 triệu USD, giảm 25,04 triệu USD và bằng 89,18% so với năm 2018.
Trong số các dự án đầu tư tại nước ngoài, có 47 dự án bị lỗ lũy kế với số lỗ lũy kế là 1.048,57 triệu USD. Ngoài ra, còn một số dự án chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận nên chưa có cơ sở để đánh giá về hiệu quả đầu tư của các dự án này. Tính đến 31/12/2019, thì tiền chuyển về nước chiếm tỷ trọng lớn tập trung ở một số dự án như: dự án khai thác dầu khí của PVN (Dự án Nhenhexky - Liên bang Nga, Lô PM 304 - Malaysia, ...) và dự án viễn thông tại các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, còn những dự án khó khăn, tiềm ẩn rủi ro và tồn tại, chưa có hiệu quả đầu tư. Các dự án khai thác, thăm dò dầu khí phải dừng, giãn tiến độ hoặc thực hiện thủ tục kết thúc (có tỷ trọng vốn đầu tư cao). Các dự án trồng và chế biến cây cao su, một số dự án vẫn còn trong giai đoạn đầu tư hoặc mới đưa vào khai thác và đang lỗ kế hoạch, tiềm ẩn rủi ro (chính sách đất đai, thuế, lao động; rủi ro thị trường...).
Một số dự án viễn thông có số lỗ lũy kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát và rủi ro tỷ giá. Một số dự án không hiệu quả thuộc các lĩnh vực khác vẫn đang hoạt động hoặc dừng triển khai như Dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào, Dự án thành lập Hãng hàng không quốc gia Campuchia...
Báo cáo đánh giá, nhìn chung, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chưa đạt được như kỳ vọng đầu tư. Ngoài những nguyên nhân khách quan (như chính trị, chính sách đầu tư nước sở tại...) thì nguyên nhân chủ quan là vấn đề về năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường và kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài.