36 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên một địa bàn
Theo tìm hiểu của PV, tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Bát Tràng có đến 36 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, sai phép, vi phạm quy chế đấu giá, điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, kéo dài gần hai thập kỷ.
Tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung Bát Tràng, những ngôi biệt thự xây dựng trên đất quy hoạch làm nhà xưởng, trưng bày giới thiệu sản phẩm; một số ô đất sử dụng sai mục đích, biến thành nhà ở, hàng ăn, nhà nghỉ. nhiều nhà hàng mọc lên lấn chiếm lòng đường, nhiều nhà xưởng bên ngoài quây tôn nhưng bên trong là nhà được xây dựng kiên cố.
Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề phát sinh như những nhà xưởng, nơi trưng bày không phép tồn tại rất nhiều; rác thải từ trạm trộn, từ nhà xưởng bốc mùi gây mất vệ sinh môi trường; hàng loạt những ngôi nhà xây dựng kiên cố trái phép không có dấu hiệu xử lý, can thiệp của chính quyền.
Thuật ngữ “vi phạm trật tự xây dựng” đã xuất hiện từ lâu, song đến khi Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về việc xử lý trật tự xây dựng đô thị thì thuật ngữ này được pháp luật hóa.
Để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về tập thể UBND xã Bát Tràng nhiệm kỳ 2004-2011 và 2011-2015 đã buông lỏng quản lý về đất đai, xây dựng, khiến hàng loạt sai phạm này đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết được dứt điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ tại địa phương.
Chính quyền buông lỏng quản lý, doanh nghiệp "nhờn luật"
Tình trạng xây dựng không phép, sai phép, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương mà nguyên nhân chính nằm ở trách nhiệm của chính quyền địa phương vẫn buông lỏng quản lý, nhiều dự án, công trình không phải không phát hiện được vi phạm pháp luật, sai giấy phép xây dựng, chưa được cấp giấy phép nhưng xử lý chậm trễ, không triệt để.
Điều này đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp/chủ đầu từ dễ dàng "thao túng, qua mặt" các cơ quan chức năng, thậm chí là "nhờn luật" do việc tổ chức thực hiện luật không nghiêm.
Việc buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng chung đến kinh tế, xã hội. Những công trình, dự án sai phạm nếu không có sự can thiệp, xử lý dứt điểm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì không những tác động tiêu cực tới quy hoạch đô thị, quỹ đất, ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cuộc sống của những người dân xung quanh những sai phạm trật tự xây dựng trên.
Vi pham trật tư xây dựng bao gồm 4 hành vi:
-Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép xây dựng;
- Xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng do cấp có thẩm quyền cấp;
- Xây dựng công trình gây lún, nứt, có nguy cơ gây sụp đổ công trình bên cạnh;
- Xây dựng công trình sai quy hoạch chi tiết 1/500; sai thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trong trường hợp được miễn giấy phép).
Trong khi đó, liên quan đến cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép đã có nhiều định chế, pháp luật điều chỉnh tương đối đầy đủ. Ngoài Luật xây dựng còn có pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, xử lý vi phạm hành chính, thanh tra,... nhưng tình trạng vi phạm xây dựng vẫn diễn ra tràn lan. Vậy rõ ràng cách quản lý của chính quyền địa phương có vấn đề.
"Cần phải có quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm từng chủ thể trong việc kiểm soát hoạt động xây dựng. Khi đó tổ chức, cá nhân buông lỏng phải bị xử lý, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý của mình" thì mới có thể dần tháo gỡ, xóa bỏ vấn nạn về vi phạm TTXD - Theo Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Bài học trong công tác quản lý đất đai
Việc quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, được các cấp lãnh đạo các thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng, những bất cập trong việc xử lý vi phạm vẫn tồn tại, thách thức các nhà quản lý.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị kéo dài và lan rộng trên các địa bàn nói chung bắt nguồn từ đâu? Có thể điểm lại hàng chục đầu lý do được đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng như khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp... thậm chí có cả những nguyên nhân do những hành vi hành chính không phù hợp, vận dụng sai quy định pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch...
Thực trạng về câu chuyện xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội nói riêng trong nhiều năm qua đã thực hiện nhưng chưa chạm đến gốc, đến rễ vấn đề khiến các vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, nhiều cấp, tồn tại như một vấn nạn, gây thiệt hại chung cho xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng cần luật hóa các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có, đơn giản hóa những vấn đề phức tạp.
Tại Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND về quy định quản lý TTXD trên địa bàn thành phố Hà Nội , công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công tới khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về TTXD phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh; bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.
Từ sự việc có đến 36 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã Bát Tràng (Hà Nội) nhưng kéo dài đến 2 thập kỷ vẫn chưa xử lý dứt điểm đã thể hiện sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/chủ đầu tư dễ dàng "qua mặt", ngang nhiên sai phạm, UBND xã Bát Tràng nói riêng cần kiên quyết xử lý triệt để các vụ việc trên, nếu công tác quản lý đất đai không thắt chặt thì sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến dân sinh, xã hội và cả kinh tế.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, để công tác xử lý những sai phạm về trật tự xây dựng đem lại hiệu quả, Hà Nội nói riêng và các địa phương khác nói chung cần tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền, biến chủ trương thành những hành động cụ thể, giám sát chặt chẽ, kiên quyết không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", khắc phục các điểm còn hạn chế và giải quyết, xử lý dứt điểm từng sai phạm của từng dự án.